Vụ 'phù phép' đất tại Ba Vì: Nhiều người liên quan 'chống lệnh' tòa
Cho rằng cấp tòa sơ thẩm giải quyết vụ án không đúng, cựu Phó Trưởng phòng Tài nguyên và môi trường huyện Ba Vì kháng cáo.
Lãnh đạo huyện tiếp tục vắng mặt
Ngày 24-8, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án làm giả hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ("sổ đỏ") tại huyện Ba Vì, Hà Nội.
Ba bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” gồm là Bùi Thúy Nga (SN 1956), cựu Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, kiêm Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai huyện Ba Vì, Hà Nội; Nguyễn Bá Kiên (SN 1979), cựu cán bộ địa chính xã Vân Hòa, Ba Vì và Nguyễn Xuân Giúp (SN 1960), cựu Chủ tịch UBND xã Yên Bài, huyện Ba Vì.
Phiên tòa phúc thẩm được mở do có kháng cáo của cả ba bị cáo. Trong đó, bị cáo Nga kháng cáo kêu oan, hai đồng phạm của bị cáo Nga xin giảm nhẹ hình phạt và xin được hưởng án treo.
Trước đó (ngày 6-8-2020), phiên phúc thẩm này đã được mở ra nhưng buộc phải trì hoãn. Nguyên nhân do bị cáo Kiên vắng mặt và hàng loạt cá nhân liên quan không đến dự tòa theo giấy triệu tập. Đáng chú ý, ở phiên tòa bị hoãn, bị cáo Nga cùng các luật sư đã đề nghị tòa án triệu tập một Phó Chủ tịch UBND và một số cán bộ của huyện Ba Vì để làm rõ các tình tiết trong vụ án.
Tuy nhiên, hôm nay, hầu hết những người liên quan đến vụ án vẫn tiếp tục “chống lệnh” tòa khi vắng mặt tại xử này. Giải thích về việc những người liên quan không đến dự tòa, Thẩm phán Phan Thanh Huyền (Chủ tọa phiên phúc thẩm) cho biết, mặc dù tòa án đã tống đạt giấy triệu tập nhưng phần lớn những người liên quan đều không ký nhận giấy triệu tập và không đến dự tòa.
Thẩm phán Phan Thanh Huyền cho biết, dù vậy vụ án sẽ vẫn được đưa ra xét xử vì đã hoàn nhiều lần. Trong quá trình làm rõ hành vi của các bị cáo, nếu cần thiết, HĐXX sẽ công bố lời khai của những người liên quan đã có trong hồ sơ vụ án.
Tóm tắt lại bản án sơ thẩm, HĐXX phúc thẩm cho biết, cuối năm 2007 đầu năm 2008, Bùi Thúy Nga nhờ một số cá nhân mua gom đất của các hộ dân tự khai hoang tại xã Yên Bài với mục đích đầu tư kinh doanh bất động sản. Sau khi mua được đất (loại đất nông nghiệp khai hoang, đất nông trường), bị cáo Nga nhờ người đo vẽ, trích lục các thửa đất và làm hồ sơ giả để xin cấp “sổ đỏ”.
Sau đó, UBND huyện Ba Vì đã cấp tổng cộng 25 “sổ đỏ” đối với số đất nông nghiệp khai hoang, đất nông trường nói trên. Cơ quan tố tụng xác định, việc cấp “sổ đỏ” này là không đúng trình tự quy định, không đúng nguồn gốc, mục đích sử dụng đất…
Cấp tòa sơ thẩm xác định, hành vi của Bùi Thúy Nga, Nguyễn Bá Kiên, Nguyễn Xuân Giúp đã gây thiệt hại cho Nhà nước gần 640 triệu đồng khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Từ đó, cấp sơ thẩm tuyên đã tuyên phạt Bùi Thúy Nga 5 năm 6 tháng tù, Nguyễn Bá Kiên 36 tháng tù và Nguyễn Xuân Giúp 30 tháng tù về cùng tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Lời khai của người liên quan có khách quan?
Trong ngày đầu xét xử phúc thẩm vụ án, bị cáo Kiên và Giúp thừa nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm xác định. Hai bị cáo này cùng đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ tội và cho được hưởng án treo.
Trong khi ấy, trả lời thẩm vấn tại tòa, bị cáo Nga khẳng định, bản thân luôn làm đúng chức trách nhiệm vụ được giao, chưa bao giờ có biểu hiện lợi dụng quyền hạn hoặc lạm dụng quyền hạn. Bị cáo này trình bày, việc cấp “sổ đỏ” là cả một hệ thống với quy trình rất chặt chẽ.
“UBND xã được phân công làm công tác quản lý đất đai tại cơ sở. Việc đăng ký đất đai, cấp “sổ đỏ”, chuyển nhượng quyền sử dụng đất…, hồ sơ ban đầu phải do UBND xã thiết lập và xác nhận” – bị cáo Nga trình bày.
Bị cáo Nga cũng cho rằng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (gọi tắt là Văn phòng) chỉ thẩm định trên hồ sơ mà xã xác lập và đối chiếu với luật đất đai và các Nghị định, Thông tư hiện hành. Luật không yêu cầu Văn phòng xuống thẩm tra tại thực địa.
Nói rõ về quy trình cấp “sổ đỏ”, bị cáo Nga cho hay, hồ sơ đất đai sau khi được xã thiết lập, qua các khâu, người ký cuối cùng và trách nhiệm cao nhất là Phó Chủ tịch huyện. Trước tòa, bị cáo Nga khẳng định bản thân không được lợi ích vất chất gì, đồng thời cho rằng lời khai của 3 người có trong hồ sơ vụ án là vô căn cứ vì 3 người này đã bị tố cáo lừa đảo chiếm đoạt hơn 6 tỷ đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, bị cáo Nga cũng đưa ra công văn của Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an TP Hà Nội) thể hiện 3 người nêu trên đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bị cáo này cần phải được khởi tố, điều tra và xử lý trước pháp luật.
Cựu Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ba Vì còn cho rằng, lời khai của bị cáo Kiên, bị cáo Giúp có nhiều mâu thuẫn, cần phải được xem xét, đánh giá và làm rõ.