Vụ nổ vệ tinh Boeing 'đe dọa' các vệ tinh Trung Quốc

Mảnh vỡ từ vụ nổ vệ tinh liên lạc Intelsat 33e đe dọa hàng trăm vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, bao gồm cả những vệ tinh do Trung Quốc vận hành.

Theo Lực lượng Không gian Mỹ, vệ tinh liên lạc Intelsat 33e do Boeing chế tạo cho công ty Intelsat (Mỹ), tan vỡ một cách bí ẩn trên quỹ đạo Trái Đất hôm 21/10. Vệ tinh cung cấp dịch vụ băng thông rộng trên khắp Châu Âu, Châu Phi và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Vệ tinh Intelsat 33e do Boeing chế tạo phát nổ trên quỹ đạo sau. (Ảnh: Gagadget)

Vệ tinh Intelsat 33e do Boeing chế tạo phát nổ trên quỹ đạo sau. (Ảnh: Gagadget)

Công ty Intelsat cho biết vệ tinh 33e của họ nặng 6.600 kg, có kích thước gần bằng một container và được phóng vào năm 2016. Vệ tinh gặp "sự cố bất thường" hôm 19/10 và mất tích hoàn toàn ở độ cao khoảng 36.000 km so với Trái đất.

Theo báo cáo từ các công ty thương mại cũng như cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, ban đầu các nhà quan sát phát hiện khoảng 20 mảnh vỡ rải rác nhưng con số hiện tăng lên hơn 80.

Nhà thiên văn học Jonathan McDowell của Harvard, chuyên gia theo dõi các hoạt động không gian, cho biết độ cao của Intelsat 33e khiến việc theo dõi sự tan vỡ trở nên khó khăn hơn, nhưng "chắc chắn" tiềm ẩn rủi ro đối với các vệ tinh khác.

"Thật khó để đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc", ông McDowell nói với tờ SCMP ngày 24/10. Ông cho biết sự cố có thể do va chạm với các mảnh vỡ không gian hoặc vấn đề bên trong, chẳng hạn như vụ nổ hệ thống đẩy.

Vệ tinh Intelsat 33e định vị ở Quỹ đạo địa tĩnh, xa hơn nhiều so với quỹ đạo Trái Đất thấp, nơi có hầu hết các tàu vũ trụ, bao gồm Trạm vũ trụ quốc tế và trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc.

Trung Quốc vận hành một số vệ tinh trên quỹ đạo địa tĩnh, bao gồm vệ tinh thời tiết Phong Vân và mạng lưới định vị Bắc Đẩu, cũng như vệ tinh thông tin liên lạc Trung Tinh phục vụ mục đích dân sự và quân sự.

Ba "vệ tinh internet quỹ đạo cao" của Trung Quốc cũng được phóng lên quỹ đạo địa tĩnh trong năm nay nhưng rất ít thông tin liên quan.

Theo chuyên gia McDowell, quy mô sự cố Intelsat 33e có thể tương tự vụ tai nạn không gian lớn của Trung Quốc hồi tháng 8, khi tầng trên của tên lửa Trường Chinh 6A phát nổ ở quỹ đạo Trái đất thấp trong quá trình triển khai lô vệ tinh đầu tiên cho chòm sao băng thông rộng Thiên Phàm.

Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ và các công ty giám sát thương mại ước tính có hơn 700 mảnh vỡ không gian từ vụ nổ này.

"Cả hai sự cố đều ở mức tồi tệ nhất mà chúng tôi từng thấy trong không gian. Chắc chắn sẽ có một số rủi ro với các vệ tinh khác", ông McDowell nói.

Tuy nhiên, hiệu ứng Kessler - một trong những mối đe dọa lớn nhất do rác vũ trụ gây ra - ít có khả năng xảy ra trên quỹ đạo địa tĩnh vì thể tích không gian lớn hơn nhiều quỹ đạo Trái đất thấp, đồng thời vận tốc giữa các vật thể tương đối thấp hơn.

Năm 1978, nhà khoa học NASA Donald Kessler mô tả mật độ các vật thể ở quỹ đạo Trái Đất thấp có thể tăng cao đến mức các vụ va chạm của các mảnh vỡ sẽ tạo ra nhiều mảnh vỡ khác, dẫn đến phản ứng dây chuyền có thể khiến một số quỹ đạo không thể sử dụng.

Hoa Vũ (Nguồn: SCMP)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/vu-no-ve-tinh-boeing-de-doa-cac-ve-tinh-trung-quoc-ar903824.html