Vụ Sạt lở đèo Bảo Lộc: Vườn sầu riêng có một phần đất rừng

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, diện tích đất bị sạt trượt trong vụ sạt lở đất vùi lấp Trạm Cảnh sát Giao thông có một phần nằm ngoài và một phần nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Lực lượng chức năng huy động hàng trăm người và phương tiện nỗ lực tìm kiếm người bị nạn và giải phóng hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc trong ngày 31/7. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Lực lượng chức năng huy động hàng trăm người và phương tiện nỗ lực tìm kiếm người bị nạn và giải phóng hiện trường vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc trong ngày 31/7. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Sau vụ sạt lở đất vùi lấp Trạm Cảnh sát Giao thông trên đèo Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm bốn người tử vong, dư luận đặt câu hỏi về tính pháp lý của vườn sầu riêng (có 1/4 diện tích đất vườn đã sạt lở xuống Trạm).

Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, diện tích đất bị sạt trượt có một phần nằm ngoài và một phần nằm trong quy hoạch 3 loại rừng.

Sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân huyện Đạ Huoai làm rõ thông tin dư luận, ngày 31/7, Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai đã có báo cáo tình hình quy hoạch tại khu vực chốt Cảnh sát Giao thông trên đèo Bảo Lộc, thuộc địa giới hành chính huyện Đạ Huoai. Trong đó nêu rõ vị trí đất bị sạt lở tại chốt Cảnh sát Giao thông đèo Bảo Lộc thuộc tiểu khu 581B, thị trấn Đạ M’ri (huyện Đạ Huoai).

Trước đây, khu vực này thuộc đất lâm nghiệp do Lâm Trường Đạ Huoai quản lý; đến năm 1999 bàn giao cho Ban quản lý rừng Nam Huoai quản lý.

Theo Quyết định số 450/QĐ-UBND ngày 19/2/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2008-2020, phần diện tích khu vực trên (gồm chốt Cảnh sát Giao thông đèo Bảo Lộc, phần diện tích trồng sầu riêng bị sạt lở và một phần diện tích Miếu Ba Cô) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng, với diện tích khoảng 2,7ha.

Theo Quyết định số 2692/QĐ-UBND ngày 26/12/2013 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, giai đoạn 2013-2020, phần diện tích từ chốt Cảnh sát Giao thông đến khu vực miếu Ba Cô khoảng hơn 0,6 ha (chiều rộng tính từ mép đường vào chân ta luy dương phía sau chốt Cảnh sát Giao thông đến miếu Ba Cô rộng khoảng 29m) là đất ngoài quy hoạch 3 loại rừng và 2,1ha là đất thuộc quy hoạch 3 loại rừng (nằm trong khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô).

Theo Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc phê duyệt kết quả điều chỉnh quy hoạch đất sản xuất lâm nghiệp và cơ cấu 3 loại rừng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2030 và Quyết định số 503/QĐ-UBND ngày 8/3/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng về việc điều chỉnh, bổ sung khoản 3 Điều 1 Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 9/10/2018, phần diện tích đất nêu trên (khu vực chốt Cảnh sát Giao thông) không thay đổi so với Quyết định 2692/QĐ-UBND.

Kết luận của Hạt Kiểm lâm huyện Đạ Huoai, phần nhà chốt Cảnh sát Giao thông không thuộc phần diện tích quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích đất bị sạt trượt bao gồm một phần diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng và một phần diện tích nằm trong quy hoạch 3 loại rừng. Diện tích này thuộc khoanh vùng quản lý miếu Ba Cô, do bà Đặng Thị Lộc canh tác cây nông nghiệp ổn định từ trước năm 1985 đến nay (hiện trạng là cây sầu riêng khoảng 3 năm tuổi).

Theo thông tin ban đầu, mặc dù khu vườn này có một phần diện tích đất rừng nhưng bà Đặng Thị Lộc (trú thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) đã canh tác ổn định từ năm 1985 đến nay. Trước đây, diện tích vườn này trồng các loại cây ăn trái như bơ, mít… Đến năm 2019, do hiệu quả kinh tế thấp nên chủ vườn đã phá bỏ các loại cây trên để trồng cây sầu riêng.

Đến thời điểm này, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng vẫn chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân của vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị để xảy ra vụ việc này.

Căn cứ vào các hình ảnh trước khi vụ sạt lở xảy ra có ý kiến nhận xét việc san ủi, tạo mặt bằng ở sân chốt Cảnh sát giao thông đã tạo nên một bờ taluy dương quá cao mà không được xây dựng kè chống sạt lở.

Mặt khác, trong khi cả khu vực đều là rừng phòng hộ, thì chỉ có diện tích phía trên chốt Cảnh sát Giao thông là vườn sầu riêng với cây nhỏ và thưa thớt. Hiện trạng này khiến cho dư luận đặt dấu hỏi về trách nhiệm quản lý trước nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên./.

Chu Quốc Hùng (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vu-sat-lo-deo-bao-loc-vuon-sau-rieng-co-mot-phan-dat-rung/886767.vnp