Vừa được duyệt dự án KCN 6.300 tỷ đồng, mảng bất động sản của Vinaconex (VCG) hiện có gì?
Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG) hiện đang đẩy mạnh triển khai loạt dự án bất động sản khu công nghiệp lẫn dân dụng và nghỉ dưỡng khi lĩnh vực này đem lại biên lợi nhuận gộp cao vượt trội.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 5/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Đông Anh, TP.Hà Nội.
Dự án được thực hiện tại các xã Nguyên Khê, Xuân Nộn, Thụy Lâm, Liên Hà và thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, với tổng diện tích đất là 299,45 ha (giai đoạn 1: 179,1 ha, giai đoạn 2: 120,35 ha) và tổng mức đầu tư là 6.338 tỷ đồng.
Dự án do Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, mã cổ phiếu VCG) làm chủ đầu tư với mức vốn góp là 1.268 tỷ đồng.
Đây là dự án bất động sản khu công nghiệp lớn nhất tính đến thời điểm hiện tại của Vinaconex. Ngoài dự án này, Vinaconex đang quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2, Hà Nội với quy mô 270,8 ha. Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Vinaconex, Khu công nghệ cao Hòa Lạc 2 hiện đạt tỷ lệ lấp đầy 33%. Vinaconex hiện đặt mục tiêu hoàn thiện hạ tầng cơ bản tại khu vực này vào cuối năm 2024; qua đó, thúc đẩy gia tăng tỷ lệ lấp đầy tại đây.
Đối với dự án Cụm công nghiệp Sơn Đông tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội với quy mô 72,5 ha, Vinaconex dự kiến sẽ triển khai dự án này trong quý 4/2024 và đưa vào khai thác giai đoạn 2025 – 2026.
Đáng chú ý, mặc dù chưa đưa vào hoạt động nhưng cụm công nghiệp này đã có 10 công ty, doanh nghiệp và 51 cơ sở sản xuất, cá nhân đã tổ chức đăng ký thuê mua sử dụng đất sản xuất trong cụm công nghiệp với diện tích khoảng trên 40 ha, đạt 100% diện tích đất công nghiệp của dự án (sau khi đã trừ phần đất công nghiệp thuộc Nhà máy Bê tông Sơn Tây). Qua đó, giúp Vinaconex đảm bảo được nguồn tiền khi đưa cụm công nghiệp này vào hoạt động.
Ngoài mảng bất động sản công nghiệp, Vinaconex hiện đang đầu tư đa dạng các phân khúc bất động sản dân dụng (khu dân cư, khu đô thị và chung cư) và bất động sản nghỉ dưỡng nhằm tận dụng lợi thế vốn có trong lĩnh vực xây lắp.
Tại các dự án, Vinaconex vừa đảm nhiệm vai trò chủ đầu tư lẫn nhà thầu, giúp giảm chi phí đấu thầu và chi phí chung của các dự án. Bên cạnh đó, mảng bất động công nghiệp lẫn nhà ở của Vinaconex đang có biên lợi nhuận gộp cao hơn đáng kể so với mức trung bình khoảng 10% của mảng xây dựng.
Hiện quỹ đất phục vụ mục đích nhà ở và dân dụng của doanh nghiệp này đã lên đến 2.000 ha, tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn ở phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, và Quảng Ninh. Phần lớn các dự án của Vinaconex đang trong quá trình triển khai, nổi bật là hai dự án Chung cư Green Diamond (Hà Nội) và một phần của dự án Amatina Cát Bà (Hải Phòng).
Đối với dự án Chung cư Green Diamond, đây là tổ hợp bất động sản gồm căn hộ, văn phòng và tổ hợp thương mại dịch vụ, bao gồm 27 tầng. Dự án này đã được hoàn thiện và được mở bán từ năm 2022. Theo ước tính của một số tổ chức tài chính, dự án này có thể mang về nguồn thu khoảng 2.200 tỷ đồng cho Vinaconex.
Đối với dự án Amatina Cát Bà, dự án bất động sản nghỉ dưỡng này có quy mô lên tới 172.3 ha và tổng mức đầu tư lên đến 10.981 tỷ đồng. Dự án đã được triển khai từ năm 2011, trải qua nhiều biến động và bị tạm dừng khoảng 10 năm. Đến tháng 11/2020, dự án này chính thức được tái khởi động và cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ vào năm 2025. Dự kiến Vinaconex sẽ mở bán và bàn giao các sản phẩm tại siêu dự án này trong năm 2024.
Với loạt dự án bất động sản khu công nghiệp lẫn nhà ở, nghỉ dưỡng dự kiến được tung ra thị trường trong giai đoạn 2 - 3 năm tới, tạo ra cú hích lớn giúp Vinaconex trở lại đường đua ngành bất động sản sau khi chứng kiến sự trầm lắng giai đoạn 2020 – 2022, và một số dự án gặp khó khăn trong việc triển khai do tác động của đại dịch.