Vụ Vạn Thịnh Phát: Cán bộ Ngân hàng Nhà nước nhận quà để 'bưng bít' cho SCB
Liên quan vụ án Vạn Thịnh Phát, kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an chỉ rõ, hàng loạt cựu cán bộ thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có những sai phạm nên bị đề nghị truy tố với những tội danh khác nhau.
Cụ thể, theo Kết luận điều tra vụ án, trong số 86 bị can của vụ án có 13 bị can từng là cán bộ và lãnh đạo đơn vị chuyên môn thuộc NHNN bị đề nghị truy tố. Trong đó bị can Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) bị đề nghị truy tố về tội “Nhận hối lộ”.
Tiếp đến là 11 bị can thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) và NHNN Chi nhánh TP. HCM bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công”. Riêng bị can Nguyễn Văn Du (cựu Quyền Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN) bị đề nghị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ
Nhóm cựu cán bộ NHNN trên hầu hết bị cáo buộc đã có các sai phạm, vi phạm nghiêm trọng, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất từ Ngân hàng SCB để bao che, bưng bít, báo cáo không trung thực, không đầy đủ về kết quả thanh tra đối với ngân hàng do Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) thao túng cho NHNN.
Theo kết luận điều tra, trong thời gian xây dựng, phê duyệt, triển khai Kế hoạch tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 - 2019, NHNN đã chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (TTGSNH) triển khai 3 Đoàn thanh tra tiến hành hoạt động thanh tra đối với Ngân hàng SCB.
Trong đó, Đoàn thanh tra liên ngành năm 2017 - 2018 có phạm vi, nội dung thanh tra toàn diện đối với SCB nhằm đánh giá đúng tình hình, thực trạng tín dụng, nợ xấu, cơ cấu nợ của tổ chức tín dụng, tình trạng sở hữu cổ phần, kiểm soát, điều hành tại SCB. Việc này sẽ là cơ sở, căn cứ để Chính phủ và NHNN có các giải pháp, biện pháp xử lý hợp lý.
Tuy nhiên, quá trình thanh tra tại SCB, các cá nhân là lãnh đạo Cơ quan TTGSNH, trưởng đoàn, phó trưởng đoàn và các thành viên Đoàn thanh tra không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, nhận tiền, quà, lợi ích vật chất để bao che, bưng bít các sai phạm tại SCB, báo cáo không trung thực, không đầy đủ kết quả thanh tra.
Hành vi của hành loạt cựu cán bộ NHNN nêu trên đã khiến NHNN không có đủ thông tin, tài liệu phục vụ tham mưu, chỉ đạo xử lý các sai phạm của SCB, đồng thời ngăn chặn hành vi phạm tội của bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan và đồng phạm.
Kết quả điều tra cho thấy, quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã nhiều lần nhận tiền, quà và lợi ích vật chất từ SCB. Trưởng đoàn thanh tra Đỗ Thị Nhàn bị xác định đã nhận hối lộ số tiền đặc biệt lớn lên đến 5,2 triệu USD.
Tương tự, bị can Nguyễn Văn Hưng (cựu Phó Chánh Thanh tra phụ trách Cơ quan TTGSNH) nhiều lần nhận quà là tiền từ lãnh đạo SCB với tổng cộng 390.000 USD (tương đương hơn 8,7 tỉ đồng). Bị can Nguyễn Thị Phụng (cựu Phó Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Trưởng đoàn thanh tra) khai, nhiều lần nhận tổng số 20.000 USD và 210 triệu đồng, 1 đồng hồ, 1 túi xách và 1 chiếc khăn.
Bị can Vương Đỗ Anh Tuấn (cựu Trưởng phòng Thanh tra, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II, Tổ trưởng tổ thanh tra số 3) thừa nhận 4 lần nhận tổng cộng 40.000 USD. Quá trình tham gia Đoàn Thanh tra thanh tra SCB, bị can Lê Thanh Hà (Tổ trưởng tổ thanh tra số 5, cực Phó Chánh thanh tra Kiểm toán Nhà nước) cũng 5 lần nhận tổng cộng 14.000 USD và 100 triệu đồng….
Ngăn chặn báo cáo về sự “bê bết” của SCB
Quá trình điều tra vụ án, Cơ quan CSĐT làm rõ, theo quy định pháp luật và quy định của NHNN, có 4 biện pháp trong công tác giám sát ngân hàng như: giám sát an toàn vi mô, giám sát qua báo cáo, tiếp xúc trực tiếp với đối tượng giám sát và kiểm tra, thanh tra theo định kỳ hoặc đột xuất khi cần thiết.
Tuy nhiên, từ năm 2016 đến 9-2022, Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II và NHNN Chi nhánh TP. HCM đã không triển khai quyết liệt biện pháp kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất đối với Ngân hàng SCB theo chức năng, nhiệm vụ mà chỉ triển khai biện pháp giám sát an toàn vi mô theo quy định của pháp luật và biện pháp giám sát qua báo cáo của chính SCB.
Trong quá trình giám sát từ năm 2016-2022, Tổ giám sát đã có trên 70 lượt văn bản báo cáo, đề xuất lãnh đạo các cấp về việc kiểm tra, thanh tra SCB, đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện, kiểm soát đặc biệt nhưng không được lãnh đạo Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP. HCM (cơ quan được NHNN giao chủ trì công tác giám sát) chấp thuận vì nhiều lý do khác nhau.
Thậm chí, các bị can Nguyễn Thị Phi Loan, Nguyễn Văn Dũng, Võ Văn Thuần, Phan Tấn Trung và Nguyễn Tín với vai trò là lãnh đạo Thanh tra NHNN phụ trách Cơ quan Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP. HCM và Thanh tra, giám sát NHNN Chi nhánh TP. HCM đã ngăn chặn, cản trở việc báo cáo hoặc báo cáo không trung thực các hành vi sai phạm và thực trạng tài chính bê bết của Ngân hàng SCB; không kiến nghị NHNN đưa SCB vào diện kiểm soát toàn diện để kịp thời xử lý các sai phạm.
Kết luận điều tra vụ án cho thấy, quá trình thực hiện chỉ đạo, thực hiện công tác thanh tra, giám sát đối với SCB, nhóm bị can thuộc NHNN đã nhận từ nhóm bị can Trương Mỹ Lan - Ngân hàng SCB số tiền từ 470 triệu đồng đến 1,8 tỉ đồng, ngoại trừ bị can Nguyễn Văn Du.