Vụ tranh chấp thuê nhà 51 Trần Nhân Tông (Hà Nội): 'Mòn mỏi' chờ công lý được thực thi!
Gần 8 năm, qua 2 cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm ra phán quyết, yêu cầu Công ty Phát Triển phải trả tiền thuê nhà, bồi thường thiệt hại, giao trả mặt bằng 51 Trần Nhân Tông cho Công ty Kính mắt. Nhưng đến nay vụ việc chưa kết thúc do có quyết định kháng nghị của TAND cấp cao tại Hà Nội.
Qua 2 cấp tòa vẫn chưa lấy lại được tài sản!
Công ty CP Kính Mắt Hà Nội được hình thành theo Quyết định số 5778/QĐ-UB ngày 29/12/1999 của UBND TP Hà Nội về việc: “chuyển doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Kính Mắt Hà Nội thành Công ty CP Kính mắt Hà Nội”.
Giai đoạn sau khi cổ phần hóa, Công ty CP Kính Mắt Hà Nội đã lựa chọn Công ty TNHH Phát Triển (Công ty Phát triển) làm đối tác và ký các hợp đồng hợp tác liên doanh trong các năm 2000, 2002, 2007 để hình thành Bệnh viện Bán công chuyên khoa mắt Hà Nội hoạt động với tư cách là một chi nhánh của Công ty CP Kính Mắt Hà Nội. Quá trình hợp tác này, Công ty CP Kính Mắt Hà Nội đã lấy ngôi nhà số 51 Trần Nhân Tông làm nơi hoạt động cho Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội.
Mọi chuyện diễn ra hết sức suôn sẻ, cho đến năm 2014 khi có các biến động về mô hình kinh doanh dẫn đến việc ngừng hợp tác, giải thể Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt Hà Nội.
Để chấm dứt việc hợp tác kinh doanh, ngày 26/3/2014, hai công ty đã lập Biên bản thanh lý hợp đồng hợp tác kinh doanh và rút vốn đầu tư số: 01/TLHD-HTKD-RVĐT/KM-PT/2014.
Theo đó, hai bên đã đồng ý chính thức thanh lý các hợp đồng liên doanh: Hợp đồng hợp tác liên doanh ngày 25/1/2000; Hợp đồng hợp tác liên doanh ngày 18/4/2002; Hợp đồng hợp tác kinh doanh ngày 02/5/2007 và các phụ lục kèm theo; Biên bản thỏa thuận ngày 01/11/2003.
Cũng theo biên bản thanh lý này, Công ty Kính mắt Hà Nội chính thức dừng việc hợp tác kinh doanh tại Bệnh viện bán công chuyên khoa mắt, đồng thời rút toàn bộ vốn đầu tư và nhận lợi nhuận phân phối có tổng trị giá là 4 tỷ đồng.
Song song với việc thanh lý các hợp đồng hợp tác kinh doanh, Công ty CP Kính mắt Hà Nội đã ký một hợp đồng cho Công ty Phát Triển thuê lại ngôi nhà 51 Trần Nhân Tông với giá 315 triệu đồng/tháng. Sau đó, Công ty TNHH Phát Triển đã làm thủ tục thành lập Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội và được cấp phép hoạt động vào tháng 04/2015.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng thuê nhà, Công ty TNHH Phát Triển chỉ trả 170 triệu đồng tiền thuê nhà/ tháng. Sau nhiều lần yêu cầu Công ty TNHH Phát Triển thực hiện nghiêm túc cam kết hợp đồng nhưng không nhận được phản hồi tích cực, tháng 07/2016 Công ty CP Kính mắt Hà Nội quyết định chấm dứt hợp đồng cho thuê.
Đồng thời yêu cầu Công ty Phát Triển bàn giao lại ngôi nhà số 51 Trần Nhân Tông, nhưng đáp lại chỉ là sự bất hợp tác từ phía Công ty TNHH Phát Triển.
Để lấy lại quyền và lợi ích hợp pháp, Công ty CP Kính Mắt đã khởi kiện Công ty TNHH Phát Triển ra tòa. Ngày 13/7/2020, Tòa án nhân dân (TAND) quận Tây Hồ đã xét xử và ra Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 04/2020/KDTM quyết định: Buộc Công ty TNHH Phát Triển phải trả tiền thuê nhà, sử dụng nhà và tiền lãi, tiền bồi thường vi phạm hợp đồng.
Đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Phát Triển phải giao mặt bằng căn nhà số 51 Trần Nhân Tông cho Công ty CP Kính mắt Hà Nội quản lý sử dụng.
Sau đó, Công ty TNHH Phát Triển và Bệnh Viện mắt kỹ thuật cao (chi nhánh của Công ty TNHH Phát Triển) đã kháng cáo cho rằng: Công ty Kính Mắt Hà Nội không có quyền sở hữu nhà 51 Trần Nhân Tông; Quyền sở hữu nhà 51 Trần Nhân Tông đã được Công ty Kính Mắt Hà Nội góp vốn cho Bệnh viện mắt kỹ thuật cao Hà Nội, thậm chí cho rằng tòa án cần công nhận quyền sở hữu nhà 51 Trần Nhân Tông cho Bệnh viện mắt kỹ thuật cao.
Ngày 29/06/2022 TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm và ra bản án số: 106/2022/KDTM-PT quyết định bác kháng cáo của Công Ty Phát Triển và Bệnh Viện mắt kỹ thuật cao, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH Phát Triển phải trả tiền thuê nhà, bồi thường thiệt hại và giao trả mặt bằng 51 Trần Nhân Tông cho Công ty Kính mắt như Bản án sơ thẩm đã tuyên.
Luật sư chỉ ra nhiều điểm chưa hợp lý tại quyết định kháng nghị?
Không đồng ý với phán quyết của 2 cấp Tòa sơ thẩm và phúc thẩm, Công ty TNHH Phát Triển tiếp tục kháng nghị theo thủ tục Giám đốc thẩm, khi đưa ra lập luận cho rằng Hợp đồng thuê nhà số 01/TN2014 với Công ty CP Kính mắt Hà Nội là không có giá trị pháp lý, chính vì lẽ đó nên doanh nghiệp không tiếp tục trả tiền thuê nhà. Bên cạnh đó, theo Công ty Phát Triển, Tòa đã vi phạm thủ tục tố tụng khi tiến hành xét xử phúc thẩm mà không có mặt đại diện của Bệnh viện kỹ thuật cao về mắt đã có giấy ốm và xin vắng lần đầu. Bệnh viện mắt là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc kháng cáo vắng mặt, nhưng Tòa đã không hoãn phiên tòa theo quy định...
Sau đó, ngày 26/5/2023, TAND cấp cao tại Hà Nội ra Quyết định kháng nghị (QĐKN) giám đốc thẩm số 06/2023/KN-KDTM. Theo đó đề nghị Ủy ban thẩm phán TAND cấp cao tại Hà Nội xét xử giám đốc thẩm hủy toàn bộ 2 Bản án sơ thẩm và phúc thẩm, đồng thời giao hồ sơ cho TAND quận Tây Hồ giải quyết sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Liên quan đến quyết định kháng nghị trên, Luật sư Trần Thị Ngọc Trang, Đoàn luật sư TP Hà Nội đưa ra nhận định rằng, QĐKN có dấu hiệu vi phạm nguyên tắc cơ bản quy định tại Điều 5 khoản 1 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) “Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”.
Theo Luật sư Ngọc Trang, tại cấp sơ thẩm, Công ty Kính Mắt HN có đơn khởi kiện yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà và buộc Công ty Phát Triển phải trả lại nhà 51 Trần Nhân Tông cũng như thanh toán các khoản tiền thuê nhà, sử dụng nhà, tiền phạt vi phạm và các khoản tiền khác liên quan; Công Ty Phát Triển (và Bệnh viện mắt kỹ thuật cao - chi nhánh của Công ty Phát Triển, được coi là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) không có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nào. Điều đó có nghĩa phạm vi giải quyết của tòa án trong vụ án này chỉ giới hạn trong phạm vi đơn khởi kiện của Công ty Kính Mắt Hà Nội.
Luật sư Ngọc Trang cho biết thêm, QĐKN không chỉ ra được căn cứ pháp lý cụ thể trong số các căn cứ được kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quy định tại Điều 326 Khoản 1 Bộ luật TTDS để chứng minh cho các nhận định, phân tích của người đã kháng nghị về những vi phạm, sai lầm của BAPT, vi phạm Điều 333 khoản 5 và khoản 6 Bộ luật TTDS.
Tại phần đầu QĐKN có nêu căn cứ ra QĐKN là theo Điều 326 Bộ luật TTDS. Theo điều luật này, có 03 căn cứ để kháng nghị bản án đã có hiệu lực pháp luật. Điều 333 khoản 5, 6 Bộ luật TTDS cũng quy định QĐKN giám đốc thẩm phải có nhận xét, phân tích những vi phạm, sai lầm của BAPT và căn cứ pháp luật để quyết định kháng nghị.
Tuy nhiên, tại QĐKN không đưa ra phân tích, lập luận, căn cứ pháp lý cụ thể nào thể hiện rằng việc kháng nghị giám đốc thẩm này thuộc căn cứ nào trong số 03 căn cứ nêu trên. QĐKN cũng không nêu BAPT vi phạm những quy định nào của pháp luật; lẽ ra không được phép ban hành.
Ngoài ra, Luật sư Ngọc Trang cho rằng, QĐKN có các dấu hiệu vi phạm nguyên tắc cơ bản “Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng” theo quy định của Điều 3 khoản 2 Bộ luật Dân sự.
“Ở vụ án này, biên bản thanh lý và hợp đồng thuê nhà đã được Công ty Kính Mắt HN và Công ty Phát Triển tự nguyện thỏa thuận. Tuy nhiên, QĐKN không đưa ra được bất kỳ căn cứ nào chứng minh các thỏa thuận này vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, do đó biên bản thanh lý và hợp đồng thuê nhà này có hiệu lực đối với các bên và phải được các chủ thể khác tôn trọng”, Luật sư Trang nói.