Vụ 'Xã cắt xén tiền giao khoán bảo vệ rừng' tại Huế: Kỷ luật Chủ tịch xã và 2 cán bộ
3 cán bộ UBND xã Hồng Thủy bị kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền gồm: ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã; bà Hồ Thị Hanh, kế toán UBND xã và ông Ái Quốc Pơ Lin, cán bộ địa chính xã.
Liên quan đến vụ Xã cắt xén tiền của hộ được giao khoán bảo vệ rừng xảy ra tại xã Hồng Thủy (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế), sáng 24/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, Hội đồng kỷ luật huyện vừa có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với 3 cán bộ UBND xã Hồng Thủy do sử dụng sai mục đích số tiền bảo vệ rừng theo Nghị định 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ “Về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2020” (gọi tắt Nghị định 75).
Theo đó, 3 cán bộ UBND xã Hồng Thủy bị kỷ luật cảnh cáo về mặt chính quyền gồm: ông A Kơ Tiến, Chủ tịch UBND xã; bà Hồ Thị Hanh, kế toán UBND xã và ông Ái Quốc Pơ Lin, cán bộ địa chính xã.
Thời gian qua, một số khu vực rừng được giao khoán cho các nhóm hộ ở xã Hồng Thủy bảo vệ bị "lâm tặc" đốn hạ lấy gỗ.
Trước đó, Báo CAND Online đã có bài phản ánh, trong năm 2020, có khoảng 5.000 ha rừng ở xã Hồng Thủy, huyện A Lưới được giao khoán cho 20 nhóm cộng đồng là người ở địa phương bảo vệ.
Theo Nghị định 75 của Chính phủ, người dân nhận giao khoán bảo vệ rừng sẽ được hưởng 400 nghìn đồng/ha/năm. Nguồn ngân sách Trung ương được đưa về địa phương và chính quyền xã sẽ chủ động hợp đồng, chi trả cho các nhóm hộ bảo vệ rừng.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhóm cộng đồng bảo vệ rừng ở xã Hồng Thủy không được nhận đủ số tiền giao khoán bảo vệ rừng năm 2020 theo quy định của Nghị định 75.
Nhóm hộ Trần Văn Núi chỉ nhận được 50% số tiền khoán bảo vệ rừng so với tổng số tiền trong danh sách do UBND xã Hồng Thủy lập.
Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy A Kơ Tiến lý giải, trong năm 2018, xã có xây dựng hội trường họp với tổng kinh phí 1,8 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn đối ứng của địa phương khoảng 300 triệu đồng nhưng xã không có kinh phí đối ứng cho nhà thầu nên các nhóm hộ bảo vệ rừng của xã đã “tự nguyện” trích phần tiền được hưởng trong bảo vệ rừng cho xã để chi trả khoản nợ trên.
Ông Tiến còn cho biết, hiện số tiền hơn 200 triệu đồng được xã Hồng Thủy trích lại của các nhóm bảo vệ rừng vẫn đang do thủ quỹ xã quản lý, chưa chi trả cho nhà thầu.
Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc các nhóm hộ ở xã Hồng Thủy bị cắt xén tiền giao khoán bảo vệ rừng, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn làm rõ. Qua đó xác định, số tiền mà UBND xã Hồng Thủy trích lại của các nhóm hộ bảo vệ rừng là hơn 182 triệu đồng.