Vụ tấn công tại Moscow: Nga xác định nguy cơ khủng bố vẫn hiện hữu ở nước này
Ngày 26/3, Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), ông Alexander Bortnikov cho biết nguy cơ khủng bố trên lãnh thổ nước này vẫn còn hiện hữu.
Ông Bortnikov đưa ra nhận định như vậy khi trả lời câu hỏi của báo giới sau khi tham gia hội đồng mở rộng Văn phòng Tổng công tố Liên bang Nga. Ông Bortnikov lưu ý việc FSB trước đó đã ngăn chặn các âm mưu khủng bố ở các khu vực khác của Nga.
Trong khi đó, một nguồn tin trong lực lượng an ninh Tajikistan nói với hãng thông tấn RIA Novosti của Nga rằng các biện pháp điều tra đang được thực hiện ở thủ đô Dushanbe của Tajikistan đối với người thân của những kẻ bị buộc tội tấn công nhà hát Crocus City Hall. Nguồn tin hé lộ: “Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đang kiểm soát tiến trình điều tra".
Tổng thống Rahmon hằng ngày nhận được tất cả thông tin về tiến độ điều tra và các hoạt động điều tra liên quan đến vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus City Hall. Nguồn tin nói thêm rằng, trước khi sang Nga, tất cả các bị cáo đều sống tại các thành phố Vahdat, Gissar và huyện Rudaki của Tajikistan.
Theo Ủy ban Điều tra Nga, ít nhất 139 người đã thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố hôm 22/3 vừa qua. Giới chức y tế cho biết số người bị thương là 182 người. Nhà chức trách Nga đã tạm giữ 11 đối tượng tình nghi, trong đó có 4 đối tượng tình nghi trực tiếp thực hiện tấn công.
Sau vụ khủng bố đẫm máu ngày 22/3, Bộ Lao động Nga đã soạn thảo dự luật siết chặt điều kiện lưu trú của người nước ngoài tại Nga. Luật mới đã được Ủy ban chuyên ngành của Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga ủng hộ.
Theo phóng viên TTXVN tại Moscow, nội dung chính của luật mới là giảm thời hạn ký hợp đồng lao động với người nước ngoài xuống còn 2 năm. Luật mới cũng xác định chi tiết hơn nghĩa vụ và quyền lợi của chủ lao động. Theo luật mới, một người lao động di cư được ký hợp đồng thời hạn 2 năm với một chủ lao động.
Theo các tác giả dự luật, 2 năm là thời gian đủ để kết thúc một dự án cần thuê chuyên gia. Nếu vẫn có nhu cầu, người sử dụng lao động sẽ có thể tìm người thông qua cơ chế tuyển dụng. Bộ Lao động Nga giải thích thêm nếu hợp đồng lao động hết thời hạn, người lao động sẽ phải rời khỏi đất nước đúng hạn.
Ngoài Bộ Nội vụ, một công ty luật sẽ được thành lập để giám sát việc lưu trú của người nước ngoài tại Liên bang Nga. Công ty này đóng vai trò là nhà điều phối việc tuyển dụng, thực chất sẽ là trung tâm cung cấp nhân sự cho các công ty Nga.
Chủ tịch Ủy ban Duma quốc gia về lao động và chính sách xã hội Yaroslav Nilov cho biết vấn đề an ninh phải đặt lên hàng đầu. Ông này cũng ủng hộ việc siết chặt quản lý và giám sát việc lưu trú và di chuyển của người lao động nhập cư tại Nga, thậm chí áp dụng biện pháp kiểm soát vân tay tại tất cả các cửa khẩu biên giới.
Tuy nhiên khối doanh nghiệp là các chủ thuê lao động tiềm năng lại có ý kiến rằng hiện Nga đang rất thiếu lao động, và lao động nhập cư đang là nguồn lực đáng kể để triển khai các chính sách xây dựng công nghiệp và dân sự tại Nga, thêm vào đó 2 năm là thời hạn quá ngắn đối với các dự án lớn cần thuê lao động đến con số hàng nghìn người.
Hiện Duma quốc gia Nga đã nhận được một số dự luật siết chặt luật di cư. Người lao động nhập cư tại Nga đến từ nhiều quốc gia, trong đó khoảng 90% là các nước Trung Á, ngoài ra còn có các nước châu Âu, nơi chủ yếu cung cấp các chuyện gia có trình độ cao.
Mặt khác, theo số liệu của Viện nghiên cứu Nhân khẩu học Viện Hàn lâm Khoa học Nga, đến tháng Hai năm nay, Nga có 4 triệu lao động nhập cư bất hợp pháp, còn Tổng công tố Igor Krasnov cho biết số vụ vi phạm do người nhập cư gây ra trong năm 2023 đã tăng tới 75%, vào khoảng 22.000 vụ.