Vụ Trưởng khoa Đại học Luật Hà Nội bị tố cưỡng bức tình dục: Bộ Nội vụ sẽ sửa luật để đánh giá cán bộ, công chức sát hơn
Chiều 30/3, tại họp báo cung cấp thông tin định kỳ do Bộ Nội vụ tổ chức, trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN liên quan đến vụ một Trưởng khoa của Đại học Luật Hà Nội bị tố cưỡng bức tình dục, Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức Nguyễn Tuấn Ninh cho biết, là cơ quan quản lý nhà nước về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ Nội vụ đã nắm được thông tin vụ việc. Thông tin mới nhất là vị Trưởng khoa này đã làm đơn xin thôi việc.
Trả lời về việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đã thực chất chưa và có cần phải sửa đổi quy trình, các quy định để không còn xảy ra tình trạng cán bộ thoái hóa, biến chất như vậy, Vụ trưởng Nguyễn Tuấn Ninh cho hay, việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hiện nay đang được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong 5 tiêu chí chung về đánh giá, xếp loại, tiêu chí thứ hai là đánh giá về đạo đức, lối sống. Nghị định số 90/2020/NĐ-CP phân cấp người đứng đầu cơ quan quản lý cán bộ, công chức, viên chức xây dựng quy chế hoặc phân cấp cho người đứng đầu các đơn vị trực tiếp sử dụng cán bộ, công chức, viên chức để ban hành quy chế và trực tiếp tổ chức đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Bộ Nội vụ có trách nhiệm kiểm tra, tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hàng năm về kết quả đánh giá, xếp loại các bộ, ngành, địa phương.
Từ khi Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức, được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 88/2017/NĐ-CP và mới nhất là Nghị định 90/2020/NĐ-CP, qua theo dõi, tổng hợp của Bộ Nội vụ cho thấy, công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua đã có nhiều chuyển biến rất tích cực. Nghị định đã bám sát chủ trương của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; có sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Đảng với pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là tiêu chí đánh giá về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống - là những tiêu chí đặc biệt quan trọng trong đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay, Vụ Công chức, viên chức được lãnh đạo Bộ Nội vụ giao tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung, đặc biệt là đổi mới cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có nội dung về đánh giá, xếp loại đối với cán bộ, công chức, viên chức để bảo đảm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm; Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
“Về những nội dung này, chúng tôi đang tiếp tục nghiên cứu và tổng hợp để hoàn thiện thể chế, nhất là về xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức. Theo lộ trình, trong năm 2022 - 2023, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp, rà soát những quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tiễn để tham mưu cho lãnh đạo Bộ sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.
Trong đó, chúng tôi sẽ cố gắng sửa đổi để công tác đánh giá, xếp loại đội ngũ cán bộ, công chức bảo đảm thực chất hơn nữa, sát thực tiễn hơn nữa, tránh xảy ra những trường hợp vi phạm pháp luật, đặc biệt về đạo đức, lối sống”, ông Nguyễn Tuấn Ninh cho biết.