Vụ việc thí sinh bị điểm 0 môn tiếng Anh: Khi trách nhiệm bị 'ngủ quên'?
Câu chuyện của em học sinh tại tỉnh Cà Mau ngủ quên trong môn thi tiếng Anh dẫn tới bị 0 điểm và trượt tốt nghiệp THPT do một phần lỗi của thí sinh này.
Nhưng việc giám thị không kiểm tra tình trạng sức khỏe của em và không nhắc nhở thì trách nhiệm của người thầy giáo mới là chuyện đáng bàn. Rất nhiều bạn đọc bức xúc khi báo chí phản ánh câu chuyện này. Câu hỏi được đặt ra, liệu trách nhiệm của người thầy có bị “ngủ quên”?
0 điểm vì ngủ quên
Cứ đến mùa thi, hầu hết các học sinh sẽ bị áp lực về tâm lý. Thức khuya, dậy sớm ôn luyện là chuyện rất đổi bình thường. Thậm chí nhiều em thức trắng đêm ôn luyện nhằm mong có được kết quả thi như ý nguyện. Vì thế, chuyện mệt mỏi, căng thẳng, kiệt sức hoặc buồn ngủ rất dễ xảy ra với hầu hết các em trong mùa thi cử.
Và có lẽ em H.N.T, học sinh Trường THPT chuyên Phan Ngọc Hiển (phường 1, TP. Cà Mau) cũng rơi vào tình trạng như thế, khi liên tiếp trong nhiều ngày em dày công ôn luyện để có kết quả tốt. Thế nhưng, vì một phút không làm chủ được cơn buồn ngủ, em đã ngủ quên trong giờ thi môn tiếng Anh – kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 và đã nhận về kết quả đáng tiếc, đó là 0 điểm cho môn này. Nhìn bảng điểm thi tốt nghiệp của em, hầu như ai cũng buồn thay. Tổng điểm là 50,22 điểm, với các môn như, toán 8,8 điểm, ngữ văn 7,75 điểm, vật lý 9,5 điểm, hóa học 9 điểm, sinh học 6,75 điểm… nhưng T vẫn bị trượt tốt nghiệp vì có bài thi tiếng Anh dính điểm liệt. Điều này cũng đồng nghĩa với việc T không được theo học bất kỳ trường trung cấp, cao đẳng hay đại học nào. Tương lai của em, đành gác đợi lại vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm sau.
Chia sẻ trên các mặt báo, T cho biết: Sau khi nhận đề, em đã làm nháp vào tờ đề thi sau khoảng 15 phút thì em đã làm được khoảng hơn 40 câu… Do mệt vì trước đó thức khuya ôn luyện nên em đã gục xuống bàn và ngủ không hay biết. Đến khi nghe giám thị kêu nộp bài em mới tỉnh dậy và không kịp điền vào tờ trả lời trắc nghiệm. Mặc dù đã xin giám thị cho vài phút để điền đáp án nhưng không được đồng ý.
Được biết, T là học sinh giỏi và nằm trong đội tuyển môn vật lý của trường. Với học lực của T, chắc chắn nếu không vì ngủ quên em sẽ dễ dàng vượt qua kỳ thi tốt nghiệp và đậu đại học.
Giám thị đã làm đúng trách nhiệm?
Sau khi báo chí thông tin, đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của độc giả. “Điều đáng buồn là thí sinh T chưa biết sắp xếp thời gian để có thể vừa ôn tập, vừa nghỉ ngơi sao cho hợp lý. Cận kề ngày thi mà cứ vùi vào học ngày học đêm dẫn đến sức khỏe bị ảnh hưởng. Nên không phải cứ học nhồi nhét, học nhiều là có hiệu quả. Đây cũng là bài học cho nhiều thí sinh”, một độc giả chia sẻ.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều độc giả bức xúc. Hàng loạt câu hỏi, liệu giám thị coi thi đã làm hết trách nhiệm của mình đối với thí sinh hay chưa? Liệu có nên quá cứng nhắc đến mức độ không làm gì để trở thành vô cảm? Khẩu hiệu “Tất cả vì học sinh thân yêu” đã không còn đúng trong trường hợp này?”
Từng có nhiều năm kinh nghiệm làm điểm trưởng điểm thi tốt nghiệp THPT, ông Lương Văn Hà (Hiệu trưởng Trường Nguyễn Văn Linh, huyện Hàm Thuận Bắc) cho rằng, giám thị coi thi tại phòng thi của em T không sai quy chế thi nhưng đã không làm hết trách nhiệm của mình. "Trong phòng thi, các giám thị coi thi phải nhìn bao quát phòng thi để các thí sinh có thể làm một cách nghiêm túc nhất, tránh xảy ra tình trạng tiêu cực trong phòng thi. Với những thí sinh có biểu hiện lạ, hay tình huống đặc biệt thì cần phải có hướng xử lý kịp thời. Đối với trường hợp thí sinh gục đầu trên bàn thi có thể có nhiều lý do, chẳng hạn như sử dụng tài liệu, ngủ, bị bệnh hay nhiều khi là những trường hợp xấu hơn… Chính vì thế, giám thị coi thi không thể ngồi nhìn thí sinh ngủ trong một khoảng thời gian dài”, ông Hà chia sẻ.
Cũng theo ông Hà, những trường hợp như thế này, giám thị coi thi có thể lay nhẹ cái tay, vỗ nhẹ vào vai, gõ bàn nơi thí sinh ngồi để giúp em tỉnh dậy. Những việc làm trên không hề vi phạm quy chế thi. Còn nếu khi đã thực hiện những động tác trên nhưng em vẫn thiếp đi thì cán bộ coi thi phải báo ngay với cán bộ ngoài phòng thi để trưởng điểm thi xử lý. Đó là trách nhiệm của cán bộ coi thi.
Có thể nói, trường hợp trên là sự việc đáng tiếc, là bài học cảnh báo cho tất cả các thí sinh trước khi chuẩn bị bước vào một kỳ thi quan trọng. Trường hợp trên, cũng là bài học kinh nghiệm cho các thầy, cô, những người nhận nhiệm vụ “giám thị coi thi” dù đã làm đúng nhiệm vụ nhưng đã làm hết lương tâm, trách nhiệm của một người thầy hay chưa?.
Bởi thực tế trước, trong kỳ thi sẽ xảy ra muôn vàn tình huống và giám thị phải bình tĩnh để có phương án xử lý tốt nhất nhằm đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Và trong trường hợp trên, nếu giám thị xử lý linh hoạt, xin ý kiến chỉ đạo, giải quyết tình huống thì có lẽ quyền lợi của thí sinh T sẽ được đảm bảo.