Vụ tranh chấp với Boho: Coteccons được dỡ bỏ phong tỏa tài khoản
Coteccons vừa nhận được quyết định chấm dứt phong tỏa tài khoản và được chấp thuận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu CTD do Công đoàn Coteccons mua lại theo quy chế ESOP.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (HoSE: CTD) cho biết, ngày 23/9, doanh nghiệp nhận được Quyết định số 1465 của Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM về việc chấm dứt phong tỏa tài khoản của Coteccons trong vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế giữa Coteccons và Công ty TNHH Boho Decor.
Cùng ngày, Coteccons cũng nhận được Quyết định số 6122 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước về việc chấp thuận chuyển quyền sở hữu cổ phiếu CTD do Công đoàn Coteccons mua lại theo quy chế ESOP.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Tòa án nhân dân TP.HCM đã xem xét yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vụ tranh chấp ngày 2/1/2024 giữa Coteccons và Công ty TNHH Boho Decor.
Vụ tranh chấp bắt nguồn từ năm 2020 khi Boho Decor ký hợp đồng với Coteccons để thiết kế, cung cấp và thi công nội thất cho các công trình xây dựng. Đến ngày 18/4/2023, Boho Decor yêu cầu Coteccons thanh toán khoảng 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, Coteccons đã phản đối, cho rằng hồ sơ thanh toán không đủ cơ sở pháp lý và các hợp đồng không được phê duyệt theo quy định, đồng thời liên quan đến các sai phạm mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã xử phạt.
Sau nhiều lần thảo luận không thành công, Boho Decor quyết định khởi kiện Coteccons tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Hội đồng Trọng tài sau đó ra phán quyết buộc Coteccons phải thanh toán gần 22 tỷ đồng, thấp hơn so với yêu cầu ban đầu của Boho Decor.
Coteccons đã kháng cáo, nhưng Tòa án nhân dân TP.HCM vào ngày 19/7 đã bác bỏ yêu cầu của Coteccons, buộc công ty phải tuân thủ phán quyết của Hội đồng Trọng tài.
Đến ngày 22/8, Coteccons nhận quyết định thi hành án từ Cục Thi hành án Dân sự TP. HCM, yêu cầu khấu trừ gần 29 tỷ đồng liên quan đến vụ tranh chấp hợp đồng với Boho Decor.
Sếp Coteccons tự tin thu hồi nợ xấu
Trong buổi đối thoại mới đây, một số cổ đông đặt câu hỏi về tình hình nợ xấu và trích lập dự phòng của Coteccons. Trả lời vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Bolat Duisenov nói nguyên tắc của doanh nghiệp này là khi thấy nợ khó thu hồi, chắc chắn phải trích lập khoản dự phòng. Nhưng nhìn chung vấn đề này không ảnh hưởng lớn nếu so với sức khỏe tài chính của công ty.
Ông Bolat cho rằng nợ xấu là "bệnh đau đầu" chung cho cả ngành xây dựng thời gian qua. Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, họ có quy trình chỉn chu cho vấn đề nợ xấu, đảm bảo chắc chắn cho sự phát triển bền vững thay vì cái lợi trước mắt. "Cá nhân tôi tự tin Coteccons sẽ sớm nhận lại phần lớn số tiền trên", ông Bolat khẳng định.
Theo ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành Coteccons, công ty sẽ theo dõi các khoản nợ xấu và thu hồi trong một khoảng thời gian nhất định khi thị trường cũng như chủ đầu tư qua giai đoạn khó khăn.
Cập nhật tại buổi đối thoại, ông Hải cho biết khoản trích lập dự phòng đến nay của công ty vào khoảng 1.400 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025 công ty trích lập 275 tỷ đồng - nhỏ hơn rất nhiều so với năm 2024. Giám đốc Coteccons đánh giá đây là điểm sáng trong hoạt động của nhà thầu này.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV niên độ 2024, Coteccons đang có gần 2.243 tỷ đồng nợ xấu, tăng khoảng 669 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Phần lớn số này đến từ Công ty Ngôi Sao Việt (thuộc Tân Hoàng Minh), Công ty Saigon Glory và Công ty Minh Việt (chủ đầu tư Tricon Towers). Công ty trích lập dự phòng hơn 60% các khoản nợ xấu kể trên.