Vụ soái hạm Moskva chìm khiến Trung Quốc lo lắng về tàu Liêu Ninh

Hải quân Trung Quốc có thể phải lo lắng sau vụ tuần dương hạm Moskva của Nga bị chìm, vì hai tàu sân bay của họ cũng được thiết kế theo công nghệ cũ của Liên Xô.

Tuần dương hạm Moskva lớp Slava, soái hạm của Hạm đội Biển Đen của Hải quân Nga, bị chìm tuần trước là tổn thất về soái hạm đầu tiên của nước này trong chiến sự kể từ sau vụ việc xảy ra với soái hạm Knyaz Suvorov, thuộc Hạm đội Baltic, trong chiến tranh Nga - Nhật.

Kể từ sau Thế chiến II, chỉ có một vụ việc tương tự, khi tuần dương hạm ARA General Belgrano của Hải quân Argentina bị chìm trong chiến tranh Falklands năm 1982 giữa Argentina và Anh.

Dù Nga không xác nhận tàu Moskva bị chìm do trúng tên lửa của Ukraine, giới phân tích cho rằng vụ việc tác động tiêu cực đến tâm lý của Hải quân Trung Quốc, Nikkei Asia cho biết.

Tàu sân bay Trung Quốc bị lung lay

Một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định tuần dương hạm Moskva chìm sau khi trúng hai tên lửa chống hạm Neptune của Ukraine. Nga không thừa nhận điều này.

“Nếu đó là sự thật, đồng nghĩa sức mạnh hải quân được ca tụng của Trung Quốc chẳng qua chỉ là 'con hổ giấy'”, một nguồn tin Trung Quốc nói. Giới phân tích Trung Quốc tỏ ra lo lắng, vì 2 tàu sân đang hoạt động của họ có nhiều điểm tương đồng với chiến hạm của Nga.

 Tuần dương hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bốc cháy, sau khi được cho là trúng tên lửa của Ukraine. Ảnh: Kyodo.

Tuần dương hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen bốc cháy, sau khi được cho là trúng tên lửa của Ukraine. Ảnh: Kyodo.

Thông tin về dự án hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc được khởi động tại nhà máy đóng tàu ở Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh đã có từ năm 2005. Nước này mua lại tàu sân bay Varyag chưa hoàn thành của Liên Xô, thuộc sở hữu của Ukraine.

Tàu Varyag được đóng tại nhà máy đóng tàu nổi tiếng Mykolaiv ở miền nam Ukraine. Tuần dương hạm Moskva cũng được đóng mới tại đây.

Sau khi Liên Xô tan rã, tàu sân bay Varyag đang đóng bị bỏ hoang. Ukraine đã bán nó với giá rẻ cho một công ty có liên kết với quân đội Trung Quốc. Con tàu sau đó được cải tạo và nâng cấp thành tàu sân bay Liêu Ninh đang hoạt động trong hải quân Trung Quốc.

Giống như tuần dương hạm Moskva, tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc được đóng mới dựa trên công nghệ thập niên 1970-1980. Vỏ tàu đã được tân trang lại nhưng độ bền cơ học của nó khó có thể được đảm bảo.

Tuần dương hạm Moskva được cho là bị chìm sau khi trúng 2 quả tên lửa, cho thấy lớp giáp của nó dễ bị tổn thương trước vũ khí chống hạm. Đó là điều có thể khiến giới lãnh đạo quân đội Trung Quốc lo lắng.

Biểu tượng sức mạnh của Trung Quốc

Kể từ khi được đưa vào hoạt động trong hải quân Trung Quốc từ năm 2012, tàu sân bay Liêu Ninh được xem là tài sản chủ chốt, biểu tượng sức mạnh mới của hải quân Trung Quốc.

Sơn Đông là tàu sân bay đầu tiên được đóng mới tại Trung Quốc. Nó được thiết kế dựa trên tàu sân bay Liêu Ninh với một số cải tiến. Nhưng về cơ bản, tính năng của tàu Sơn Đông tương tự tàu Liêu Ninh.

 Tàu sân bay Liêu Ninh rời Hong Kong trong một nhiệm vụ tuần tra trên biển. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay Liêu Ninh rời Hong Kong trong một nhiệm vụ tuần tra trên biển. Ảnh: Reuters.

Tàu sân bay Sơn Đông được cho là có hệ thống phòng thủ tốt hơn Liêu Ninh, nhưng giới phân tích cho rằng nó vẫn dễ bị tổn thương trước vũ khí chống hạm, đặc biệt là ở khu vực hẹp như eo biển Đài Loan.

Kho vũ khí của Trung Quốc dựa nhiều vào công nghệ của Liên Xô trước đây. Khi Nga từ chối bán, Trung Quốc vẫn tiếp cận được một số công nghệ từ Ukraine. Tiêm kích trên hạm J-15 được phát triển dựa trên nguyên mẫu T-10K của tiêm kích trên hạm Su-33 do Liên Xô phát triển. Nguyên mẫu T-10K đã được Ukraine bán cho Trung Quốc.

Giới phân tích cho rằng vụ chìm tuần dương hạm Moskva sẽ tác động không nhỏ đến cách phát triển lực lượng tàu chiến mặt nước sắp tới của hải quân Trung Quốc. Ngoài ra, sự kiện này có thể tác động đến vấn đề căng thẳng eo biển Đài Loan.

Trung Hiếu

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-soai-ham-moskva-chim-khien-trung-quoc-lo-lang-ve-tau-lieu-ninh-post1311401.html