Vụ thanh lý tài sản của Evergrande sẽ thử thách tâm lý nhà đầu tư quốc tế
Phán quyết của tòa án tối cao ở Hồng Kông về việc thanh lý tài sản của Tập đoàn Evergrande đã chính thức đánh dấu sự sụp đổ của một doanh nghiệp từng đại diện cho chu kỳ bùng nổ của thị trường bất động sản Trung Quốc. Đối với các nhà đầu tư toàn cầu, những gì xảy ra tiếp theo đối với phán quyết trên có ý nghĩa vượt ra khỏi phạm vi của một cuộc khủng hoảng bất động sản thông thường.
Dù cổ phiếu và trái phiếu ngoại tệ của Evergrande được giao dịch ở Hồng Kông nhưng phần lớn khối tài sản trị giá 242 tỉ đô la của tập đoàn lại nằm ở đại lục. Liệu rằng phán quyết hôm 29-1 của Tòa án tối cao Hồng Kông có được tôn trọng ở Trung Quốc đại lục hay không khi hệ thống pháp luật ở đây là riêng biệt.
Các chuyên gia không đặt nhiều kỳ vọng vào sự suôn sẻ của quá trình này vì chưa có tiền lệ về việc một công ty với quy mô lớn như Evergrande bị tòa án ở Hồng Kông yêu cầu thanh lý tài sản để trả nợ.
Nếu việc thực thi phán quyết này không thuận lợi sẽ khiến cho tâm lý của chủ nợ nước ngoài ngày càng bi quan hơn đối với các tài sản ở Trung Quốc. Đồng thời, những diễn biến tiêu tiêu cực cũng làm suy yếu vai trò của Hồng Kông vốn được biết đến như một trung tâm huy động vốn quan trọng cho các công ty ở đại lục.
“Các nhà đầu tư quốc tế sẽ theo dõi chặt chẽ để xem liệu các tòa án đại lục có chấp nhận phán quyết của tòa án Hồng Kông hay không. Điều đó có thể đặt ra một tiền lệ quan trọng liên quan đến khả năng Hồng Kông có thể thi hành các phán quyết pháp lý ở Trung Quốc”, Kher Sheng Lee, đồng chủ tịch phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Hiệp hội quản lý đầu tư thay thế (AIMA) nhận định.
Sự không chắc chắn này nhấn mạnh mối lo ngại ngày càng tăng của các nhà đầu tư nước ngoài khi lợi ích của họ sẽ luôn đứng thứ yếu ở Trung Quốc. Ngoài lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế, các chiến dịch siết chặt quản lý đối với khu vực tư nhân từ bất động sản đến công nghệ đã làm giảm mức định giá cổ phiếu của những ngành này ở Trung Quốc. Tuần trước, chỉ số chứng khoán Hang Seng China Enterprises Index dùng để theo dõi giá cổ phiếu của các công ty đại lục niêm yết ở Hồng Kông đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2005.
Đà giảm mạnh của giá cổ phiếu và trái phiếu của Evergrande cho thấy, nhà đầu tư có ít niềm tin vào sự phục hồi. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, cổ phiếu của Evergrande đã giảm xuống còn 0,16 đô la Hồng Kông (500 đồng) trước khi bị tạm dừng giao dịch hôm 29-1. Trong khi đó, hầu hết trái phiếu đô la của Evergrande đều đang giao dịch khoảng 1,5 cent trên mệnh giá 1 đô la.
Thủ tục thanh lý tài sản doanh nghiệp ban hành ở Hồng Kông ít được công nhận ở Trung Quốc, nơi các tòa án cũng có thể bổ nhiệm quản tài viên trong khu vực thuộc quyền tài phán của họ. Hôm qua, tòa án tối cao của Hồng Kông đã chỉ định hai lãnh đạo của Công ty kiểm toán và tư vấn tái cấu trúc Alvarez & Marsal (Mỹ) làm quản tài viên trong quá trình thanh lý tài sản của Evergrande.Các quản tài viên là những người được bổ nhiệm để xử lý các vấn đề của Evergrande, bao gồm đàm phán tái cấu trúc với các chủ nợ, tiếp quản tài sản, sổ sách của doanh nghiệp này.
“Lệnh thanh lý tài sản sẽ có tác động rất hạn chế đến hoạt động hoặc tài sản của Evergrande ở đại lục. Dù các quản tài viên có thể khẳng định quyền kiểm soát tài sản của Evergrande, nhưng quyền lực của họ sẽ không được công nhận ở đại lục”, Brock Silvers, giám đốc cấp caop của Công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital, nhận định.
Các quan chức Trung Quốc trước đây cũng đã nói rõ rằng, họ ủng hộ việc hoàn thành các dự án bất động sản còn dang dở và thanh toán cho các nhà thầu thay vì đáp ứng lợi ích của chủ nợ. Thông điệp này dường như được Evergrande tán thành trong bối cảnh hiện nay.
“Công ty đã nỗ lực hết sức có thể và rất tiếc về phán quyết thanh lý tài sản mới đây. Công ty sẽ đảm bảo giao nhà và thúc đẩy hoạt động bình thường”, CEO của Evergrande, Shawn Siu chia sẻ.
Sự trỗi dậy và sụp đổ của Evergrande minh họa vai trò trung tâm của Hồng Kông trong sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc. Ông Hứa Gia Ấn, Chủ tịch của Evergrande, thành lập công ty này vào năm 1996 tại thành phố Quảng Châu gần đó, nhưng chính thị trường vốn sâu rộng của Hồng Kông và khả năng tiếp cận các nhà đầu tư quốc tế đã thúc đẩy tăng trưởng của công ty.
Trong thập niên sau khi niêm yết, cổ phiếu của Evergrande tăng giá tới 800%, trở thành một trong những khoản đầu tư hấp dẫn nhất châu Á. Ông Hứa Gia Ấn cũng trở thành một trong những tỉ phú giàu nhất thế giới.
Sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình yêu cầu hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính trên thị trường bất động sản vào năm 2021, Evergrande, với tổng nợ hơn 300 tỉ đô la Mỹ, đã sụp đổ.
Thị trường trái phiếu của Trung Quốc cũng suy sụp khi niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng trả nợ của các công ty bất động sản giảm mạnh. Evergrande vỡ nợ trái phiếu nước ngoài vào cuối năm 2021. Năm ngoái, ông Hứa Gia Ấn bị giới chức trách điều tra về nghi vấn chuyển nhượng tài sản ở nước ngoài.
Dù các tòa án đại lục phản ứng thế nào, việc thực thi phán quyết thanh lý tài sản của Evergrande do Alvarez & Marsal dẫn dắt sẽ là một quá trình đầy thách thức. Hầu hết các dự án Evergrande đều do các công ty con ở đại lục điều hành, khiến các quản tài viên nước ngoài khó nắm bắt.
Kher Sheng Lee của AIMA nhận định, việc thu hồi tài sản của Evergrande để thanh lý “sẽ là một quá trình phức tạp, kéo dài nhiều năm với nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ”.
Theo Bloomberg