Vũ Thanh Thủy và tình yêu sâu nặng Đất tổ Hùng Vương

Quê quán Hà Nội nhưng Đất tổ Hùng Vương ở Phú Thọ nuôi dưỡng, mang lại cho nhà thơ Vũ Thanh Thủy nguồn cảm hứng thi ca không bao giờ cạn. Tình yêu sâu nặng của Vũ Thanh Thủy với vùng đất thiêng cội nguồn thêm lần xác tín qua tập thơ Lối sen sương vừa được NXB Văn hóa Dân tộc ấn hành đầu tháng 4/2022.

Từ trái sang, các bạn văn: Vũ Thanh Thủy, Vũ Quốc Khánh, Phan Hoàng, Nông Thị Ngọc Hòa ở Đền Hùng - Phú Thọ. Ảnh: CTV

Từ trái sang, các bạn văn: Vũ Thanh Thủy, Vũ Quốc Khánh, Phan Hoàng, Nông Thị Ngọc Hòa ở Đền Hùng - Phú Thọ. Ảnh: CTV

Hai địa danh Phú Yên và Phú Thọ trùng nhau chữ Phú. Tổ tiên gửi gắm ước mơ, hy vọng về sự thịnh vượng, bình yên và vững bền muôn đời cho con cháu. Nếu như Phú Yên từng là đất trấn biên mấy trăm năm trên hành trình cha ông mở cõi thì Phú Thọ là đất tổ cội nguồn gắn liền với đền thờ Hùng Vương cùng bao di sản văn hóa khác của nước Văn Lang xưa, trong đó có ngôi làng cười tiếu lâm nổi tiếng:

Truyện Văn Lang bay lan đồng ruộng

Những tiếng cười nở bung miền văn hóa

Vùng đất cội nguồn rơm rạ cưới ngô khoai

Truyện Văn Lang bay lan đất nước

Mong ước lâu dần tích tụ hóa hài vui

Ai dừng chân Phú Thọ nhớ mua kho sảng khoái

làng tôi

Thật kỳ thú! Bề dày văn hóa đất tổ phong phú là đề tài bất tận cho thi ca và Vũ Thanh Thủy cũng tìm thấy trong đó nguồn thi hứng ở những nét đặc sắc. Tỉnh Phú Thọ hiện có nhiều địa chỉ lưu giữ cái tên Văn Lang của tổ tiên như đường Văn Lang, cầu Văn Lang, hồ Văn Lang… và đặc biệt là làng Văn Lang, một ngôi làng độc đáo khi cả làng ai cũng biết nói chuyện tiếu lâm.

Bên cạnh làng cười Văn Lang nổi tiếng với “Những tiếng cười nở bung miền văn hóa”, nhà thơ Vũ Thanh Thủy còn phát hiện, tái dựng nhiều vẻ đẹp khác của văn hóa đất tổ, chẳng hạn những làn điệu cổ truyền độc đáo:

Nhịp tang tềnh sóng lượn vỗ về trăng

Làn Xoan đưa nhau ngược dòng lịch sử

Hát Đúm, Lãi Lèn trăn trở vọng xưa xa

Khai đền, đình từng phường xuân giăng giăng điệu hát

Đất trời dậy lên khí chất ngàn năm

Ước vọng sinh sôi tang tềnh sóng lượn vỗ về trăng

Một trong những câu ca dao nằm lòng của người Việt: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng mười tháng ba”. Với dòng giống Lạc Hồng, ai cũng mong một lần về dâng hương Đất tổ Hùng Vương. Vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/1994, khi lần đầu ra Bắc tham dự Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ V, tôi cũng lần đầu được đặt chân lên vùng đất tổ. Từ đó mỗi khi có dịp ra Hà Nội tôi đều tranh thủ cùng bạn bè về Việt Trì, Phú Thọ dâng hương và thăm thú, mà mới nhất là đầu xuân Nhâm Dần 2022.

Không gì thi vị bằng khi con người được trở về đắm mình trong văn hóa cội nguồn. Như con chim thiên di phương xa trở về nơi tổ ấm sinh thành. Vì vậy, khi đọc những chùm thơ của nhà thơ Vũ Thanh Thủy từ đất tổ, nhất là những bài thơ chị viết về không gian văn hóa đặc biệt này tôi luôn thích thú.

Trong tập thơ Lối sen sương, ngoài tình yêu đất tổ nguồn cội thì Vũ Thanh Thủy còn dành nhiều tình cảm cho gia đình, người thân, đặc biệt là hình ảnh người cha gắn liền với những kỷ niệm vui buồn đất tổ. Không sa đà vào kể lể chung chung, hình ảnh người cha kính yêu trong thơ Vũ Thanh Thủy hiện lên ở những ngữ cảnh khác nhau tạo thành bức tranh liên hoàn:“Cha dời Hàng Bông ngược rừng gánh nặng nghĩa trăm năm/ Chuyến xe ly hương dần mờ xa khuất/ Đất mới vỡ hoang cha giấu kỹ phận mình” bởi vì “Cha nguyện làm người tỉnh lẻ/ Từ khi hiểu mẹ thăng trầm”…

Vũ Thanh Thủy là một phụ nữ đa năng. Ngoài sáng tác văn học, chị cùng chồng còn mở văn phòng tư vấn luật, công ty in ấn sách. Nhà chị ở TP Việt Trì cũng trở thành một trong những địa chỉ quen thuộc cho bạn văn từ Bắc chí Nam hội ngộ. Một tấm lòng luôn rộng mở, an yên tình nghĩa với đời và cuộn trào cảm hứng với thơ từ cội nguồn văn hóa đất tổ đáng quý!

Đến nay, nhà thơ Vũ Thanh Thủy đã xuất bản 4 tập thơ, trước tiên là 2 tập Tình núi (2006), Tiếng gọi từ phía núi (2019) và được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020. Vũ Thanh Thủy là tác giả đầu tiên in một số bài thơ 1-2-3 trong tập thơ của mình có tên Chợ tan dong cái nhớ do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 3/2021, trước khi trở thành nhà thơ đầu tiên ở phía Bắc tiên phong xuất bản nguyên tập thơ 1-2-3 Lối sen sương mùa xuân 2022.

PHAN HOÀNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/93/273365/vu-thanh-thuy-va-tinh-yeu-sau-nang-dat-to-hung-vuong.html