Vụ sữa giả, thuốc giả: Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định ngành đã làm hết trách nhiệm
Chiều 6/5, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay vụ việc xảy ra thời gian qua là rất nghiêm trọng khi sản phẩm làm giả liên quan trực tiếp trẻ nhỏ, người bệnh, là những người cần dinh dưỡng đặc biệt.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thông tin tại cuộc họp báo.
Đây là vi phạm kinh doanh nghiêm trọng vì lợi ích cá nhân, trục lợi trong thời gian dài, bất chấp quy định pháp luật, coi thường pháp luật, là hành vi đáng lên án.
Hiện có 3 loại thực phẩm bổ sung, thực phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chuyên biệt, Luật An toàn thực phẩm quy định thực phẩm bổ sung được tự công bố. Với sản phẩm dinh dưỡng và thực phẩm chuyên biệt, dinh dưỡng trẻ em phải đăng ký công bố sản phẩm.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho hay, chủ trương tự công bố là để cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp theo hướng quản lý tiên tiến của các nước phát triển. Tuy nhiên, trên thực tế một số tổ chức cá nhân lợi dụng cơ chế này sản xuất kinh doanh sản phẩm kém chất lượng.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Thứ trưởng cho biết bộ đã ban hành công văn số 832 ngày 23/4 chỉ đạo các tỉnh, thành rà soát, kiểm tra, phối hợp cơ quan có thẩm quyền thu hồi thực phẩm dinh dưỡng, sữa bột là hàng giả.
Đồng thời, cơ quan này đã phối hợp với Bộ Công an và cơ quan cảnh sát điều tra xử lý, giải quyết theo quy định, khuyến cáo người dân không nên sử dụng 72 sản phẩm sữa cho đến khi có quyết định điều tra cuối cùng của Bộ Công an.
Năm 2024, toàn ngành y tế từ Trung ương và địa phương đã kiểm tra 354.820 cơ sở, phát hiện 22.073 cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, chiếm 6,22%; xử lý 9.043 cơ sở, chiếm 44% cơ sở vi phạm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, phạt tiền 6658 cơ sở, số tiền 33 tỷ đồng.
Trước câu hỏi về những lỗ hổng trong chính sách, pháp luật khiến cho những sản phẩm ngang nhiên tồn tại trên thị trường trong thời gian dài, Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định: "Ngành y tế đã làm hết trách nhiệm" khi đã ban hành đầy đủ quy định liên quan.
Theo Nghị định 15, việc quản lý thực phẩm chức năng liên quan Bộ Công Thương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Việc quản lý giám sát phần lớn Bộ Y tế đã phân cấp, ủy quyền cho các tỉnh, TP và các Sở Y tế, Bộ Y tế chỉ quyết định về tiêu chí, tiêu chuẩn.
"Việc xảy ra vụ việc như vậy có nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan, do ý thức đạo đức của người tham gia kinh doanh, lợi dụng sức khỏe người dân trục lợi. Chúng ta tiến tới lộ trình quản lý tiên tiến, doanh nghiệp tự công bố và quảng bá nhiều sản phẩm không đúng chất lượng, nguồn lực tham gia giám sát còn mỏng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế" - Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.
Để khắc phục, Bộ Y tế sẽ phối hợp bộ ngành liên quan, Bộ Công an, Bộ Công Thương cùng phối hợp triển khai. Vừa qua, bộ cũng đã trình Chính phủ Luật dược sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm sửa đổi… để quản lý chặt chẽ nhất sản phẩm liên quan đến sức khỏe người dân.
Trả lời câu hỏi về tiến độ cũng như diễn biến điều tra liên quan đến sữa giả, thuốc giả gây bức xúc dư luận thời gian qua, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên - Phó Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, về vụ án sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với số lượng lớn trên địa bàn TP Hà Nội và các tỉnh lân cận, đến ngày 29/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 15 đối tượng để điều tra về các hành vi như: sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm; vi phạm quy định về kết toán gây hậu quả nghiêm trọng; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đưa hối lộ; môi giới hối lộ.
Về vụ án sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc, đến ngày 29/4, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 14 đối tượng về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc phòng bệnh, thuốc chữa bệnh”.
Về vụ việc sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sử dụng phiếu kết quả thử nghiệm giả mạo để đưa sản phẩm ra thị trường, do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất, ngày 28/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở đối với 4 bị can, gồm: Phạm Vũ Khiêm - Giám đốc Công ty TNHH công nghệ Herbitech, Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân và Bùi Thị Thu Hà (là kế toán trưởng hoặc phụ trách bộ phận Kế toán Công ty Herbitech các giai đoạn từ 2021 đến nay) cùng về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo điều tra, Phạm Vũ Khiêm đã chỉ đạo Vương Thị Hoa, Lê Thị Hồng Vân, Bùi Thị Thu Hà lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm: 1 hệ thống sổ sách kế toán để kê khai thuế, thể hiện số lượng hàng hóa sản xuất, kinh doanh ít hơn nhiều so với thực tế; hệ thống sổ sách còn lại là để theo dõi chi tiêu nội bộ, hành tự đầy đủ số hàng hóa sản xuất, kinh doanh, số tiền thu được không kê khai thuế, để ngoài sổ sách kế toán số tiền hơn 121 tỷ đồng, bước đầu xác định gây thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước số tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp hơn 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, quá trình điều tra vụ án, Cơ quan điều tra đã xác định 2 sản phẩm bảo vệ sức khỏe MEDI KID CALCIUM K2 và Ăn ngon BABY SHARK do Công ty TNHH công nghệ Herbitech sản xuất là hàng giả; thu giữ 115 mẫu sản phẩm bảo vệ sức khỏe do Công ty Herbitech sản xuất có dấu hiệu hàng giả, đang chờ kết quả giám định đối với các mẫu sản phẩm này.