Vụ ông Trump dọa cấm TikTok và WeChat: 'Hãy để nhiều nước cô lập Trung Quốc'
Theo Tim Wu, luật sư người Mỹ và giáo sư tại Đại học Columbia, các nhà phê bình nói Mỹ không nên từ bỏ lý tưởng về một internet mở. Thế nhưng, Tim Wu cho rằng nếu Trung Quốc từ chối tuân theo các quy tắc của internet mở, tại sao tiếp tục cho nước này tiếp cận các thị trường internet trên thế giới?
Tim Wu đưa ra góc nhìn thú vị về lệnh cấm của Tổng thống Trump với ByteDace và Tencent, hai công ty Trung Quốc sở hữu TikTok và WeChat. Nội dung như sau:
Chính phủ Mỹ thường không chặn hoặc kiểm duyệt các trang web hợp pháp nước ngoài hay trong nước vì họ tuân theo ý tưởng rằng internet được thiết kế để mở và kết nối tất cả mọi người trên Trái đất. Vì thế, động thái gần đây của Tổng thống Trump với TikTok và WeChat, hai ứng dụng Trung Quốc mà ông đe dọa sẽ cấm ở Mỹ trừ được bán cho công ty nước này, có vẻ không thân thiện và hiếu chiến.
Có nhiều điều để nói về tình huống này hơn là những gì mắt thấy. Nếu áp đặt với bất kỳ quốc gia nào khác ngoài Trung Quốc, biện pháp của ông Trump được cho là hiếu chiến. Song những lệnh cấm và lời đe dọa với TikTok hay WeChat dù với động cơ là gì, cũng có thể được coi là đòn ăn miếng trả miếng trong một cuộc chiến lâu dài cho linh hồn của internet.
Ở Trung Quốc, YouTube và WhatsApp – hai ứng dụng của Mỹ tương tự TikTok và WeChat - đã bị cấm trong nhiều năm qua. Việc ngăn chặn, kiểm duyệt và giám sát trên phạm vi rộng của nước này vi phạm mọi nguyên tắc về tính công khai và đúng đắn của internet.
Trung Quốc giữ một nền kinh tế internet khép kín và kiểm duyệt trong nước khi các sản phẩm của họ được tiếp cận đầy đủ với các thị trường mở ở nước ngoài.
Sự phi đối xứng này là không công bằng và không nên được dung thứ nữa. Đặc quyền truy cập internet đầy đủ - internet mở - chỉ nên được mở rộng cho các công ty từ các quốc gia tôn trọng sự cởi mở đó.
Đằng sau cuộc tranh cãi về TikTok là trận chiến quan trọng giữa hai tầm nhìn của internet. Đầu tiên là tầm nhìn cũ với quan niệm rằng internet nên dùng để kết nối tất cả mọi người và việc ngăn chặn, kiểm duyệt các trang web của nước ngoài chỉ là lời biện hộ bởi ý muốn của người cai trị.
Tầm nhìn thứ hai và mới hơn mà Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu là “chủ nghĩa dân tộc thuần túy”, coi internet chủ yếu là công cụ của quyền lực nhà nước. Theo quan điểm này, tăng trưởng kinh tế, giám sát và kiểm soát tư tưởng là những chức năng quan trọng nhất của internet.
Khi theo tầm nhìn này, Trung Quốc không chỉ cấm hầu hết các đối thủ cạnh tranh nước ngoài với các doanh nghiệp công nghệ của mình mà còn chặn các nguồn tin tức nước ngoài, chỉ thị về hoạt động tôn giáo và thông tin khác, đồng thời sử dụng internet để quảng bá, tuyên truyền nhà nước và can thiệp bầu cử nước ngoài. Dù Trung Quốc tiên phong về chủ nghĩa dân tộc thuần túy, nhưng điều này đang nổi lên ở những nước khác, đặc biệt là Ả Rập Xê út, Iran và gần đây là Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.
Trong nhiều năm, người dân sống và làm việc dưới sự kỳ vọng viển vông rằng Trung Quốc không khuất phục trước các thế lực thù địch trong lịch sử. Các nền dân chủ phương Tây đã cho phép Trung Quốc khai thác điều này. Chúng ta đã chấp nhận im tiếng, bị Trung Quốc kiểm duyệt và chặn nội dung từ nước ngoài, đồng thời cho phép các công ty nước này khám phá và khai thác bất kỳ thị trường nào họ thích. Rất ít công ty nước ngoài được phép tiếp cận công dân Trung Quốc với các ý tưởng hoặc dịch vụ, nhưng thế giới hoàn toàn mở cửa cho các công ty trực tuyến của Trung Quốc.
Từ quan điểm của Trung Quốc, sự phi đối xứng là lợi ích phục vụ các mục tiêu kinh tế cũng như chính trị. Trong khi Trung Quốc có những kỹ sư tuyệt vời, các quốc gia châu Âu bị các công ty công nghệ Mỹ vượt mặt phải ghen tị với ngành công nghiệp công nghệ đang phát triển mạnh mà Trung Quốc đã xây dựng trong bối cảnh không có sự cạnh tranh lớn của nước ngoài (được hỗ trợ bởi việc đánh cắp bí mật thương mại).
Trung Quốc đã quản lý và sử dụng internet để trấn áp bất kỳ phe bất động chính kiến non trẻ nào, đồng thời không ngừng thúc đẩy cho đảng cầm quyền của mình. Những người theo chủ nghĩa duy tâm nghĩ rằng internet sẽ tự động tạo ra nền dân chủ ở Trung Quốc đã sai. Một số người cho rằng Mỹ sẽ mắc sai lầm lớn khi vi phạm các nguyên tắc mở của internet tiên phong ở nước này. Thế nhưng, nếu Trung Quốc từ chối tuân theo các quy tắc của internet mở, tại sao tiếp tục cho nước này tiếp cận các thị trường internet trên thế giới?
Điều này không có nghĩa là khi nói đến giám sát internet, chính phủ hoặc các công ty công nghệ Mỹ chưa từng làm. Đó không phải biện hộ cho việc ông Trump mạnh tay đàn áp TikTok và WeChat. Trump bị cho là người mắc sai lầm trong cuộc chiến chống lại các công ty Trung Quốc chỉ vì động cơ của ông bị nghi ngờ. Người ta tưởng tượng rằng Trump có thể thích một mạng internet của Mỹ được thiết kế để phục vụ nhu cầu tuyên truyền của ông. Một cách tiếp cận tốt hơn sẽ là để nhiều nước trên thế giới cô lập Trung Quốc.
Những tuyên bố của ông Trump đã làm rõ một điều: Chúng ta cần thức tỉnh trong trò đang chơi khi nói đến tương lai của internet toàn cầu. Những người theo chủ nghĩa lý tưởng của những năm 1990 hay đầu những năm 2000 tin rằng việc xây dựng một mạng lưới toàn cầu sẽ dẫn đến hòa bình và hòa hợp thế giới. Song, không nên tưởng tượng ra thứ như vậy nữa. Nếu muốn tính đúng đắn và cởi mở tồn tại trên internet, chắc chắn là một mục tiêu có thể đạt được hơn, các quốc gia giữ những giá trị đó cần phải bắt đầu chiến đấu để bảo vệ chúng.
Tuần trước, Tổng thống Donald Trump đã ban hành lệnh hành pháp buộc ByteDance phải bán TikTok ở Mỹ trong vòng 90 ngày hoặc ứng dụng này bị cấm. Ông Trump cho biết có "bằng chứng đáng tin cậy" cho thấy TikTok đang được ByteDance sử dụng để vi phạm an ninh của Mỹ.
Hôm 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch của Mỹ với ByteDance và Tencent, công ty mẹ của TikTok và WeChat, sau 45 ngày tới. Theo đó, người Mỹ không được thực hiện giao dịch kinh doanh với TikTok và WeChat thuộc Trung Quốc từ sau ngày 20.9. Điều đó có nghĩa là TikTok sẽ bị đóng cửa nếu không bán lại cho công ty Mỹ.