Vụ nước sạch sông Đà: Cần khởi tố điều tra hành vi thiếu trách nhiệm
Theo luật sư, thiệt hại do nguồn nước sạch bị nhiễm bẩn là rất lớn, do đó ngoài việc khởi tố vụ án 'Gây ô nhiễm môi trường', cơ quan điều tra cần khởi tố thêm tội 'Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng' để làm rõ trách nhiệm của Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà khi biết nguồn nước nhiễm bẩn vẫn cung cấp cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Trần Tuấn Anh, Cty Luật Minh Bạch cho rằng, sau sự cố nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu bẩn khiến hàng triệu người dân ở Hà Nội bị ảnh hưởng, cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” theo Điều 235 BLHS 2015 trên nguyên tắc có dấu hiệu của hành vi phạm tội là cần thiết và kịp thời. Trong quá trình điều tra, cơ quan CSĐT có thể tiếp tục khởi tố bị can, nếu trường hợp không có hành vi phạm tội thì có thể đình chỉ vụ án.
Theo luật sư Tuấn Anh, việc cơ quan CSĐT Công an huyện Kỳ Sơn khởi tố vụ án “Gây ô nhiễm môi trường” là chưa đủ, bởi hành vi của người đổ trộm chất thải nguy hại ra môi trường đã rõ nhưng còn hành vi thiếu trách nhiệm của lãnh đạo công ty nước sạch sông Đà biết việc nguồn nước nhiễm dầu thải là nguy hại, ảnh hưởng đến sức khỏe hàng vạn người dân nhưng dường như không có bất kỳ thông báo, biện pháp hạn chế thiệt hại. Đến khi người dân phản ánh, phía Cty nước sạch sông Đà cho biết nước vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, trong khi đó cơ quan chức năng TP Hà Nội lại đưa ra kết quả xét nghiệm nước có hàm lượng chất Styren vượt chuẩn theo quy định thì Cty này mới có các biện pháp khắc phục, ngừng cấp nước, sục rửa đường ống,...
“Cơ quan điều tra cần xác định thêm thiệt hại về vật chất của hàng vạn người dân Hà Nội đã sử dụng nguồn nước nhiễm dầu bẩn của Cty nước sạch sông Đà trong nhiều ngày qua. Theo tôi thiệt hại này là rất lớn, vượt quá căn cứ để xác định khởi tố tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo Điều 360 BLHS 2015 là gây thiệt hại từ 100 triệu đồng” - luật sư Tuấn Anh nêu quan điểm.
Theo luật sư Tuấn Anh, nếu khách hàng sử dụng nước sạch của công ty X có trụ sở tại quận Hà Ðông (Hà Nội), đến khi nước bị nhiễm bẩn không đạt tiêu chuẩn gây ảnh hưởng thì khách hàng có quyền khởi kiện công ty X ra tòa án nhân dân quận Hà Ðông yêu cầu bồi thường thiệt hại. “Việc chứng minh thiệt hại do nguồn nước nhiễm bẩn dựa trên căn cứ như người dân phải nghỉ việc lấy nước, thức đêm chờ nước, mua nước, nước bẩn gây ảnh hưởng đến sức khỏe, giảm năng suất lao động hay giảm doanh số kinh doanh vì thiếu nước và phải được quy đổi ra số tiền tương ứng, hóa đơn chứng từ…” - luật sư Tuấn Anh nói.