'Vua chiến trường' theo chân quân giải phóng

Tại Sở chỉ huy của Trung đoàn Pháo binh Bông Lau, sau ba ngày tấn công hỏa lực vào căn cứ 241 và trại biệt kích Mai Lộc, nơi đồn trú của lữ đoàn thủy quân lục chiến 147 ngụy, là một chiến sĩ tác xạ kế toán của trung đoàn, tôi được chứng kiến cuộc đàm thoại giữa Trung tá ngụy Phạm Văn Đính và thủ trưởng của tôi là Trung tá Nguyễn Cao Sơn trưa ngày 2/4/1972. Một giọng Huế gấp gáp: 'Tôi, Trung tá Phạm Văn Đính, Chỉ huy trưởng Trung đoàn 56 tại căn cứ Tân Lâm (Carroll) xin gặp người chỉ huy cao nhất của Pháo binh Bông Lau. Chúng tôi không đề kháng nữa, xin ngừng bắn một giờ để đưa toàn bộ đơn vị ra với cách mạng'. Ông Nguyễn Cao Sơn cũng thật bất ngờ.

 Màu xanh trên căn cứ 241 năm xưa, nay là thôn Tân Phú, xã Cam Thành, Cam Lộ - Ảnh: PV

Màu xanh trên căn cứ 241 năm xưa, nay là thôn Tân Phú, xã Cam Thành, Cam Lộ - Ảnh: PV

Cuộc đời chiến đấu của ông Nguyễn Cao Sơn đã từng trải ở mặt trận Điện Biên Phủ. Khi đó ông làm đại đội trưởng tên lửa Hát Xít của Trung đoàn 38 pháo binh, Đại đoàn 308, đã bắn vào cầu Mường Thanh chặn sự rút lui của địch. “Rồng lửa” đã thiêu cháy cả con người và tinh thần chiến đấu của quân đội Pháp. Ông cùng tuổi với cha tôi, sinh năm 1925, con người mắt sâu, râu đậm trông thật oai phong. Cánh lính chúng tôi rất sợ. Năm 1967, trung đoàn tách khỏi Sư đoàn 308 về Bộ Tư lệnh Pháo binh. Năm 1970, bước vào chiến đấu, Trung tá Nguyễn Cao Sơn sau thời gian đào tạo ở Liên Xô về làm Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh 38 (đơn vị trọng pháo hạng nặng của Bộ), lấy tên là Bông Lau. Con người được đào tạo chính quy, giờ giấc kỷ luật rất nghiêm khắc.

Nghe thấy địch xin đầu hàng cả trung đoàn, cuộc đời chiến đấu ông chưa bao giờ có tình huống như vậy, sợ kẻ địch giả hàng để chạy trốn. Ông phải hội ý chỉ huy trung đoàn gồm: Chính ủy, Trung tá Trương Linh Huyên; Phó Chính ủy, Thiếu tá Chu Sĩ Tính; Chủ nhiệm chính trị, Thiếu tá Đỗ Son và báo cáo chỉ huy Sư đoàn Bộ binh 304 Đại tá Hoàng Đan.

Ông thận trọng cầm tổ hợp máy Thông tin 2W P108 trao đổi với Trung tá Phạm Văn Đính: “Tôi là chỉ huy đoàn Bông Lau đang nói chuyện với anh đây. Các anh chỉ có một con đường đầu hàng, nếu không đêm nay Sư đoàn 304 cùng đoàn Bông Lau sẽ tấn công san phẳng căn cứ 241. Chúng tôi hoan nghênh các anh về với cách mạng, yêu cầu tuân thủ các quy định sau: Thứ nhất: Kéo cờ trắng lên. Thứ hai: Bắt hai cố vấn Mỹ cùng ra hàng. Thứ ba: Để nguyên phương tiện chiến đấu tại chỗ, cả chỉ huy lẫn binh sĩ ra khỏi hầm, xếp hàng đôi, đi theo con đường duy nhất tới Đầu Mầu sẽ có người ra đón. Tôi cho ngừng bắn 45 phút”.

Thời gian thật là gấp gáp nhưng bản lĩnh của người chỉ huy dày dặn kinh nghiệm, ông đã xử lý ngay ba việc: Một là lệnh cho toàn Trung đoàn Bông Lau chú ý mục tiêu căn cứ 241: 10 phát - nạp đạn! Sẵn sàng hỏa lực khi kẻ địch trá hàng chạy trốn. Hai là điện xuống Đại đội 8 lấy một xe do Trung úy Phạm Văn Giáp, trợ lý cán bộ trung đoàn, chỉ huy đi đón hàng binh. Ba là điện cho Thiếu tá Trần Thông trên đài chỉ huy Sao Hôm vào căn cứ 241 lấy ba thứ: Máy thông tin PRC125 liên lạc xin hàng, tấm bản đồ tác chiến và khẩu súng ngắn của Trung tá Đính (các hiện vật này sau được lưu giữ tại Bảo tàng quân sự).

Nhờ chiến công hy hữu bức hàng cả trung đoàn, chúng tôi, những cựu chiến binh đoàn Bông Lau được về Thủ đô dự lễ “Đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho Trung đoàn Pháo binh 38 Bông Lau” ngày 25/4/2015. Buổi lễ diễn ra thật hoành tráng. Tôi gặp lại nhiều đồng chí, đồng đội thân yêu. Đặc biệt là lái xe Lương Minh Nghĩa, con người chắc khỏe, nước da ngăm đen, sau khi ra quân anh trở thành một lão nông tri điền.

Anh vui vẻ kể câu chuyện nhận nhiệm vụ tiếp nhận hàng binh và vũ khí cách đây 43 năm về trước: “Tôi được lệnh nạp đầy lượng dầu diezen cho xe xích kéo pháo ATS của mình. Trên xe có Thiếu úy Mạo, đại đội phó chỉ huy cùng 7 chiến sĩ pháo thủ đem theo vũ khí trang bị và lương thực thực phẩm trong 7 ngày. Xe vừa khởi động kiểm tra máy thì thấy 3 cán bộ của trung đoàn xuống đến nơi có anh Giáp, anh Đồng và anh Thắng nhà báo. Anh Giáp nhận ra tôi liền gọi “Nghĩa đen”, chiến sĩ nuôi quân ở Trường Sĩ quan Pháo binh năm xưa khi anh còn học ở đó. Nay gặp lại tay bắt mặt mừng. Sau vài phút kiểm tra quân số, trang bị, anh Giáp lệnh cho xuất phát. Lúc đó khoảng 3 giờ chiều, anh nói: “Cho xe ra đường 9, rẽ trái đi xuống Đầu Mầu”. Tôi nói: “Em biết rất rõ đường vì em đã kéo pháo từ đường 9 vào chiếm lĩnh trận địa. Song phải đi tắt thì nhanh hơn. Cứ theo đường tăng này chạy đến đường quân sự làm gấp là ra tới đường 9”.

Xe chạy khoảng 5 km, chúng tôi gặp một tổ công binh ra hiệu xe dừng lại báo có mìn. Bộ phận công binh đang dò tìm và tháo gỡ, nhưng vì thời gian gấp, nếu quay lại đường cũ sẽ không kịp, nên anh em quyết định hành tiến. Thật không may, đúng như lời anh em công binh báo. Xe chạy thêm khoảng 2 km nữa, một tiếng nổ đinh tai, xe bị hất lên quay ngoắt sang trái, rồi lao xuống vực. May có một cây to nên khựng lại. Anh Giáp hét lên: “Có ai bị thương không?”.

Sau mấy giây hoảng hồn, kiểm tra lại các trang bị vũ khí, không ai việc gì, chỉ có một pháo thủ bị cành cây đập vào, bị thương nhẹ. Anh Đồng bị xe hất đập đầu vào nóc cabin xây xát nhẹ, hơi choáng váng. Anh Giáp báo cáo về trung đoàn địa điểm xe bị mìn. Lập tức, trung đoàn điện cho chúng tôi bỏ lại xe, sẽ có lực lượng khắc phục kéo về, khẩn trương đi bộ để kịp tiếp nhận hàng binh. Do được rèn luyện và trang bị gọn nhẹ, chúng tôi đi khá nhanh. Chỉ khoảng 30 phút đã ra đến đường 9.

Trước mắt chúng tôi là một thung lũng khá bằng phẳng, đoạn đường 9 này khá thẳng, có tầm nhìn khoảng 3 km. Chúng tôi nhìn rõ đoàn hàng binh nối nhau đi thẳng về phía chúng tôi. Anh Giáp, anh Đồng và anh Mạo vượt lên phía trước đội hình, khoảng 20 phút đã gặp đoàn hàng binh.

Anh Giáp ra hiệu cho họ dừng lại và nói: “Chúng tôi là cán bộ, chiến sĩ của đoàn Pháo binh Bông Lau đến tiếp nhận và hoan nghênh sĩ quan và binh lính Trung đoàn 56 đã ra hàng quân giải phóng”. Anh Giáp vừa dứt lời, từ trong hàng quân một người to cao, trẻ đẹp, rất thư sinh bước lên báo cáo: “Tôi là Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 bộ binh”. Nói xong, Đính chỉ tay vào một người đứng sau, da ngăm ngăm, thấp béo, nói: “Đây là Trung tá Vĩnh Phong, Phó Trung đoàn trưởng. Chúng tôi có 365 sĩ quan và binh sĩ trung đoàn xin ra hàng quân giải phóng”.

Anh Giáp gật đầu ra hiệu cho tất cả mọi người ngồi xuống vạt cỏ cạnh đường và giới thiệu anh Đồng là cán bộ mặt trận phổ biến chính sách của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Anh Giáp và anh Mạo được lệnh chỉ huy nhóm chúng tôi lên căn cứ 241 tiếp nhận vũ khí. Trước khi đi, anh Giáp hỏi đoàn hàng binh: “Ai là lái xe, ai là pháo thủ giơ tay?”. Hàng chục cánh tay giơ lên. Anh Giáp hỏi từng người và chọn một khẩu đội trưởng pháo 175 ly, một pháo thủ 155 ly, một pháo thủ 105 ly, đang cần một lái xe pháo tự hành 175 ly (vua chiến trường). Không có!...

Tôi nói với anh Giáp: “Chỉ cần nổ được máy là tôi có thể lái được”. May có một người lái xe GMC là trung sĩ Hẩu, anh ta nói chơi thân với lái xe “vua chiến trường”, không lái được nhưng anh ta nổ được máy. Vậy là anh Giáp chọn thêm anh Hẩu.

Chia tay anh Đồng và anh Thắng cùng nhóm hàng binh, chúng tôi theo anh Giáp và anh Mạo lên tới căn cứ 241 thì trời đã chạng vạng tối. Đến trung tâm căn cứ, chúng tôi phát hiện ra hầm của Phạm Văn Đính vì giường đệm không có ga trải giường. Theo yêu cầu của Trung tá Nguyễn Cao Sơn, ông ta đã sai Trung sĩ Xừng lấy ra làm cờ hàng. Căn hầm khá rộng, có bàn ghế ngồi họp, vòm lợp tôn sóng và ghi sắt, trên xếp bao đất, cát dày hơn 1,5 m. Đêm đó đề phòng máy bay B52 và B57 ném bom nên anh Giáp cho tản ra các hầm để nghỉ đêm. Rất may trên căn cứ 241 tuy phải ăn lương khô nhưng chúng tôi được nằm giường lò xo, ngủ một giấc ngon lành.

Sáng dậy, chúng tôi chia hai nhóm: Nhóm 1: Thu pháo 155 ly và 105 ly do Thiếu úy Mạo chỉ huy. Nhóm 2: Thu pháo 175 ly do Trung úy Giáp chỉ huy. Tôi theo anh Giáp cùng anh Hẩu và anh khẩu đội trưởng pháo 175 ly kiểm tra xem pháo đã ở tư thế hành quân hay chưa. Người hàng binh báo cáo ngay: “Chúng em đã có lệnh thu pháo để rút quân từ hôm trước. Do các anh bắn rát quá nên mới thu được 3 khẩu”.

Tôi và Hẩu trèo lên một khẩu, loay hoay tìm cách nổ máy. Tiếng máy nổ giòn tan, khói đen phụt ra. Anh Giáp ra lệnh cho tôi cài số tiến, lùi hai ba lần, phá tan công sự vọt ra ngoài. Tôi khoái chí không ngờ thằng Nghĩa đen, chiến sĩ nuôi quân này có ngày được ngồi lái khẩu “vua chiến trường”, đưa được khối thép mấy chục tấn ra khỏi công sự. Sau vài phút bỡ ngỡ, tôi thấy lái nó còn dễ hơn cả lái xe xích kéo pháo bởi tay lái hình chữ T có trợ lực nên lái rất nhẹ.

9 giờ 30 phút ngày 3/4/1972, khẩu pháo tự hành 175 ly đầu tiên rời khỏi căn cứ, chạy thẳng đến cầu Đầu Mầu. Do cầu bị đánh sập, tôi lái xuống ngầm chạy khoảng 3 km rẽ vào con suối cạn có cây um tùm cất giấu và ngụy trang cẩn thận. Buổi chiều, tôi lại lái được khẩu thứ hai đến vị trí cất giấu. Đêm 3/4/1972, chúng tôi không nằm giường lò xo ở căn cứ 241 mà trải tăng võng, lót lá dưới gầm hai khẩu pháo “vua chiến trường”. Chúng đã thành lô cốt thép bảo vệ cho chiến sĩ quân giải phóng.

Sáng ngày 4/4/1972, tôi đưa nốt khẩu pháo tự hành 175 ly thứ ba đi cất giấu. Còn anh Mạo và các pháo thủ đã thu được 6 khẩu 155 ly và 105 ly cùng 600 viên đạn trang bị cho Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 38 Bông Lau tiếp tục dùng pháo địch đánh địch".

Hôm nay gặp lại nhau, tôi rất khâm phục tinh thần chiến đấu của người đồng đội, nhất là khi toàn đơn vị được vượt vĩ tuyến 17 ra Bắc an dưỡng thì lái xe Lương Minh Nghĩa được lệnh quay lại chỗ giấu pháo để lái “vua chiến trường” ra miền Bắc. Phải đi đêm dưới hỏa lực lùng sục của máy bay trinh sát Mỹ. Chúng muốn phá hủy các “vua chiến trường”, không cho theo chân quân giải phóng, nhưng đã thất bại vì trí thông minh và lòng quả cảm của những chiến sĩ lái xe của đoàn Bông Lau anh hùng. Họ đã biến “vua chiến trường” thành “người bạn đường” thân thiết của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Nguyễn Chiến Thắng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=166736&title=vua-chien-truong-theo-chan-quan-giai-phong