VỤ PHÓNG VIÊN BỊ HÀNH HUNG GẦN TRẠM BOT TRẢNG BOM: Việc rõ như ban ngày mà vẫn chưa tìm ra!
Việc tìm người đã hành hung phóng viên và làm rõ động cơ của họ tưởng đơn giản nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả...
Ngày 25-2, Công an huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai cho biết vẫn đang truy tìm 2 đối tượng hành hung phóng viên Báo Người Lao Động.
Nhiều nơi vào cuộc nhưng vẫn chưa có câu trả lời (?)
Trước đó, Báo Người Lao Động nhận được phản ánh về những bất cập liên quan dải phân cứng trước trạm BOT Trảng Bom nằm ở xã Trung Hòa, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Đến 15 giờ ngày 20-2, phóng viên Nguyễn Văn Tuấn đi ghi nhận ý kiến người dân về sự việc trên. Khi phóng viên đang chụp ảnh hiện trường thì 2 người lạ mặt đầu trần chạy xe máy bất ngờ áp sát hỏi chụp ảnh làm gì, thích chụp ảnh không? Sau đó, cả hai chạy ngược làn đường để quay lại cùng gậy gỗ trên tay lao vào tấn công phóng viên. Khi có người la lên: "Đấy là phóng viên, nhà báo", một trong 2 đối tượng hung hăng nói: "Phóng viên, nhà báo thì càng đánh chết" (lời kể của một người dân trong biên bản ghi lời khai tại Công an xã Trung Hòa thể hiện rõ tình tiết này).
Một người dân khác vì quá bức xúc đăng tải clip vụ việc với hình ảnh những kẻ côn đồ đã nhận cuộc gọi từ số lạ "khủng bố" tinh thần.
Về phía phóng viên Nguyễn Văn Tuấn, ngay sau khi thoát nạn, anh đã điện thoại trình báo toàn bộ sự việc với thượng tá Lê Mạnh Hùng, Trưởng Công an huyện Trảng Bom; bà Vũ Thị Minh Châu, Chủ tịch UBND huyện. Anh Tuấn cũng liên hệ với Công an xã Trung Hòa và được nơi đây lập biên bản tiếp nhận nguồn tin về tội phạm.
Phóng viên cũng đã gửi đơn tố giác tội phạm về hành vi cố ý gây thương tích, đơn yêu cầu giám định tỉ lệ thương tật đến Công an huyện Trảng Bom, VKSND huyện Trảng Bom. Hai cơ quan trên đã tiếp nhận cùng các giấy tờ kèm theo như giấy ra viện, hình ảnh…
Hội Nhà báo TP HCM cũng đã đề nghị Công an tỉnh Đồng Nai sớm điều tra làm rõ và xử lý nghiêm các đối tượng tham gia hành hung, cản trở việc tác nghiệp của phóng viên Nguyễn Văn Tuấn; ông Trần Trung Nhân, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, cho hay Ban Nội chính Tỉnh ủy đã tham mưu và Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai đã có văn bản chỉ đạo xử lý vụ việc; Công an tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo huyện Trảng Bom, Công an huyện Trảng Bom… cũng có những phát ngôn thể hiện quyết tâm tương tự.
Thế nhưng đến nay, hàng loạt câu hỏi về tung tích 2 đối tượng, mục đích của họ và có ai đứng đằng sau màn bạo lực ấy không thì vẫn trong vòng bí ẩn.
Xử lý nghiêm để phóng viên yên tâm tác nghiệp
Nói về câu chuyện trên, ông Bùi Xuân Thống, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, khẳng định quan điểm của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh là phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, theo Luật Báo chí. Điều này để bảo đảm an toàn cho phóng viên, giúp phóng viên yên tâm tác nghiệp.
Dưới góc độ luật sư, ông Trần Cao Đại Kỳ Quân (Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai) nhận định hành vi 2 đối tượng đánh phóng viên đang tác nghiệp giữa ban ngày rồi dùng gậy truy đuổi là cực kỳ manh động, nguy hiểm. Đặc biệt, sau đó nhóm này được cho là còn gọi điện dọa "xử đẹp" người đăng clip lên mạng xã hội càng thể hiện sự thách thức pháp luật.
Luật sư Quân cho rằng Công an huyện Trảng Bom cần nhanh chóng tìm ra nơi ở của 2 đối tượng để mời lên làm việc. Nếu làm rõ việc hành hung là có tổ chức, bàn bạc cộng với kết quả giám định thương tật của phóng viên thì có cơ sở để khởi tố vụ án "Cố ý gây thương tích".
Chưa xác minh xong vì... công văn đến chậm?
Trước đó, ngày 23-2, khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao đến nay công an vẫn chưa tìm thấy 2 đối tượng và mời lên làm việc, một cán bộ điều tra Công an huyện Trảng Bom cho biết từ số điện thoại, Facebook mà phóng viên và ông T. cung cấp, phía Công an huyện đã xác định được danh tính, có đối tượng ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Theo vị cán bộ này, Công an huyện Trảng Bom đã làm văn bản nhờ Công an tỉnh Phú Yên hỗ trợ nhưng đến nay chưa có kết quả.
Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều 25-2, thượng tá Nguyễn Khắc Thạnh, Trưởng Công an huyện Phú Hòa, khẳng định chưa nhận được công văn nào của Cơ quan CSĐT Công an huyện Trảng Bom liên quan việc xác minh.
Sự chậm trễ khó hiểu
Đến ngày 25-2, gần 1 tuần sau khi phóng viên của Báo Người Lao Động bị đánh trong lúc tác nghiệp gần BOT Trảng Bom, vấn đề về tung tích, động cơ, mục đích của hai kẻ hành hung vẫn là câu hỏi chưa có lời giải đáp.
Câu hỏi ấy đáng buồn thay lại là tiền đề cho một sự khó hiểu khác, rằng việc tìm ra thủ phạm và làm rõ lý do hành hung trong một vụ việc tưởng đơn giản hóa ra lại gian nan đến vậy.
Các yếu tố để làm sáng tỏ vụ việc đã đủ. Cụ thể, ngay sau sự việc, phóng viên đã lập tức liên hệ, kịp thời thông báo đến các địa chỉ có trách nhiệm giải quyết; hành vi côn đồ trên ngang nhiên diễn ra giữa thanh thiên bạch nhật, trước sự chứng kiến của nhiều người; các clip ghi lại diễn biến vụ việc với khá rõ hình ảnh những kẻ đánh người được chia sẻ dồn dập trên mạng xã hội...
Vậy mà thủ phạm vẫn như bóng chim tăm cá?
Liên hệ trong quá khứ, một sự trùng hợp khá ngẫu nhiên là cứ việc gì liên quan đến sự tồn tại của dải phân cách cứng tại BOT Trảng Bom thì đều chậm có kết quả. Bằng chứng là từ tháng 10-2019, cơ quan chức năng tỉnh Đồng Nai tổ chức họp giải quyết kiến nghị của người dân về dỡ bỏ dải phân cách này. 5 cơ quan đại diện cho ngành giao thông, công an và chính quyền đều đồng ý theo nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, vì nhà đầu tư dự án là Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận không theo với lý do "ảnh hưởng đến an toàn giao thông và điều tiết giao thông trong công tác thu phí của trạm" mà mọi thứ bị dừng.
Để rồi, mãi đến ngày 23-2 vừa qua mới chính thức có quyết định tháo dỡ. Hơn 2 năm cho một quyết định quả là quá dài, đó là chưa kể trước đó từ năm 2015, người dân đã khiếu nại về sự bất cập của dải phân cách trên.
Để có quyết định trên không đơn giản, đó là báo chí phải vào cuộc mạnh mẽ. Đặc biệt, sự việc phóng viên Báo Người Lao Động bị hành hung và truy đuổi khi tác nghiệp gần BOT đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong dư luận, đẩy các bên liên quan phải ngồi lại xem xét thấu đáo vấn đề và đưa ra quyết định đúng.
Chuyện của dải phân cách đã xong, vậy chuyện phóng viên bị hành hung thế nào?
Dường như đề nghị nhanh chóng xử lý từ cơ quan Báo Người Lao Động, của Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đang dừng lại ở mức "được ghi nhận"? Các chỉ đạo khẩn trương từ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, Công an tỉnh Đồng Nai, của lãnh đạo huyện Trảng Bom vẫn trong giai đoạn "đang triển khai"? Các động thái "nhanh chóng làm rõ vụ việc" của cơ quan chức năng huyện Trảng Bom thiên về ý chí hơn là hành động?...
Hay chỉ đơn giản những kẻ gây rối trật tự, truy đuổi để quyết liệt hành hung phóng viên kia có biệt tài ẩn thân?