'Vua đi cày' trong Lễ hội Tịch Điền đầu năm
Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc.
Sáng 16/2 (tức mùng 7 Tết), Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn - nghi lễ quan trọng đầu năm mới của nghề nông - chính thức khai hội tại xã Đọi Sơn, thị xã Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
Theo đó, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được phục dựng và bắt đầu tổ chức từ năm 2009 đến nay. Lễ hội bắt nguồn từ điển tích trọng nông của vua Lê Đại Hành - vị vua đầu tiên nhà Tiền Lê.
Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông.
Theo lãnh đạo thị xã Duy Tiên, tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024, ngoài màn múa trống, màn múa rồng năm nay phần trang trí khánh tiết cũng có sự thay đổi khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với thực tiễn.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Nam cũng đã phối hợp với UBND thị xã Duy Tiên chỉnh sửa, hoàn thiện nội dung hoạt động hội vào kịch bản. Kịch bản này tiếp tục được Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho ý kiến và trình Bộ VH-TT&DL phê duyệt.
Sau nghi lễ dâng hương lên đàn tế Thần nông, linh vị vua Lê và các vị phúc thần, bô lão Nguyễn Ngọc An (74 tuổi) thực hiện nghi lễ nhập linh khí quân vương, bước xuống đi những sá cày đầu tiên mở hội Tịch điền.
Vị bô lão đi 3 sá cày, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Trương Quốc Huy, 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Vượng và Trần Xuân Dưỡng đi 5 sá cày, lãnh đạo thị xã Duy Tiên, xã Tiên Sơn và các bô lão đi những sá cày tiếp theo trên cánh đồng để mở đầu cho một năm sản xuất mới. Theo sau là đoàn gieo hạt giống bao gồm đỗ xanh, lạc và thóc.
Theo ghi nhận, trong sáng 16/2, hàng nghìn người đã đổ về đi Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn, để đảm bảo công tác an ninh trật tự, lực lượng chức năng đã phân luồng từ xa tránh gây ùm tắc.
Trao đổi với PV VietNamNet, Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa, Trưởng Công an thị xã Duy Tiên cho biết, dự kiến năm nay lễ hội sẽ đông hơn so với các năm trước, nên đã chủ động các phương án đảm bảo cho du khách đi lễ hội.
"Chúng tôi bố trí 100% quân số, phối hợp cùng lực lượng Công an tỉnh thực hiện các chốt cắm để đảm bảo tuyệt đối cho người dân và du khách", Thượng tá Nguyễn Xuân Hòa cho hay.
Sau khi nghi trình cày Tịch điền của các vị đại biểu kết thúc, lần đầu tiên nhân dân và du khách thập phương sẽ có cơ hội tham gia hội thi cày do địa phương tổ chức. Trong không gian lễ hội, Ban tổ chức cũng bố trí nhiều gian hàng phục vụ nhân dân và du khách tham quan, mua sắm các mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP của Hà Nam; tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống trong 3 ngày diễn ra lễ hội (từ mùng 5 - 7 tháng Giêng).
Với ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, là nét đẹp văn hóa trở về nguồn cội, với những nội dung điều chỉnh mới như trên, hy vọng Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn Xuân Giáp Thìn tiếp tục thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương về dự.
Một số hình ảnh ở Lễ hội Tịch Điền 2024
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 14- 16/2/2024 (tức ngày 5-7 tháng Giêng năm Giáp Thìn).
Phần lễ gồm: Lễ cáo yết, lễ rước nước lên Đàn tế, lễ Sái tịnh, lễ cầu an trên chùa Long Đọi Sơn, lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng và kiệu Tổ nghề trống Đọi Tam cùng các nghi lễ tâm linh quan trọng trong Lễ Tịch điền diễn ra đúng ngày mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn...
Về phần hội, năm nay Ban Tổ chức lễ hội đã tổ chức Hội thi vẽ, trang trí trâu; các trò chơi dân gian như: đánh đu, bịt mắt bắt dê, đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, kéo co…; Thi làm bánh dày của các dòng họ làng Đọi Tam; tổ chức giải vật Tịch điền mở rộng năm 2024, thi đấu cờ tướng, bóng chuyền hơi; Trưng bày triển lãm các gian hàng giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiêu biểu của tỉnh Hà Nam và thị xã Duy Tiên…