Vụ quây núi thành 'hòn non bộ' ở vùng đệm vịnh Hạ Long: Bộ TN&MT lên tiếng
Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi văn bản sang Bộ Xây dựng cho ý kiến về nội dung liên quan đến dự án quây núi thành 'hòn non bộ' ở vùng đệm vịnh Hạ Long.
Trong văn bản gửi Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) nêu rõ, tờ bản đồ vịnh Hạ Long 1:50.000 được xuất bản năm 1998, do Ban quản lý vịnh Hạ Long biên soạn về nội dung, Trung tâm biên tập - CNC - Nhà xuất bản Bản Đồ là đơn vị vẽ, trình bày, chế bản.
"Theo quy định Luật Đo đạc, bản đồ năm 2018, Bản đồ Vịnh Hạ Long tỷ lệ 1:50.000 là bản đồ chuyên ngành. Do vậy, căn cứ khoản 5 Điều 31 và khoản 2 Điều 57 Luật Đo đạc và bản đồ, nội dung bản đồ chuyên ngành nêu trên không thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tài nguyên và Môi trường", Bộ cho biết.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả (dự án) không thuộc Danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Vị trí dự án nằm trong đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm, vị trí gần nhất của dự án so với đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm có khoảng cách khoảng 330m.
Tổng diện tích thực hiện dự án là 31,82 ha trong đó có 3,88 ha nằm trong vùng đệm của di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long; do UBND tỉnh Quảng Ninh chấp thuận chủ trương đầu tư.
"Do đó, để xác định đúng cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án cần tiếp tục làm rõ thêm một số nội dung", Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu.
Bộ này phân tích, theo điều 31 Luật Đầu tư 2020, những dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, gồm: Dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số, thuộc phạm vi bảo vệ di tích được cấp thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt.
Dự án đầu tư phù hợp với quy định của pháp luật về di sản văn hóa thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 1 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt hoặc thuộc phạm vi khu vực bảo vệ 2 của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc danh mục di sản thế giới.
Cũng theo Bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Theo điều 32 Luật Di sản văn hóa quy định các khu vực bảo vệ của di tích phải được các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xác định trên bản đồ địa chính, trong biên bản khoanh vùng bảo vệ của hồ sơ di tích và phải được cắm mốc trên thực địa.
Vì vậy Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Bộ Xây dựng tham vấn thêm ý kiến của Bộ Văn hóa - Thể thao và du lịch để so sánh, đối chiếu vị trí thực hiện dự án với các khu vực bảo vệ của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long, từ đó xác định thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khu đô thị 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.
"Do vịnh Hạ Long vừa là di sản thế giới, vừa là khu danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, nên cần phải đối chiếu diện tích đất thực hiện dự án với ranh giới của vịnh Hạ Long khi được xác lập, công nhận là di sản thế giới, danh lam thắng cảnh xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt để làm cơ sở đối chiếu với tiêu chí về môi trường", Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 8/11/2023, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 6769/VPCP-CN ngày 8/11/2023 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về dự án trên.
Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Quảng Ninh kiểm tra nội dung được các cơ quan báo chí phản ánh tại Dự án Khu đô thị 10B, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định. Kết quả kiểm tra sẽ báo cáo Thủ tướng trước ngày 25/11/2023.
Dự án khu đô thị 10B ở phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả, được phê duyệt năm 2021 với tổng đầu tư hơn 1.230 tỷ đồng, diện tích gần 32 ha, trong đó gần 3,9 ha thuộc khu vực bảo vệ II (vùng đệm) của di tích quốc gia đặc biệt vịnh Hạ Long.