Vụ sát hại nhà ngoại giao định hình quan hệ Mỹ và Iran - Kỳ cuối

Tin tức về cái chết của Imbrie đã gây sốc và phẫn nộ. Mỹ đã cảnh báo rút đại diện ngoại giao của mình khỏi Ba Tư và đưa ra một loạt yêu cầu.

Kỳ cuối: Tác động sau cái chết gây sốc

Trong số đó có yêu cầu bồi thường tài chính đầy đủ để hồi hương thi thể của Imbrie với đầy đủ nghi thức quân đội, đồng thời bồi thường thêm cho vợ ông, người đã bị tấn công trong một chiếc xe sau cái chết của chồng.

Thi thể của Imbrie được đưa đến Washington, D.C. vào ngày 29/9/1924. Ảnh: Wikimedia Commons

Thi thể của Imbrie được đưa đến Washington, D.C. vào ngày 29/9/1924. Ảnh: Wikimedia Commons

Thi thể của Imbrie đã đến Quantico (bang Virginia) vào cuối tháng 9. Tang lễ của ông có sự tham dự của Tổng thống Calvin Coolidge và ông Dulles là một trong những người khiêng quan tài.

Ban đầu, chính phủ Ba Tư tuyên bố rằng cái chết là một tai nạn do sự bất cẩn của chính Imbrie khi đến một nơi thiêng liêng và muốn chụp ảnh. Còn ông Millspaugh, cố vấn kinh tế của chính phủ Ba Tư, cũng lập luận tương tự rằng một người nước ngoài phải nhận ra mối nguy hiểm cực độ khi tới những nơi có đám đông đang tức giận tụ tập vì lý do tôn giáo.

Dù Imbrie có làm gì để kích động đám đông hay không, thì các đại diện Ba Tư đã nhanh chóng đảm bảo với các quan chức Mỹ rằng những kẻ thủ ác sẽ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc sau khi xét xử. Phiên tòa sẽ diễn ra trong tình trạng thiết quân luật được Reza ban bố ngay sau đó.

Reza giám sát việc bắt giữ và xét xử ba người ở độ tuổi thiếu niên làm “vật tế thần”. Mặc dù tòa án đã kết án tử hình cả ba, nhưng chính phủ Ba Tư đã giảm án cho hai người trong số họ xuống tù chung thân - quyết định đảo ngược này đã khiến ông Dulles và các chính trị gia hàng đầu ở Washington phẫn nộ. Cuối cùng, Ba Tư đã tiến hành hành quyết cả ba, thực hiện lời hứa rằng đại diện Mỹ có thể chứng kiến các thủ tục tố tụng.

Những người bị tử hình ở độ tuổi từ 14 đến 19 phải trả giá cho hành động của đám đông bằng mạng sống của mình. Như ông Zirinsky đã viết trong một bài báo năm 1986: “Mặc dù có nhiều bằng chứng mạnh mẽ cho thấy có sự liên quan của các thành viên quân đội cấp cap trong cuộc bạo loạn dẫn đến cái chết của Imbrie, nhưng Mỹ đã không yêu cầu trừng phạt các sĩ quan cấp cao, cũng như không tỏ thái độ với Thủ tướng - người cũng bị liên đới”.

Liệu Reza đã dàn xếp, cho phép xảy ra vụ việc hoặc khôn ngoan lợi dụng cái chết của Imbrie hay không là điều không thể chứng minh. Khi nói chuyện với các phóng viên, bác sĩ Packard cho rằng cái chết của một người Mỹ ở Ba Tư là một động thái chính trị được lên kế hoạch để làm một cái cớ tuyên bố thiết quân luật.

Sau sự việc, tốc độ mà Reza hành động thật đáng kinh ngạc. Ông này đã thực hiện chiến dịch quân sự mùa thu năm 1924 nhằm đưa các vùng ngoại ô nằm hoàn toàn dưới sự kiểm soát của mình.

Các cuộc hành quyết ba thiếu niên dường như đủ để dập tắt tâm lý phẫn nộ về mặt ngoại giao. Trước Mỹ, Reza chứng tỏ bản thân là một lựa chọn khả thi duy nhất so với những đám đông cuồng tín. Theo ông Zirinsky, Mỹ buộc phải chọn giữa một nhà độc tài quân sự và tình trạng hỗn loạn dưới sự lãnh đạo của các giáo sĩ như Modarres.

Vào cuối năm 1925, Reza đã tự xưng là vua. Vào ngày 25/4/1926, ông chính thức lên ngôi trong một buổi lễ đăng quang rực rỡ.

Imbrie (ngoài cùng bên trái) xe ở Tehran năm 1924. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Imbrie (ngoài cùng bên trái) xe ở Tehran năm 1924. Ảnh: Thư viện Quốc hội Mỹ

Hai thập kỷ sau, triều đại của Reza đã bị gián đoạn do thay đổi địa chính trị của Thế chiến II. Kể từ năm 1935, vùng đất mà Reza cai trị được gọi là Iran, nơi tự hào có nguồn dầu mỏ và một vị trí chiến lược. Vào năm 1941, sau khi Đức đưa quân vào Liên Xô, giáp biên giới với Iran khi đó, Anh đã buộc Reza thoái vị, thay thế ông bằng người con trai cả dễ bảo hơn là Mohammad Reza Pahlavi.

Người con trai này đã phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lớn với các thế lực ngoại quốc. Năm 1951, chính trị gia Iran Mohammed Mossadegh, người đã phản đối việc trao quyền quân chủ cho Reza vào năm 1925, được bổ nhiệm làm thủ tướng. Ông Mossadegh đã tìm cách quốc hữu hóa các nguồn dầu mỏ béo bở của Iran, khiến Anh phẫn nộ vì vốn là quốc gia đang giữ quyền kiểm soát các mỏ dầu sau Thế chiến II ở đây. Để lật đổ ông Mossadegh, người Anh đã quay sang CIA, khi đó do ông Dulles lãnh đạo. Lo sợ ảnh hưởng ngày càng tăng của Liên Xô ở Iran, cơ quan tình báo Mỹ đã dàn dựng một cuộc đảo chính lật đổ ông Mossadegh vào tháng 8/1953.

Sau khi bỏ trốn khỏi đất nước trong lúc cuộc lật đổ ông Mossadegh diễn ra, Mohammad Reza Pahlavi đã nhanh chóng được khôi phục quyền lực. Trong hai thập kỷ tiếp theo, Mohammad Reza Pahlavi đàn áp dã man những người bất đồng chính kiến, khiến tâm lý phẫn nộ ngày càng gia tăng. Người dân cũng bất mãn khi Mỹ ủng hộ Mohammad Reza Pahlavi.

Vào ngày 4/11/1979, những người ủng hộ giáo sĩ dòng Shiite Ayatollah Ruhollah Khomeini đã tấn công Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt giữ hàng chục công dân Mỹ làm con tin trong 444 ngày. Cuộc Cách mạng Hồi giáo diễn ra ngay trước vụ tấn công này là một sự kiện địa chấn, đưa Khomeini, một cựu học trò của giáo sĩ Modarres, nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Iran và chấm dứt triều đại Pahlavi gần 54 năm.

Khi nói đến rủi ro, ranh giới giữa tâm lý tò mò và liều lĩnh bất chấp rất mỏng manh, giống như trường hợp của Imbrie khi ông quyết định tiến vào đám đông đang bừng bừng giận dữ ở đài phun nước tại Tehran cách đây hơn một thế kỷ. Imbrie đã quyết định đảm nhận những nhiệm vụ ngoại giao tại các khu vực xa xôi và phức tạp, điều này mang lại cho ông những trải nghiệm đặc biệt nhưng cũng dẫn đến cái chết sớm, đồng thời để lại tác động trong mối quan hệ giữa Mỹ và Iran.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/vu-sat-hai-nha-ngoai-giao-dinh-hinh-quan-he-my-va-iran-ky-cuoi-20241003093713944.htm