Vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Hàng tỉ USD được chuyển qua biên giới ra sao?

Bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo việc chuyển tiền qua biên giới.

Trong vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 2), Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị truy tố bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát và 33 bị can về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển tiền trái phép qua biên giới.

Trong đó, bà Trương Mỹ Lan đã bị cáo buộc là đối tượng chủ mưu, cầm đầu chỉ đạo các bị can, đối tượng liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Cụ thể, bà Trương Mỹ Lan và các bị can đã thành lập các công ty “ma”, không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế, thuê người đứng tên thành lập công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu ... phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn.

CQĐT thu thập được danh sách gồm 1.470 công ty và gần 1.800 cá nhân đứng tên để thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu chứng từ.

Trong đó, có 21 công ty liên quan đến hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài như: Công ty Golden Hill, Công ty Blue Pearl, Công ty VinaLand Việt Nam, Công ty CapitalLand Tower…

Nhiều công ty được thành lập ở nước ngoài, có trụ sở tại Quần đảo Virgin thuộc Vương quốc Anh.

Các công ty này được bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm sử dụng để thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định pháp luật.

Hoạt động chuyển tiền ra nước ngoài của bà Trương Mỹ Lan và các bị can khác kéo dài trong 10 năm, từ 2012-2022. Có 21 công ty thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát thực hiện các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và nhận tiền từ nước ngoài chuyển về Việt Nam.

Tổng số tiền được vận chuyển trái phép qua biên giới là 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng, trong đó tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỉ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỉ USD.

Dưới sự chỉ đạo của bà Trương Mỹ Lan, các đối tượng thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã câu kết với các nhân viên Ngân hàng SCB thực hiện việc chuyển tiền quốc tế. Để có căn cứ chuyển tiền, các đối tượng lập 3 dạng hợp đồng gồm: các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng cổ phần, vốn góp; các hợp đồng vay tiền, hợp đồng tư vấn giữa các công ty ở Việt Nam và công ty ở nước ngoài.

Các hợp đồng này đều là hợp đồng khống, nhằm hợp thức việc chuyển tiền, các công ty chuyển tiền, nhận tiền đều là công ty “ma”, không có bộ máy nhân sự, không có hoạt động thực tế.

Việc chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài được thực hiện tại 3 chi nhánh của Ngân hàng SCB gồm Sài Gòn, Cống Quỳnh và Bến Thành.

Các thủ tục chuyển tiền ra nước ngoài không đủ điều kiện như thiếu văn bản xác nhận về việc công ty nước ngoài sở hữu cổ phần theo hợp đồng, chứng nhận hợp pháp hóa lãnh sự của người đại diện công ty nước ngoài đứng ra ký hợp đồng, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để thể hiện việc nhượng đã hoàn tất, chứng từ thể hiện công ty ở nước ngoài đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ thuế, thiếu thông tin về mục đích chuyển tiền.

Trường hợp thiếu các điều kiện này thì giao dịch sẽ bị hệ thống tự động khóa. Tuy nhiên, các đối tượng có thẩm quyền ở Ngân hàng SCB vẫn duyệt mở khóa trên hệ thống để hoàn tất việc chuyển tiền quốc tế.

Tại Ngân hàng SCB, một số đối tượng có thẩm quyền như bị can Trương Khánh Hoàng (cựu Phó Tổng giám đốc, quyền Tổng giám đốc), bị can Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc), Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch) đã ký duyệt nhiều lệnh chuyển tiền ra nước ngoài cho các công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Các giao dịch chuyển tiền này đều không đủ điều kiện theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, các bị can vẫn duyệt cho chuyển tiền. Trong đó, bị can Trương Khánh Hoàng là người đã duyệt mở khóa hệ thống để hạch toán 106 giao dịch chuyển tiền.

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/vu-van-thinh-phat-giai-doan-2-hang-ti-usd-duoc-chuyen-qua-bien-gioi-ra-sao-post794410.html