Vụ thu hồi đất tại TP Điện Biên Phủ: Nhận thức sai về cưỡng chế thu hồi đất
Dù không có tài sản trên diện tích bị thu hồi, mặt bằng cũng được doanh nghiệp sử dụng, thi công đã lâu, song Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ vẫn ban hành 'lệnh' cưỡng chế thu hồi!?
Về vụ việc này, Viện KSND tỉnh Điện Biên cho rằng: UBND TP Điện Biên Phủ nhận thức chưa đúng.
Thi công gần xong mới có quyết định... thu hồi
Câu chuyện hi hữu trên diễn ra tại Dự án đường từ cầu A1 đến cầu C4 thuộc “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ”. Trước đó, Báo GD&TĐ đã phản ánh, Dự án trên triển khai gần xong thì gia đình bà Lò Thị Kim Thu và ông Lò Văn Minh (là hộ bị mất đất ở bản Him Lam 1, phường Him Lam, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) mới nhận được quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Ngày 17/5/2021, ông Lê Tiến Dũng - Chủ tịch UBND TP Điện Biên Phủ ban hành Quyết định 1032, áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi diện tích 122,7m2 đất đối với ông Lò Văn Minh, bà Lò Thị Kim Thu. Diện tích trên thuộc thửa 56, tờ bản đồ số 2 do Công ty Cổ phần Việt Thành thực hiện ngày 10/7/2017. Nó được Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thẩm định, phê duyệt ngày 18/7/2017.
Thửa đất nằm tại bản Hoong En, phường Nam Thanh, TP Điện Biên Phủ. Mục đích thu hồi là để thực hiện Dự án: “Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Điện Biên Phủ” giai đoạn II (2017 - 2020). Diện tích này thu hồi để thực hiện hạng mục Đường từ cầu A1 xuống cầu C4 (địa phận phường Nam Thanh).
Quyết định nêu rõ: Thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất là 1 ngày, vào 11/6/2021... Kinh phí phục vụ thực hiện cưỡng chế: Được lấy từ nguồn kinh phí thực hiện dự án hạng mục: Đường từ cầu A1 xuống cầu C4.
Cho rằng, quyết định trái luật, người đại diện theo ủy quyền của gia đình (ông Minh, bà Thu) là ông Trần Ngọc Tuyên đã yêu cầu xem xét trách nhiệm những người có liên quan.
Ngày 8/6/2021, Báo GD&TĐ đăng tải bài viết “Điện Biên: Đường thi công gần xong mới có quyết định… thu hồi đất” cũng là thời điểm UBND TP Điện Biên Phủ tiếp tục ban hành Quyết định 1249 điều chỉnh thời gian cưỡng chế thu hồi đất tại Quyết định 1032.
Quyết định này điều chỉnh thời gian thực hiện cưỡng chế thu hồi đất sang ngày 3/8. Lý do điều chỉnh: Dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong khi việc cưỡng chế phải huy động số người đông nên chưa thể triển khai.
Cưỡng chế mảnh đất trống...
Khoản 4, Điều 71 Luật Đất đai 2013 quy định về trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thu hồi đất: “... Ban thực hiện cưỡng chế có quyền buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan phải ra khỏi khu đất cưỡng chế, tự chuyển tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế; nếu không thực hiện thì Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm di chuyển người bị cưỡng chế và người có liên quan cùng tài sản ra khỏi khu đất cưỡng chế...”.
Liên quan đến vấn đề trên, Viện KSND tỉnh Điện Biên vừa có văn bản cho rằng trường hợp UBND thành phố Điện Biên Phủ ban hành lệnh “cưỡng chế thu hồi đất” của gia đình bà Thu – ông Minh khi gia đình này đã chủ cộng nhường đất cho dự án là nhận thức chưa đúng về cưỡng chế thu hồi đất.
“Qua xem xét, Viện KSND tỉnh Điện Biên thấy rằng UBND TP Điện Biên Phủ còn có nhận thức chưa đúng về quy định của pháp luật trong lĩnh vực cưỡng chế thu hồi đất, từ đó những vi phạm trong lĩnh vực này có thể sẽ tái diễn nhiều lần trong tương lai”, Văn bản 820/CV-VKS-HC ngày 25/5 của Viện KSND tỉnh Điện Biên nêu rõ.
Theo Công văn số 820 của Viện KSND: Biên bản làm việc ngày 9/6/2021 giữa đại diện Ban Quản lý dự án chương trình đô thị miền núi phía Bắc TP Điện Biên Phủ, đại diện tư vấn giám sát là Liên danh Conico – Hà Nội 1 – Thiên Phú, đại diện nhà thầu thi công là Công ty TNHH Ngân Hà tỉnh Điện Biên chỉ là biên bản nêu lên ý kiến từ phía các tổ chức có nhiệm vụ thi công công trình.
Buổi làm việc không có sự tham gia của đại diện gia đình có đất bị thu hồi. Do đó, không đảm bảo tính khách quan.
Mặt khác, dù các tổ chức nói trên cho rằng: Việc sử dụng mặt bằng thuộc thửa đất số 56, tờ bản đồ số 2 của hộ gia đình bà Lò Thị Kim Thu, ông Lò Văn Minh là sự thỏa thuận dân sự giữa nhà thầu thi công với gia đình bà Thu để cho đơn vị thi công làm công trình thì cũng không thể phủ nhận thực tế gia đình ông Minh - bà Thu đã tự nguyện nhường đất.
Gia đình bà Thu – ông Minh không có hành vi nào cản trở quá trình thi công mặc dù chưa ký biên bản bàn giao mặt bằng. Mặt bằng cũng đã không còn bất cứ công trình hay cây cối, hoa màu gì trên đất (mặt bằng sạch) từ trước khi UBND TP Điện Biên Phủ có cưỡng chế thu hồi đất.
Thứ hai, Viện KSND cho rằng: Bản chất của việc cưỡng chế thu hồi đất chính xác là việc cưỡng chế di chuyển con người và tài sản trên đất ra khỏi diện tích đất bị thu hồi. Mà những đối tượng này đều đã không còn hiện hữu trên đất từ trước khi UBND TP Điện Biên Phủ ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Viện KSND tỉnh Điện Biên cũng cho rằng: Đoạn 1, Điểm d, Khoản 3, Điều 69 Luật Đất đai 2013 quy định: “Trường hợp người có đất thu hồi không bàn giao đất cho tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thì UBND cấp xã, UBMTTQ cấp xã nơi có đất thu hồi và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi thực hiện”.
Tuy nhiên, trước khi UBND TP Điện Biên Phủ ban hành Quyết định cưỡng chế thu hồi đất, mới chỉ có UBND phường Him Lam và UBMTTQ phường tiến hành đối thoại để vận động, thuyết phục gia đình bà Thu – ông Minh. Chưa có sự tham gia của tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Đến ngày 1/6/2021, sau khi UBND TP Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định cưỡng chế, chính quyền phường Nam Thanh mới phối hợp với Trung tâm Quản lý đất đai, Trung tâm Phát riển quỹ đất và một số ban, ngành khác tiến hành đối thoại với gia đình có đất bị thu hồi.
Như vậy, xét về trình tự, thủ tục để ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất số 1032 của UBND TP Điện Biên Phủ là không đảm bảo theo quy định tại Điều 69 Luật Đất đai 2013.
Trong khi đó, tại các buổi đối thoại, gia đình bà Thu – ông Minh đều thể hiện rõ quan điểm là đồng tình, ủng hộ chủ trương thu hồi đất để làm đường từ cầu A1 đến cầu C4. Gia đình này cũng đã bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.
Chỉ có một số vấn đề mà gia đình bà Thu đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết cho thỏa đáng. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền chưa xem xét giải quyết mà đã ra Quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
Do đó, Viện KSND tỉnh Điện Biên đã đề nghị UBND TP Điện Biên Phủ nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan đến vấn đề trên.
Nhóm PV