Vụ tướng Iran bị sát hại - 'Phát súng ân huệ' cho JCPOA
Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới P5+1 - được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay JCPOA nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân đang đứng bên bờ vực sụp đổ kể từ khi Mỹ đơn phương rút đi vào năm 2018.
Thỏa thuận hạt nhân mang tính bước ngoặt năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc thế giới P5+1 - được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung, hay JCPOA nhằm ngăn chặn Iran có được vũ khí hạt nhân đang đứng bên bờ vực sụp đổ kể từ khi Mỹ đơn phương rút đi vào năm 2018. Liên minh Châu Âu (EU) cho biết, họ sẽ nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận, nhưng với căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang như hiện nay, dường như nỗ lực của EU càng như “muối bỏ biển”.
“Nạn nhân” đầu tiên
Thỏa thuận hạt nhân được cộng đồng quốc tế đàm phán với Iran đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng Mỹ-Iran sau vụ sát hại tướng Qassem Soleimani.
Sau vụ tấn công, Iran tuyên bố sẽ không còn giới hạn làm giàu uranium. Đây là bước đi thứ 5 trong kế hoạch “ly hôn” của Iran để đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và áp dụng lại các biện pháp trừng phạt cứng rắn. Về cơ bản, Iran không còn bất kỳ giới hạn nào về các khía cạnh hoạt động của chương trình hạt nhân; bao gồm khả năng làm giàu uranium, mức độ làm giàu, các chương trình nghiên cứu và phát triển hạt nhân. Nói cách khác, Iran đã sẵn sàng trở lại làm giàu uranium mức độ cao. Nhưng quốc gia Hồi giáo cũng đưa ra một nhánh ô-liu. Ngoại trưởng Mohamed Javid Zarif viết trên Twitter: “Bước này nằm trong JCPOA và tất cả 5 bước đều có thể đảo ngược khi thực hiện hiệu quả các nghĩa vụ đối ứng. Hợp tác toàn diện của Iran sẽ tiếp tục”.
Các nhà phân tích lưu ý, ngay cả khi JCPOA đang đứng trước nguy cơ bị “kết liễu”, Iran cũng cho thấy các biện pháp tự kiềm chế. Hans Kristensen, Giám đốc Dự án Thông tin Hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ cho rằng: “Điều này không (chưa) có nghĩa là Iran sẽ rời JCPOA hoặc chế tạo vũ khí hạt nhân. Rõ ràng, các giới hạn khác của thỏa thuận vẫn được áp dụng như các cuộc kiểm tra của IAEA”. Theo ông, “bước thứ 5 trong việc rút ra khỏi các cam kết JCPOA ít khắc nghiệt hơn so với nỗi sợ việc Iran nối lại việc làm giàu uranium với mức 20% như ban đầu”. Các chuyên gia nhấn mạnh, điều này cho thấy, Iran vẫn muốn người Châu Âu đứng về phía mình và chưa muốn phá vỡ thỏa thuận này.
Điều gì xảy ra nếu JCPOA “chết yểu”?
Câu trả lời ngắn gọn là mối lo Iran sản xuất vũ khí hạt nhân sẽ phủ bóng khắp thế giới dù Tehran vẫn khăng khăng không bao giờ thực hiện.
Trước khi đạt thỏa thuận lịch sử trên vào năm 2015, theo nhiều ước tính, Iran có khả năng sản xuất một quả bom hạt nhân trong vòng 5 đến 6 tháng. Giờ đây, khi các biện pháp bảo vệ thỏa thuận đang đến thời điểm “nghỉ giải lao”, thời gian ước tính là hơn 1 năm. Các nhà ngoại giao liên quan lưu ý, điều đó có nghĩa là Iran có thể sản xuất vũ khí hạt nhân trong thời gian đó. Nhưng sẽ mất nhiều thời gian hơn để xây dựng hệ thống kho vũ khí và phân phối, mặc dù Tehran đã phát triển các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung của riêng mình với tầm bắn đủ để bắn trúng các mục tiêu ở xa Châu Âu. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, trong tuyên bố hôm 10-1, cũng cảnh báo nếu Iran rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nước này sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng 1 hoặc 2 năm tới. Sputnik dẫn lời Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian cảnh báo: “Nếu tiếp tục vi phạm JCPOA, Iran có thể sẽ sở hữu vũ khí hạt nhân trong vòng 1 hoặc 2 năm tới”.
Tuy nhiên, Iran khẳng định chương trình hạt nhân của họ chỉ dành cho mục đích dân sự, và thỏa thuận này cho phép họ điều hành các lò phản ứng để tạo ra điện hạt nhân. Thỏa thuận hạn chế số lượng và loại máy ly tâm mà Iran có thể sử dụng, đặt ra giới hạn về lượng nước và uranium làm giàu mà nó có thể dự trữ, và hạn chế mức độ tinh khiết làm giàu uranium. Iran đã phải cho phép các thanh sát viên từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào các cơ sở của mình để xác minh sự tuân thủ của nước này. Đổi lại, Mỹ, EU và HĐBA LHQ tuyên bố giảm các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran.
Một thỏa thuận hoàn tác
Chính quyền Tổng thống Trump đã đơn phương từ bỏ JCPOA vào ngày 8-5-2018. “Đây là một thỏa thuận kinh khủng, một chiều và đáng lẽ không bao giờ được thực hiện”, ông Trump nói khi rời đi. Các bên khác của thỏa thuận - Trung Quốc, Nga, Châu Âu và Iran - vẫn kiên quyết ở lại. Nhưng việc Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt hà khắc, các biện pháp trừng phạt hầu hết đã được dỡ bỏ sau khi Iran ký thỏa thuận, đã gặm nhấm uy tín của nó.
Khi căng thẳng gia tăng, JCPOA bắt đầu sờn rách. Chính sách “áp lực tối đa” của chính quyền ông Trump bắt đầu đổ lên đầu Iran, bao gồm các biện pháp trừng phạt làm tê liệt các lĩnh vực tài chính và dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo. Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tuần trước nói rằng, “cuộc chiến kinh tế” của Mỹ chống lại Iran đã khiến nước này phải trả giá 200 tỷ USD. Iran đã mất gần 90% thị phần xuất khẩu dầu vốn là nguồn thu chính của nước này; giá trị của đồng rial giảm mạnh, và ngành ngân hàng đang căng như dây đàn. Mặc dù các lệnh trừng phạt không đụng chạm đến các nguồn cung cấp thiết yếu, tình trạng thiếu lương thực, thuốc và dược phẩm vẫn thổi bùng trên khắp Iran. Tehran đã đáp trả các biện pháp của Mỹ bằng cái gọi là “sự kiên nhẫn chiến lược” - trong khi cằn nhằn Châu Âu, thúc giục họ làm nhiều hơn nữa để cứu vãn thỏa thuận và giảm nhẹ các lệnh trừng phạt.
Tổng thống Emmanuel Macron của Pháp đã cố gắng làm dịu tình hình, đề xuất khoản tín dụng trị giá 15 tỷ USD cho Iran để đổi lấy việc quốc gia Hồi giáo tuân thủ hoàn toàn JCPOA. Ông cũng hoan nghênh Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đến cuộc họp G7 vào tháng 8 và nỗ lực lên kế hoạch về cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và và người đồng cấp Hassan Rouhani tại Đại hội đồng LHQ. Tuy nhiên, những động lực này lại di chuyển theo hướng ngược lại. Khi thòng lọng siết chặt xuất khẩu dầu vẫn trên đầu Iran, họ được cho là đã trả đũa trên nhiều mặt trận: bị cáo buộc đứng sau các cuộc tấn công vào tàu chở dầu ở Vùng Vịnh và ngoạn mục nhất là các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình nhằm vào các nhà máy dầu của Saudi Arabia vào tháng 9-2019. Và thông điệp của họ rất đơn giản - nếu chúng tôi không thể bán dầu và kiếm được tiền, không ai có thể bán dầu.
Đã có một giai đoạn, các nước Châu Âu gần như bất lực trước những diễn biến ngày càng tồi tệ trong mối quan hệ Mỹ-Iran và cả “sinh mạng” của JCPOA. Và giờ đây, khi căng thẳng leo thang, nhiệm vụ của EU càng khó khăn, đến nỗi, nhiều chuyên gia dự đoán, JCPOA sẽ “chết yểu” trong vài tháng tới.
Nhưng theo họ, điều đó không có nghĩa là Iran sẽ từ bỏ thỏa thuận hoàn toàn và chạy đua hướng tới phát triển vũ khí hạt nhân. Quốc gia Hồi giáo này vẫn cho thấy sự kiên nhẫn chiến lược bất chấp khủng hoảng kinh tế ngày càng sâu rộng và bùng nổ của các cuộc biểu tình.