Vụ vải thiều mất mùa chưa từng thấy nhiều năm qua
Bắc Giang được xem là vùng sản xuất vải thiều lớn nhất cả nước. Năm nay, mùa vải đã đến nhưng người trồng vải ở Lục Ngạn (trung tâm trồng vải thiều của Bắc Giang) thất thu nặng.
Mùa vải thiều… buồn
Những năm trước, nếu đến Lục Ngạn dịp cuối tháng 5 đầu tháng 6, mọi người sẽ cảm thấy choáng ngợp trước sắc đỏ của những vườn vải chín, cảnh mua bán tấp nập của cánh tiểu thương, những khuôn mặt rạng rỡ trong cái nắng hè của người nông dân.
Thế nhưng năm nay, đến với vùng vải Lục Ngạn, người ta thấy màu xanh của lá và chồi. Có những diện tích vải thiều hầu như không đậu quả khiến người dân Lục Ngạn phải trải qua vụ vải mất mùa chưa từng thấy trong hơn 30 năm qua.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa (xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) có diện tích hơn 4 mẫu đất (3.600m2/mẫu) trồng vải. Trong đó, phần nhiều diện tích này được gia đình bà sử dụng để trồng vải thiều chính vụ. Còn lại, một số ít được dùng để trồng vải u (u trứng, u hồng) và vải Thanh Hà. Thời điểm này, gia đình bà đang cho thu hoạch hơn 30 gốc vải u và vải Thanh Hà.
Đây là những giống vải được người dân trồng xen kẽ để cho thu hoạch sớm đầu mùa. Trong khi đó, đặc trưng ở huyện Lục Ngạn lại là giống vải thiều. Vải được trồng, thu hoạch và phục vụ cho xuất khẩu sang nước ngoài.
Đưa tay bao quát hết toàn bộ diện tích trồng vải thiều của gia đình, bà Hoa không giấu được sự thất vọng: "Năm nay, vải thiều nhà tôi gần như mất trắng, may chăng cả vườn chỉ được 2-3kg để ăn. Gần 30 năm gắn bó với cây vải thiều nhưng chưa năm nào lại bị mất mùa nặng nề như năm nay".
Trung bình một năm, gia đình bà Hoa chi ra gần 15 triệu đồng tiền chăm sóc cây. Những năm trước, diện tích vải thiều ấy đem về cho gia đình bà 12-14 tấn quả, nguồn thu ổn định hơn 100 triệu đồng/năm. Năm nay, vải thiều mất mùa nên gần như gia đình bà không có nguồn thu.
Hơn 30 gốc vải u và vải Thanh Hà đang cho thu hoạch, bà Hoa chỉ mong có thể gỡ gạc lại chút tiền chăm sóc cây đã chi ra. "Năm nay, vải u và vải Thanh Hà thời điểm này được thu mua cao hơn năm trước vài giá khi có thời điểm lên đến 35.000-40.000 đồng/kg nên chúng tôi mong mỏi có thể thu hồi lại số tiền vốn đã bỏ ra", bà Hoa chia sẻ.
Mất mùa vải thiều là tình trạng chung của nhiều hộ dân trên địa bàn. Gần 1.000 gốc vải thiều của gia đình ông Dương Văn Nhiên (xã Mỹ An) năm nay cũng thất thu khi phần lớn diện tích cây không có quả. Những cây cho quả cũng chỉ lác đác. Nhẩm tính, ông Nhiên cho biết, diện tích vải của gia đình năm nay thiệt hại đến hơn 90%.
Gắn bó với cây vải đến nay đã gần 35 năm, nhưng theo ông Nhiên, chưa có năm nào diện tích vải mất mùa lại lớn như năm nay. "Những năm trước, về Mỹ An thời điểm này chỉ thấy một màu đỏ rực của vải chín, người người tập trung thu hoạch vải, xe lớn, xe nhỏ vào lấy hàng nhưng năm nay thì buồn quá. Cả xã mất mùa vải thiều", ông Nhiên chia sẻ.
Thất thu hàng nghìn tỉ đồng
Trao đổi với Báo PNVN, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho biết, theo thống kê, toàn huyện có 17.300ha trồng vải. Trong đó, đợt vải sớm đạt 70%, vải chính vụ đạt khoảng 20%-30% sản lượng so với năm 2023. Vị này đánh giá, huyện Lục Ngạn trải qua một vụ vải mất mùa chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây.
Về nguyên nhân, lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Ngạn cho rằng, từ giữa tháng 1 đến giữa tháng 2/2024, thời tiết chuyển biến theo hướng xuất hiện các đợt không khí lạnh ngắn, kèm theo mưa kéo dài, độ ẩm cao đã kích thích lộc, triệt tiêu hoa.
Nhận định năm nay tình hình sẽ có nhiều khó khăn, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết đơn vị này đã chủ động chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng đa dạng và nâng chất lượng sản phẩm để bù đắp vào sản lượng vải thiều thất thu.
Theo đó, với những diện tích vải thiều đang trong giai đoạn phát triển quả non, cơ quan chuyên môn hướng dẫn, khuyến cáo người dân tập trung các biện pháp chăm sóc, tưới nước đủ ẩm, vệ sinh vườn đồi, tỉa bỏ cành bị sâu bệnh nhằm hạn chế lưu trú của sâu bệnh hại. Đồng thời bón phân cân đối nhằm hạn chế rụng quả, phòng trừ kịp thời sâu bệnh trong giai đoạn đậu quả.
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn hướng dẫn người dân chăm sóc diện tích cây ăn quả khác. Địa phương cũng chú trọng sản xuất các loại cây rau, màu. Do vải mất mùa cho nên nhiệm vụ xây dựng mô hình sản xuất vải theo hướng hữu cơ tại một số xã trên địa bàn không khả thi, huyện Lục Ngạn đã chuyển nguồn kinh phí đó sang thực hiện các mô hình hỗ trợ nông dân.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang, năm 2023, tổng diện tích vải thiều của tỉnh Bắc Giang là 29.700ha, sản lượng trên 200.000 tấn. Thị trường tiêu thụ nội địa được khơi thông và tiếp tục mở rộng với tổng sản lượng tiêu thụ nội địa đạt trên 90.400 tấn (chiếm gần 44,9 % tổng sản lượng tiêu thụ).
Sản lượng vải thiều xuất khẩu của tỉnh cũng có sức bật tăng đáng kể, đạt gần 111.200 tấn (chiếm trên 55,1% so với tổng sản lượng tiêu thụ và tăng gần 35.300 tấn so với năm 2022).
Giá trị doanh thu từ vải thiều và các dịch vụ phụ trợ ước đạt trên 6.876 tỉ đồng (cao nhất từ trước đến nay), trong đó doanh thu từ vải thiều ước đạt trên 4.658 tỉ đồng (tăng hơn 247 tỉ đồng so với năm 2022); doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.218 tỉ đồng.
Còn năm nay, sản lượng vải toàn tỉnh Bắc Giang sụt giảm, ước đạt 100.000 tấn. Sản lượng vải chỉ còn 50% so với năm 2023, đồng nghĩa nông dân Bắc Giang thất thu, thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng. Trước một vụ vải kém thu, cùng với hướng dẫn người dân chăm sóc cây, tỉnh Bắc Giang cũng tổ chức các hoạt động kết nối, giới thiệu nhằm tiếp tục nâng tầm quả vải thiều.