Vụ trẻ mầm non bị quên trên xe: Cần quy trình của sự tận tâm, trách nhiệm và ứng xử vì đứa trẻ

Nhìn từ vụ trẻ mầm non bị bỏ quên trên xe ô tô, dù luật có chặt chẽ, công nghệ có hiện đại đến mấy, nếu không có một quy trình gắn với sự tận tâm, trách nhiệm và những ứng xử phù hợp vì trẻ thì vẫn có thể xảy ra những sự việc tương tự.

Nhìn từ vụ bé mầm non bị bỏ quên trên xe ô tô, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần sự tận tâm, trách nhiệm và ứng xử vì đứa trẻ. (Ảnh: TGCC)

Nhìn từ vụ bé mầm non bị bỏ quên trên xe ô tô, PGS. TS. Trần Thành Nam cho rằng, cần sự tận tâm, trách nhiệm và ứng xử vì đứa trẻ. (Ảnh: TGCC)

Vụ việc một trẻ mầm non tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón ở Thái Bình vừa qua khiến dư luận "dậy sóng".

Theo cơ quan điều tra, 6h20 ngày 29/5, Phương Quỳnh Anh (người phụ trách đưa đón trẻ) cùng lái xe Nguyễn Văn Lâm đón bé Gia Huy tới trường Mầm non Hồng Nhung cơ sở 2 ở khu tái định cư xã Phú Xuân, TP. Thái Bình. Khi lên xe, bé Huy ngồi ngay ghế sau lái. 17h30 cùng ngày, cậu của Huy đến đón thì không thấy bé. Sau đó, mọi người phát hiện bé vẫn trong ô tô. Công an xác định bé ở trong xe 11 tiếng, dưới trời nắng nóng, dạ dày không có thức ăn nên bị kiệt sức, suy hô hấp.

Báo Thế giới và Việt Nam trích đăng bài viết thể hiện góc nhìn của PGS. TS. Trần Thành Nam (Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) xung quanh câu chuyện này.

Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế

Tôi cảm thấy đau lòng vì đây không phải lần đầu tiên chúng ta đối diện với vấn đề bỏ quên trẻ trên xe đưa đón dẫn đến tử vong. Sự việc này có thể nhân lên nỗi đau cũ và kích hoạt khủng hoảng truyền thông mới đối với công tác an toàn trường học vốn có phần nào đó bị lơi lỏng trước áp lực trường lớp hiện tại. Nó cũng thể hiện phần nào đó sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên, người đưa đón trẻ và lái xe, thiếu quy trình phối hợp bảo đảm sự an toàn.

Thực tế, cũng từng có những vụ việc tương tự xảy ra ở các quốc gia khác. Ví dụ, Trung Quốc trong 5 năm gần đây có 35 trẻ bị mắc kẹt trong ô tô được phản ánh trên truyền thông đại chúng và nguyên nhân chính là trẻ bị bỏ quên do sự tắc trách của người lớn, ô tô bị khóa nhầm không thể mở được. Và hơn 80% trẻ bị bỏ quên đã tử vong do sốc nhiệt. Ở Pháp, trong giai đoạn từ 2007-2019 có khoảng 40 trường hợp trẻ em, trong đó có 10 trường hợp tử vong.

Ở Nhật Bản, dựa trên thông tin trên các kênh truyền thông chính thống ghi nhận 2 sự cố vào tháng 7/2021 và tháng 9/2022, trong đó trẻ bị bỏ lại trong xe bus của trường mẫu giáo và tử vong. Ở Hàn Quốc, ghi nhận 3 trường hợp tử vong vào các năm 2012 và 2018, có một trường hợp bị bỏ quên trên xe dẫn đến hôn mê và không rõ tình hình sau đó.

Chính vì vậy, các quốc gia đã đưa vào luật yêu cầu xe đưa đón trẻ mầm non phải lắp đặt hệ thống cảnh bảo phát hiện trẻ em, một thiết bị bắt buộc người lái xe phải đi dọc giữa 2 hàng ghế ra phía sau để tắt cảnh báo. Ngoài ra, các nước có những quy định chung về quy trình kiểm tra hệ thống cảm biến cảnh báo, kịch bản kiểm tra hàng ghế sau.

Trên thế giới, nhiều nước đang nỗ lực phát triển các tiêu chuẩn mới liên quan việc phạt hiện trẻ em ngủ quên trên xe, ví dụ như cảm biến nhắc nhở về vị trí ghế ngồi, cảm biến dây đai an toàn, thậm chí cảm biến giám sát nồng độ CO2. Năm 2021, Quốc hội Mỹ thông qua Đạo luật ô tô HOT yêu cầu xây dựng quy định về hệ thống “kiểm tra hàng ghế sau” bắt buộc và những công nghệ phù hợp cần sử dụng để bảo đảm trẻ em không bị bỏ quên trên xe cũng như phải không gây ra bất cứ một rủi ro nào.

Năm 2022, Nhật Bản đã thông qua Luật yêu cầu xe bus đưa đón học sinh mẫu giáo và tiểu học phải được trang bị các công nghệ tiên tiến nhằm ngăn chặn hiệu quả việc trẻ em mẫu giáo bị bỏ quên lại phía sau. Điều luật này đã áp dụng cho tổng số khoảng 44.000 xe bus chở học sinh mẫu giáo trên toàn quốc các thiết bị cảnh báo và quy trình cực kỳ chặt chẽ.

Họ quy định với hệ thống cảnh báo dạng nút bấm thì ngay khi động cơ xe dừng lại, sẽ phát thông báo nhắc nhở lái xe phải xác định xem tất cả hành khác đã xuống xe hay chưa. Để tắt thông báo nhắc nhở này, lái xe phải đi dọc theo hai hàng ghế để xuống cuối xe tắt. Nếu lái xe không thực hiện điều này trong vòng 15 phút thì chuông cảnh báo sẽ vang lên cho những người bên ngoài xe chú ý tới giải cứu.

Còn đối với hệ thống cảnh báo cảm biến thì một khoảng thời gian nhất định khi động cơ xe dừng lại, cảm biến sẽ quét các chỗ ngồi và xác định nếu còn một thành viên nào chưa xuống xe thì chuông báo động sẽ vang lên. Yêu cầu về kỹ thuật của các thiết bị cũng được quy định nghiêm ngặt, ví dụ, thiết bị hủy báo động phải được lắp đặt ở những vị trí mà đứa trẻ không thể can thiệp được, thiết bị phải có đủ độ bền (chịu được rung lắc, chống thấm nước và chống bụi…).

Vụ việc thể hiện phần nào đó sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên, người đưa đón trẻ và lái xe, thiếu quy trình phối hợp đảm bảo sự an toàn. (Nguồn: Vietnamnet)

Vụ việc thể hiện phần nào đó sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của nhà trường, của giáo viên, người đưa đón trẻ và lái xe, thiếu quy trình phối hợp đảm bảo sự an toàn. (Nguồn: Vietnamnet)

Cần trách nhiệm và ứng xử vì đứa trẻ

Hiện nay, Việt Nam đang có dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ với điều 46 quy định ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non phải đáp ứng các yêu cầu như có đăng ký và gắn biển số, đăng kiểm và phải gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị ghi nhận hình ảnh của lái xe; xe có niên hạn sử dụng không quá 20 năm, phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi, có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi, phải bố trí người quản lý trên mỗi ô tô.

Có thể tới đây, các quy định của Luật sẽ chặt chẽ hơn, Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh công nghệ trên xe bus đưa đón học sinh để hạn chế tối đa việc bỏ quên trẻ trên xe này. Tuy vậy, dẫu luật có chặt chẽ, công nghệ có hiện đại đến mấy, nếu không có một quy trình gắn với sự tận tâm, trách nhiệm và những ứng xử phù hợp vì trẻ thì rất có thể vẫn có những sự việc đáng tiếc xảy ra.

Rõ ràng, những vụ việc này xảy ra thể hiện sự tắc trách nghiêm trọng trong việc kiểm đếm, quan sát và quan tâm đến trẻ của cán bộ đưa đón và lái xe. Đó cũng là sự thiếu trách nhiệm trong giáo dục trẻ về các kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm của chính cha mẹ hay sự thiếu phối hợp giữa giáo viên, nhà trường và gia đình trong việc thông báo cập nhật thông tin.

Trên thực tế, những trường hợp tử vong trên xe không hoàn toàn là do các thầy cô quên trẻ trên xe mà còn một phần do những đứa trẻ bị những vấn đề tâm lý khác khiến con không muốn vào lớp. Đứa trẻ có thể tìm cách trốn lại trên xe như một cách phản ứng hoặc như một trò chơi trốn tìm để thấy người khác lo lắng về mình.

Vì thế, chúng ta cũng đừng chỉ chú ý đến những vụ việc bỏ quên trẻ trên xe bus đến trường học. Nhiều trường hợp ghi nhận cha mẹ, người giám hộ để trẻ, người già hoặc thú cưng trên xe và nghĩ là chỉ chạy vào trong siêu thị, cửa hàng hoặc văn phòng vài phút thì vẫn sẽ an toàn. Tuy vậy, sau đó họ bị lơ đãng và khi quay trở lại thì người trong xe đã rơi vào tính huống nguy hiểm. Vụ việc là bài học để mỗi cá nhân cần tự ý thức hơn về những quy trình an toàn cho con em của mình trong sinh hoạt và đi lại hàng ngày.

ĐBQH. Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH Cà Mau):

Đã xảy ra không ít vụ việc bỏ quên trẻ em trên xe đưa đón của các nhà trường. Nhiều vụ đã xảy ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, cần phải quy định việc đưa đón học sinh đến trường bằng các chế định trong các đạo luật phù hợp. Việc quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) đối với xe ô tô chở học sinh tại Điều 46 Luật TTATGT đường bộ, phù hợp với đối tượng điều chỉnh. Sau khi đạo luật này có hiệu lực, sẽ có công cụ pháp lý giúp các lực lượng chức năng làm căn cứ để xử lý hành vi vi phạm hiệu quả.

Liên quan vụ việc bé trai 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình khởi tố thêm tài xế và 2 nữ giáo viên. Chiều 31/5, Công an tỉnh Thái Bình cho biết căn cứ kết quả điều tra, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình.

Đồng thời, cơ quan điều tra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với tài xế Nguyễn Văn Lâm (trú tại phường Quang Trung, thành phố Thái Bình) về tội "vô ý làm chết người" quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan chức năng cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Thị Phương cùng Đoàn Thị Nhâm (đều là giáo viên Trường mầm non Hồng Nhung) về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự. Các quyết định và lệnh trên đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thái Bình phê chuẩn.

Trước đó, ngày 30/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thành phố Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Phương Quỳnh Anh (38 tuổi, người phụ trách đưa đón trẻ của Trường mầm non Hồng Nhung) về tội "vô ý làm chết người" quy định tại điều 128 Bộ luật Hình sự.

PGS. TS. Trần Thành Nam

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-tre-mam-non-bi-quen-tren-xe-can-quy-trinh-cua-su-tan-tam-trach-nhiem-va-ung-xu-vi-dua-tre-273582.html