Vụ nữ sinh tự tử ở An Giang: Xử lý học sinh vi phạm chưa phù hợp
Từ câu chuyện nữ sinh trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) tự tử ngay tại trường học đã đặt ra những vấn đề xung quanh việc xử lý vi phạm của học sinh trong môi trường giáo dục hiện nay, liệu đã đúng?
Nữ sinh muốn ghi âm lại lời cô giáo để chứng minh cho mình
Em N.T.N.Y., học sinh lớp 10A4, trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) cho biết do bị bạo lực tinh thần, tâm lý bị đè nén và bế tắc. Vì không tìm được cách chứng minh sự trong sạch của bản thân nên muốn đi đến cái chết.
Trước đó, em Y. đã bị nhà trường nhiều lần nhắc nhở về các lỗi vi phạm như "mặc áo mỏng", "đi xe phân khối lớn" đồng thời mời phụ huynh lên làm việc. Tuy nhiên em Y. không nhận lỗi và khẳng định mình không sai gì cả.
Ngoài ra về việc học phụ đạo, mặc dù em Y. chỉ xin đi học một môn do tình hình sức khỏe và nhận thấy học lực không quá yếu nhưng khi thu tiền giáo viên chủ nhiệm vẫn bắt em đóng đủ các môn còn lại. Khi nữ sinh này báo về nhờ gia đình can thiệp thì cô chủ nhiệm lại tỏ ra tức giận với Y. và “bóng gió” em về chuyện học thêm.
Nhận thấy thái độ của cô giáo chủ nhiệm lúc nói chuyện với mình khác hẳn với khi gặp mặt phụ huynh, cụ thể cô giáo thường quát mắng, đập bàn, gắt gỏng. Em Y. đã dùng điện thoại để ghi âm lại lời của cô nhằm làm bằng chứng cho người thân. Nhưng cô giáo lại quy kết em vào lỗi sử dụng điện thoại di động trong giờ học khi phát hiện ra hành vi này.
Lá thư tuyệt mệnh của em Y. trước khi uống thuốc tự tử ngay tại trường học.
Theo bà Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên gia giáo dục của Microsoft, cho rằng giáo viên không việc gì phải cấm học sinh quay phim, chụp ảnh, ghi âm thầy cô, vì nếu không làm sai, họ không phải sợ.
Thạc sĩ Lê Minh Huân, giảng viên khoa Tâm lý học, ĐH Sư phạm TP.HCM, bày tỏ khi giáo viên cảm thấy mình làm đúng và có tác phong sư phạm chuẩn mực thì họ không cần lo ngại bị học sinh ghi âm.
Cùng quan điểm, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), cho rằng em N.T.N.Y. cho rằng em Y. có cơ sở để ghi âm lại lời giáo viên và vẫn chưa phát tán nội dung ra ngoài. Hơn nữa việc cô giáo đập bàn, quát tháo học sinh là có thật.
Bêu tên học sinh dưới cờ là phản giáo dục
Theo lời kể của em N.T.N.Y., sáng 23/11 vào giờ chào cờ, ban giám hiệu đã đọc tên em trước toàn trường vì phản ánh sự việc ở trường với gia đình không đúng sự thật, gây hiểu lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình, sử dụng điện thoại ghi âm giáo viên, phải học lại bài học đạo đức, phạt lao động.
Đỉnh điểm đến, sáng 30/11, trong giờ chào cờ, nhà trường tiếp tục đọc tên và thông báo vi phạm của Y. Sự xấu hổ đan xen, không chịu đựng nổi nữa, Y. đã uống thuốc quá liều để kết liễu cuộc đời. May mắn mọi người đã kịp thời phát hiện em bị ngất và đưa em đi cấp cứu tại bệnh viện.
Được biết, hình thức phê bình trước lớp, trước trường đã bị Bộ GD&ĐT cấm áp dụng với học sinh. Sở GD&ĐT An Giang cũng đánh giá hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương “nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp quy định hiện hành”.
Em Y. đã được cấp cứu kịp thời nhưng vẫn chưa ổn định tâm lý.
Bà Tô Thụy Diễm Quyên khẳng định việc loại bỏ hình thức phê bình học sinh trước cả lớp hay toàn trường là cần thiết và đúng đắn vì tính nhân văn cũng như phù hợp với hiệu ứng tâm lý của con người. Theo bà, nỗi xấu hổ khi bị sỉ nhục trước mặt đông người là rất khó để vượt qua.
Thạc sĩ Lê Minh Huân cho rằng dù sức răn đe của hình thức phê bình học sinh trước tập thể là rất lớn nhưng cũng không nên áp dụng do không chỉ gây tâm lý nặng nề mà còn phản tác dụng, khiến học sinh cảm thấy áp lực.
Đây cũng là quan điểm của ông Huỳnh Thanh Phú. Ông Phú nhấn mạnh bêu tên học sinh dưới cờ là hình thức nhục mạ học sinh, vi phạm quyền trẻ em, chà đạp nhân phẩm người khác. Vì vậy ông đề nghị phải có hình thức kỷ luật phù hợp đối với những người đã đưa ra hình phạt này cho em Y.
Hình thức kỷ luật chưa phù hợp và nhiều sai phạm khác từ phía nhà trường
Sau khi sự việc xảy ra, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang đã liên lạc với lãnh đạo Sở Y tế An Giang nhờ nắm thông tin từ Bệnh viện Nhật Tân - nơi em Y. đang điều trị. Ông Nguyễn Việt Hùm, hiệu trưởng trường THPT Vĩnh Xương cùng giáo viên chủ nhiệm, bà Huỳnh Thị Thu Huệ đã bị tạm đình chỉ công tác trong 15 ngày (kể từ ngày 7/12) để làm rõ những hành vi liên quan.
Bước đầu xác minh, đoàn công tác Sở Giáo dục và Đào tạo An Giang tại trường THPT Vĩnh Xương cho biết em Y. có vi phạm nội quy nhà trường, giáo viên nhắc nhở và phối hợp với phụ huynh học sinh để giải quyết.
Về phía trường, trong việc theo dõi, xử lý vụ việc đã có một số hạn chế, thiếu sót. Hiệu trưởng có sự nóng vội trong xử lý vấn đề, đề ra phương án xử lý học sinh chưa phù hợp với quy định hiện hành, trong khi chưa có sự bàn bạc, thống nhất trong nội bộ các thành viên ban giám hiệu trường.
Việc lãnh đạo trường nêu họ tên học sinh có vi phạm nội quy trường dưới cờ, làm ảnh hưởng đến tâm lý học sinh và là nguyên nhân dẫn đến sự việc em Y. uống thuốc định tự tử và ngất xỉu trong nhà vệ sinh. Đồng thời, giáo viên chưa kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu trường trong xử lý vụ việc, để sự việc kéo dài, diễn biến phức tạp.
Ngày 6/12, Sở GD&ĐT An Giang tiếp tục kết luận trường THPT Vĩnh Xương tổ chức dạy thêm, học thêm trong trường không đúng với quy định của ngành (dạy thêm, học thêm đại trà cho tất cả học sinh theo lớp chính khóa); có hình thức phê bình, kỷ luật học sinh không đúng với quy định của ngành.