Vụ tranh chấp nguy cơ tạo 'điểm nóng' đất đai tại Thanh Hóa
Trị giá diện tích đất tranh chấp không cao khi đây là khu vực thôn quê nằm cuối huyện. Tuy nhiên, phức tạp ở chỗ bên có sổ đỏ cũng là gia đình chính sách; trong khi bên không có sổ đỏ lại mua đất do chính quyền địa phương bán trái thẩm quyền. Chưa hết, địa phương cũng có những động thái bị đánh giá chưa quyết liệt, chưa hết trách nhiệm; khiến bất hòa giữa hai bên càng lớn, nguy cơ xung đột.
Người mua đất bất hợp pháp xây lấn sang nhà có “sổ đỏ”
Báo PLVN nhận được phản ánh của ông Mai Văn Giang (SN 1969, ngụ thôn Văn Giáo, xã Quảng Phúc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) về việc chính quyền xã không giải quyết dứt điểm tranh chấp ranh giới đất giữa nhà ông và hàng xóm, lại “xúi” ông “tự xử”, tự bảo vệ lấy đất của mình. Ông Giang cho rằng đây là thái độ thiếu trách nhiệm của cán bộ địa phương, gây bất hòa giữa các hộ dân.
Ông Giang cho biết: Gia đình ông có thửa đất ở đã được UBND huyện Quảng Xương cấp sổ đỏ ngày 5/2/2009, nhưng bị nhà hàng xóm là ông Trương Ngọc Nhâm xây lấn sang.
Phía ông Nhâm nói chỉ xây mới trên nền các công trình đã có sẵn từ trước. Biết đất mình không có giấy tờ nên ông đã xây lùi vào so với móng cũ. “Việc nhà tôi chưa có sổ đỏ là do chính quyền địa phương trước đây bán đất trái thẩm quyền, có hàng trăm hộ dân lâm vào tình trạng đất ở không giấy tờ như vậy”, ông Nhâm nói.
Còn ông Giang khẳng định chỉ yêu cầu cắm mốc ranh giới đúng theo sổ đỏ. “Các công trình cũ nhà ông Nhâm cũng đã lấn đất nhà tôi. Trước kia tôi đã phản ánh nhưng ông Nhâm nói xây tạm”, ông Giang nói.
Ngày 14/4/2020, khi hàng xóm chưa xây mới, ông đã kịp thời báo UBND xã. Ngày 15/4, xã đã thành lập đoàn kiểm tra, xác định: Đất của ông Giang có sổ đỏ, đất của ông Nhâm mua trái thẩm quyền, không có giấy tờ.
Đoàn làm việc thống nhất quan điểm nhà ông Giang có sổ đỏ nên giải quyết theo sổ đỏ, thể hiện chiều ngang của hai đầu thửa đất, mặt đường là 20,8m, mặt sau là 19,7m. Các bên phân định ranh giới: Đầu mặt đường, nhà ông Nhâm phải trả lại cho nhà ông Giang 30cm; phía cuối đất, nhà ông Giang phải trả cho hộ thứ ba 20cm.
Tuy nhiên, hôm sau, ông Giang mua vật liệu xây dựng về xây tường rào thì ông Nhâm lại không đồng ý, đề nghị tạm dừng để kiến nghị lại.
Ngày 17/4, xã lại thành lập đoàn công tác lần hai. Ông Giang vẫn giữ nguyên ý kiến như lần đầu. Nhưng vợ ông Nhâm không đồng ý, đưa ra ý kiến đo kiểu khác. Hai bên không đồng thuận. Chính quyền xã yêu cầu cả hai bên tạm ngừng xây dựng.
Tuy nhiên sau đó nhà ông Nhâm “xé bỏ” thỏa thuận ban đầu, vi phạm hướng giải quyết của xã khi lại tiếp tục xây không căn cứ theo mốc giới chính quyền đã phân định lần đầu. Ông Giang nhiều lần phản ánh nhưng không có kết quả. Đặc biệt, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc là ông Mai Đình Thủy bị cho là còn nói ông Giang “tự giữ lấy đất của mình” và “lưu ý lực lượng an ninh xã mỏng nên có chuyện gì xảy ra thì đừng kêu chính quyền”.
Thực tế, từ phát ngôn của Chủ tịch xã, ông Giang đã “tự bảo vệ” phần đất của mình bằng cách đập bỏ một phần tường mới xây của nhà ông Nhâm. Hai bên tranh cãi, công an xã phải đến lập biên bản.
Chính quyền xã “bế tắc”
Cán bộ địa phương nói gì về sự việc này? Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc (phụ trách xử lý sự việc), cho biết: Ngay khi nhận đơn của công dân, xã đã nhanh chóng thành lập đoàn đến giải quyết. Từ ngày 15/4 đến 24/4, xã đã 3 lần hòa giải nhưng “vẫn chưa ra vấn đề”. “Trong đó, ngày 27/4 khi đoàn đến đo phân định mốc giới, phía ông Nhâm không hợp tác. Xã đã ghi biên bản để làm cơ sở giải quyết sau này”, ông Bình nói.
Ông Bình cho rằng: “Thẩm quyền cấp xã chỉ giải quyết được ở bước hòa giải và lập biên bản yêu cầu các hộ ngừng xây dựng. Nếu các hộ không đồng thuận, xã sẽ hướng dẫn các bên gửi đơn ra tòa. Trong quá trình chờ tòa giải quyết, nếu hai hộ có đề nghị, xã tiếp tục hòa giải. Mục đích cuối cùng là đảm bảo quyền lợi cho công dân và giữ hòa khí giữa các hộ dân”.
Về phía ông Mai Đình Thủy, Chủ tịch UBND xã Quảng Phúc, nói: Xã cố gắng hết sức giải quyết cho ổn thỏa, không được thì phải gửi lên tòa. Ông Thủy cho rằng: “Thẩm quyền cấp xã cũng chỉ yêu cầu hai bên ngừng xây, nếu ai vi phạm cùng lắm là phạt hành chính. Còn người nào có đất thì phải tự bảo vệ, tự giữ lấy đất. Lực lượng an ninh xã rất mỏng, không thể đi giữ đất thay cho dân được”. Ông Thủy cho rằng công dân cần biết tự bảo vệ, nếu thấy ai vi phạm thì quay phim, chụp hình... làm căn cứ để các cấp có thẩm quyền giải quyết.
Vẫn lời Chủ tịch xã: “Mỗi người đều có cái lý, đáng lẽ ra mỗi bên nhịn một tí. Vấn đề còn nằm ở mối quan hệ giữa hai gia đình chứ không phải chỉ đất đai”.
Trước quan điểm trên của Chủ tịch xã, ông Giang phản ứng, nói: “Phát ngôn của Chủ tịch xã là thiếu trách nhiệm, thiếu rốt ráo, không bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công dân, không quyết liệt xử lý sai phạm, lại “xúi” dân “tự xử”.
Vẫn lời ông Giang: “Bản thân tôi là thương binh 4/4, từng công tác tại xã, nhưng tôi không lấy những điều này ra để gây sức ép cho chính quyền phải xử theo hướng có lợi cho tôi. Tôi chỉ yêu cầu làm đúng pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho những hộ dân đã có sổ đỏ hợp pháp, chứ không thể “du di” cho những trường hợp đất đã mua bán bất hợp pháp, nay lại lấn sang đất của hộ đã được Nhà nước cấp giấy tờ xác nhận quyền sử dụng”.
Hiện cả hai phía đều giữ nguyên hiện trạng và chính quyền xã dường như “bế tắc” trong xử lý sự việc. Cơ quan chức năng huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa và các chuyên gia pháp lý đánh giá thế nào về sự việc này?
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.