Vụ Phúc Sơn: Thiệt hại gần 1.200 tỉ đồng, kê biên hơn 1.400 bất động sản
Viện kiểm sát kết luận hành vi của Hậu 'pháo' và đồng phạm đã gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, với tổng số tiền gần 1.200 tỉ đồng.
Như Một Thế Giới đã đưa tin, Viện KSND tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn và các đơn vị liên quan.
Còn sơ hở trong một số văn bản quy phạm pháp luật
Theo đó, VKS truy tố 41 bị can về 6 tội danh. Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn) bị truy tố 3 tội danh “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”.
Trong số 9 bị can bị truy tố tội “Nhận hối lộ”, có Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Phạm Hoàng Anh (cựu Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), Nguyễn Văn Khước (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi), Lê Viết Chữ (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)…

Bị can Nguyễn Văn Hậu - Ảnh: Bộ Công an
Theo VKS, ở giai đoạn điều tra, CQĐT đã thu giữ hơn 41,5 tỉ đồng, 534 lượng vàng SJC, hơn 1 triệu USD…, kê biên hơn 1.400 bất động sản, phong tỏa 43 tài khoản/sổ tiết kiệm liên quan đến Nguyễn Văn Hậu và các bị can.
Quá trình điều tra, truy tố đối với vụ án, Viện KSND tối cao nhận thấy còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản, là nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can.
VKS nhận thấy Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND tỉnh Phú Thọ, UBND tỉnh Quảng Ngãi, UBND tỉnh Vĩnh Long đã không kịp thời phát hiện những sai phạm của Tập đoàn Phúc Sơn, các công ty, đơn vị liên quan để xử lý kịp thời. Do đó, VKS kiến nghị cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra hoạt động xây dựng, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, triển khai thi công thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo đúng thời hạn, thực hiện đúng nghĩa vụ thuế…
Viện KSND tối cao kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật còn thiếu sót; kiến nghị các cơ quan hữu quan có thể chế, chính sách, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa vi phạm, tội phạm.
Hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện các dự án, gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Nguyễn Văn Hậu (còn gọi là Hậu “pháo”) đã trực tiếp thực hiện, chỉ đạo cấp dưới cấu kết với các đơn vị thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật về đấu thầu, kế toán.
Hành vi sai phạm của Hậu “pháo” và đồng phạm bị xác định là gây hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước, với tổng số tiền gần 1.200 tỉ đồng. Trong đó, hậu quả thiệt hại từ hành vi vi phạm quy định về kế toán là hơn 504 tỉ đồng; từ việc xác định lại giá đất là hơn 204 tỉ đồng; vi phạm quy định về đấu thầu là hơn 459 tỉ đồng.

Hai bị can Hoàng Thị Thúy Lan, Lê Duy Thành - Ảnh: Bộ Công an
VKS nêu rõ hành vi của Hậu còn dẫn đến hàng loạt cán bộ ở địa phương bị xử lý hình sự, xử lý kỷ luật, làm giảm niềm tin của nhân dân, gây bức xúc.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Hậu còn lợi dụng mối quan hệ, dùng tiền, lợi ích vật chất để móc nối, câu kết với cá nhân có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương nêu trên để những cá nhân này thực hiện hành vi trái pháp luật theo yêu cầu, đề nghị của Hậu, nhằm tạo điều kiện cho công ty thuộc hệ sinh thái Phúc Sơn trúng thầu, thực hiện các dự án, hưởng lợi bất hợp pháp.
Cựu Phó chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít 27 lần nhận chuyển khoản từ Hậu “pháo”
Trong cáo trạng, VKS cũng nêu rõ: “Thông qua các hoạt động làm công tác an sinh xã hội và mua đất tại huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) của Tập đoàn Phúc Sơn, có người đã lợi dụng ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Người này là bị can Đặng Trung Hoành (cựu Chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long) bị truy tố về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”.
Cụ thể, năm 2017, tại buổi gặp mặt của lãnh đạo cấp trên đến thăm và làm việc với Huyện ủy Mang Thít, Đặng Trung Hoành (khi đó là Phó chánh văn phòng Huyện ủy Mang Thít) đã quen biết Nguyễn Văn Hậu.
Do có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo cấp trên nên ông Hoành được Nguyễn Văn Hậu và Huyện ủy Mang Thít thống nhất chọn làm đầu mối thực hiện việc tiếp nhận hỗ trợ kinh phí từ Hậu để giúp địa phương xây dựng hạ tầng nông thôn, an sinh xã hội của huyện Mang Thít.
Ông Hoành được giao nhiệm vụ trực tiếp liên lạc, nhận tiền tài trợ từ Hậu, sau đó báo cáo tiến độ thực hiện. Hậu yêu cầu không công bố, công khai danh tính người tài trợ, không yêu cầu chứng từ thanh-quyết toán các nguồn tài trợ từ bản thân chuyển vào. Việc này nhằm mục đích không phải thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định Luật Đầu tư công.
Thực hiện việc này, trong thời gian từ năm 2017 - 2024, ông Hoành đã nhiều lần đề nghị Hậu chi tiền. Tổng cộng, Hậu chi tổng số tiền 75,6 tỉ đồng, trong đó, có 27 lần chuyển khoản tổng số 69,1 tỉ đồng vào tài khoản của Đặng Trung Hoành và 2 lần Hậu đưa trực tiếp cho Huyện ủy Mang Thít số tiền 6,5 tỉ đồng.
Trong đó, ông Hoành chi 58,5 tỉ đồng để thực hiện hoạt động an sinh xã hội và các công việc chung của Huyện ủy Mang Thít; chi 1,2 tỉ đồng theo yêu cầu của Hậu.
Lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng số tiền trên, ông Hoành gợi ý và được Hậu chi 700 triệu đồng (trong số tiền 69,1 tỉ đồng) để hưởng lợi cá nhân.
Theo cáo buộc, việc Hậu chi cho ông Hoành số tiền này là do ông Hoành giúp báo cáo lãnh đạo cấp trên biết công sức của Hậu trong việc đóng góp cho địa phương về công tác an sinh xã hội. Qua đó, tác động đến lãnh đạo cấp trên ủng hộ, tạo điều kiện trong công việc kinh doanh của Hậu…