Vụ việc khởi kiện bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương chỉ đạt 0,0016%

Theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ ngày 01/01/2005 đến 30/12/2023, số vụ việc mà các cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương là 86 vụ việc/5.548.748 vụ việc, chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 0,0016%.

 Ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phát biểu

Ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, phát biểu

Gần 20 năm, chỉ khởi kiện được 86 vụ để bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 19/5, Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Dự thảo Nghị quyết này dự kiến có hiệu lực thi hành từ 1/1/2026 và được thực hiện trong 03 năm tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Đắk Lắk.

Ông Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, cho biết: tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, việc bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công thông qua việc khởi kiện vụ án dân sự được giao cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân; cụ thể:

Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội LHPN Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Bên cạnh đó, tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật; Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Hoặc cá nhân có quyền khởi kiện vụ án hôn nhân và gia đình để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người khác theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.

Theo ông Nguyễn Huy Tiến, thực tiễn thời gian qua các cơ quan, tổ chức, cá nhân chưa thực hiện, thực hiện chưa đầy đủ hoặc chưa hiệu quả trách nhiệm của mình dẫn đến lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ hiệu quả.

Trong đó, theo thống kê của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, từ ngày 01/01/2005 đến 30/12/2023, số vụ việc mà các cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương là 86 vụ việc/5.548.748 vụ việc, chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ đạt 0,0016%.

Toàn cảnh nghị trường

Toàn cảnh nghị trường

Thực trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do các cơ quan, tổ chức không đủ nguồn lực, năng lực, kinh nghiệm để tham gia tố tụng; pháp luật chưa quy định về cơ chế bảo đảm cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quyền khởi kiện vụ án dân sự trong các trường hợp này.

Theo đó, việc thực hiện thí điểm Viện kiểm sát nhân dân khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công khi không có người khởi kiện nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay.

Bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương là người dân tộc thiểu số

Dự thảo Nghị quyết gồm 4 Chương, 19 Điều, quy định việc xác minh thông tin và thu thập chứng cứ của vụ án dân sự công ích; Khởi kiện, thụ lý, giải quyết vụ án dân sự công ích...

Thẩm tra nội dung này, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, bày tỏ đồng tình phạm vi của dự thảo Nghị quyết này với 06 nhóm dễ bị tổn thương và 04 lĩnh vực lợi ích công thuộc diện được Viện kiểm sát nhân dân thí điểm khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự và lợi ích công.

Trong đó, 6 nhóm dễ bị tổn thương gồm: Trẻ em; Người cao tuổi; Người khuyết tật; Phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; người mất năng lực hành vi dân sự; Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Tuy nhiên, các nhóm dễ bị tổn thương và lĩnh vực lợi ích công nêu trên đang được quy định tại nhiều luật khác nhau. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ nhằm bảo đảm sự thống nhất trong áp dụng chính sách bảo vệ.

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, phát biểu

Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, phát biểu

Đặc biệt, đối với nhóm dễ bị tổn thương, tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết quy định: "Người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của pháp luật".

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, việc khởi kiện vụ án dân sự công ích nhằm bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương là người dân tộc thiểu số về bản chất cũng là chính sách hỗ trợ pháp lý nhưng ở mức độ cao hơn, trong đó, cơ quan nhà nước trực tiếp khởi kiện vụ án dân sự nhằm bảo vệ quyền dân sự của họ.

Tuy nhiên, theo Luật Trợ giúp pháp lý thì đối tượng được trợ giúp pháp lý trong trường hợp này là "người dân tộc thiểu số cư trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn", hẹp hơn so với phạm vi quy định tại điểm e khoản 2 Điều 3 của dự thảo Nghị quyết. Vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh quy định này bảo đảm sự thống nhất trong chính sách hỗ trợ pháp lý cho cùng đối tượng.

PVH

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/vu-viec-khoi-kien-bao-ve-loi-ich-cong-va-nhom-de-bi-ton-thuong-chi-dat-00016-20250519152850189.htm