'Vua dầu mỏ' và hành trình bắt nhịp làn sóng xe điện
Xe điện (EV) đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu - nhưng không phải ở đâu cũng như nhau, đặc biệt tại những quốc gia giàu dầu mỏ như Ả Rập Xê-út.

Một mẫu xe điện tại triển lãm xe ở Ả Rập Xê-út. Ảnh AFP
Tại Ả Rập Xê-út, xe điện mới chỉ chiếm hơn 1% tổng lượng xe bán ra, theo báo cáo “Triển vọng eMobility 2024 - Phiên bản KSA” do PwC công bố vào tháng 9/2024. Trong khi đó, trên thế giới, khoảng 18% số xe bán trong năm 2023 là xe điện, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Tại quốc gia vùng Vịnh này, việc đưa xe điện vào sử dụng vẫn gặp nhiều rào cản - nhưng tình hình đang thay đổi nhanh chóng.
Công ty Hạ tầng Xe điện (EVIQ) đang đóng vai trò chủ chốt trong quá trình chuyển đổi. EVIQ là liên doanh được thành lập cuối năm 2023 giữa Quỹ Đầu tư Công (PIF) của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Ả Rập Xê-út.
Theo báo cáo của PwC, đến cuối năm 2023, cả nước có khoảng 285 điểm sạc công cộng, chủ yếu là trạm sạc chậm. Đến tháng 1/2024, EVIQ đã khai trương trạm sạc nhanh đầu tiên tại thủ đô Riyadh. Mục tiêu của công ty là đến năm 2030 sẽ lắp đặt 5.000 trạm sạc nhanh tại 1.000 địa điểm trên toàn quốc.
“Rất ít người sẵn sàng mua xe điện nếu họ không thấy hạ tầng sạc được triển khai rõ ràng”, ông Mohammad Gazzaz - Giám đốc điều hành EVIQ - chia sẻ với CNN. “Chúng tôi đang mở đường”, ông nói thêm.
Xây dựng cả một hệ sinh thái xe điện
Hiện tại, phần lớn người sử dụng xe điện ở Ả Rập Xê-út là những người có thể sạc xe tại nhà thông qua hộp sạc riêng, theo ông Heiko Seitz - Giám đốc eMobility toàn cầu của PwC khu vực Trung Đông, đồng tác giả báo cáo.
Việc thiếu trạm sạc chỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến xe điện chưa phổ biến tại đây. Trong năm 2024, hơn 60% mẫu xe điện có giá trên 65.000 USD, trong khi gần 73% xe chạy bằng xăng có giá thấp hơn mức đó. Thêm vào đó, mức trợ giá nhiên liệu mạnh tay, giúp người dân chỉ phải trả khoảng 60 cent cho mỗi lít xăng - rẻ hơn nhiều so với nhiều nước khác.
Một rào cản khác là điều kiện khí hậu khắc nghiệt. Mùa hè ở Ả Rập Xê-út rất nóng, khiến pin xe điện gặp khó khăn, phải tiêu tốn thêm năng lượng để làm mát, từ đó ảnh hưởng đến tốc độ sạc và phạm vi di chuyển. Diện tích quốc gia cũng rất rộng - lớn hơn 1/5 diện tích nước Mỹ - trong khi quãng đường giữa hai thành phố lớn nhất lên tới hơn 950 km, vượt xa phạm vi hoạt động trung bình của phần lớn xe điện hiện nay.
Tuy vậy, Ả Rập Xê-út đang theo đuổi các mục tiêu tham vọng nhằm giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và cắt giảm phát thải khí nhà kính. Tính đến năm 2024, dầu mỏ vẫn chiếm 60% nguồn thu ngân sách và dầu khí chiếm hơn 20% GDP.
Quốc gia này đặt mục tiêu đến năm 2030, 30% số phương tiện lưu thông tại thủ đô Riyadh sẽ là xe điện. Nhưng họ không chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi phương tiện, mà còn hướng tới xây dựng cả một hệ sinh thái công nghiệp xoay quanh xe điện, ông Seitz cho biết.
Theo ông, Ả Rập Xê-út đang xem lĩnh vực eMobility là một công cụ chiến lược để giảm khí thải carbon, đa dạng hóa nền kinh tế và đẩy mạnh khai thác trong nước.
Ả Rập Xê-út đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện
Ả Rập Xê-út đang đặt tham vọng trở thành một trung tâm sản xuất xe điện trong khu vực. Quỹ Đầu tư Công (PIF) hiện là cổ đông lớn nhất của hãng xe điện Mỹ Lucid - hãng này đã khai trương nhà máy lắp ráp đầu tiên tại Ả Rập Xê-út vào năm 2023.
Liên doanh CEER - giữa PIF và công ty Foxconn (Đài Loan) - dự kiến sẽ ra mắt mẫu xe điện đầu tiên sản xuất tại nước này vào năm 2026. Một liên doanh khác giữa PIF và Hyundai cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy tại đây.
Nhiều hãng xe điện lớn đã có mặt tại thị trường Ả Rập Xê-út. BYD (Trung Quốc) mở showroom đầu tiên vào tháng 5/2024, còn Tesla chính thức gia nhập thị trường vào tháng 4 cùng năm.
Theo ông Heiko Seitz, sự xuất hiện của các mẫu xe đến từ Trung Quốc có thể giúp giá xe điện giảm xuống. Trên trang web của BYD tại Ả Rập Xê-út, mẫu Atto 3 hiện có giá khởi điểm khoảng 27.000 USD.
Giảm bớt lo ngại về quãng đường di chuyển
PwC cho biết, hơn 40% người tiêu dùng Ả Rập Xê-út đang cân nhắc mua xe điện trong vòng 3 năm tới.
Hiện nay, công ty hạ tầng xe điện EVIQ đã triển khai trạm sạc tại các thành phố lớn như Riyadh và Jeddah. Tháng 4 vừa qua, họ đưa vào hoạt động trạm sạc đầu tiên trên đường cao tốc. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn đặt nền móng”, ông Mohammad Gazzaz - Giám đốc điều hành EVIQ - cho biết.
Trong năm nay, EVIQ dự kiến mở thêm 50 đến 60 điểm sạc mới, bao gồm cả các thành phố nhỏ hơn như Mecca và Medina. Ông Gazzaz kỳ vọng đến cuối năm 2026, Ả Rập Xê-út sẽ có một “mạng lưới tối thiểu” đáp ứng nhu cầu sạc cơ bản trên cả nước.
“Chúng tôi không chỉ tập trung vào các đô thị lớn, mà còn mở rộng đến các thành phố cấp hai và các tuyến cao tốc chính. Mục tiêu là đáp ứng khoảng 70-80% nhu cầu đi lại trong cả nước vào năm 2026”, ông nói. Khi được hỏi về chi phí cần thiết để hoàn thành kế hoạch này, ông Gazzaz từ chối tiết lộ.
Ông Seitz cho rằng mục tiêu của chính phủ - đưa xe điện chiếm 30% số ô tô tại Riyadh - là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, để xe điện trở thành lựa chọn phổ biến trên cả nước, vẫn cần thêm “một cú hích nữa”.
Một khảo sát công bố hồi tháng 5/2024 của Trung tâm Nghiên cứu Dầu mỏ KAPSARC phối hợp với University College London cho thấy, để thúc đẩy xe điện tại Riyadh, Chính phủ nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ như miễn thuế VAT cho xe điện mới, trợ giá sạc điện và miễn phí lắp đặt bộ sạc tại nhà - ít nhất trong giai đoạn đầu.
Chính phủ cho biết đã triển khai một số chính sách hỗ trợ và ưu đãi cho người mua xe điện.
Theo các chuyên gia, việc xây dựng hệ thống hạ tầng tốt hơn là yếu tố then chốt thúc đẩy sự phát triển của xe điện tại quốc gia này.
“Giá xe điện đang giảm, mẫu mã ngày càng đa dạng, và chính phủ cũng đã gửi đi tín hiệu rõ ràng. Tuy nhiên, lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn là quãng đường di chuyển. Việc thiếu trạm sạc công cộng là điểm yếu lớn nhất và đang được ưu tiên giải quyết”, ông Seitz nói.