Vừa dứt nắng nóng, các tỉnh Bắc Bộ đối diện nguy cơ bão cấp 11 đổ bộ
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thông tin, chiều nay (1/7), vùng áp thấp trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Vào khoảng 15h ngày 1/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 114,2 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 280km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 8. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên khoảng 70km tính từ tâm vùng áp thấp nhiệt đới.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 - 10km và có khả năng mạnh thêm. Đến 15h ngày 2/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 80km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 - 7 (40 - 60km/giờ), giật cấp 9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 13km và tiếp tục có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 15h ngày 3/7, vị trí tâm bão ở trên khu vực phía Bắc vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60 - 75km/giờ), giật cấp 11.
Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia đưa ra cảnh báo: Với việc hình thành, phát triển ngay trên Biển Đông trong thời gian ngắn và kết hợp các yếu tố như nhiệt độ bề mặt nước biển cao, tương tác với các hệ thống thời tiết ở lục địa nên diễn biến của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh thành bão sẽ rất phức tạp, có khả năng di chuyển về phía đất liền nước ta, ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ trong khoảng ngày 3 - 4/7.
Đêm nay và ngày mai (2/7), ở Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông; riêng khu vực Đồng Bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến 30 - 70mm/24 giờ, có nơi trên 100mm/24 giờ). Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi (đặc biệt là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang), ngập lụt vùng trũng ở khu vực trên. Khu vực Hà Nội có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và dông.
Trong khi đó, ghi nhận thực tế chiều 1/7 tại một số địa phương trong tỉnh Nghệ An đã xuất hiện mưa. Tuy lượng mưa không lớn nhưng đây là cơn "mưa vàng", cứu nguy cho sản xuất nông nghiệp và cháy rừng.
Cụ thể, các huyện miền núi như Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn… trời đã có mưa. Thời tiết TP Vinh dịu mát, nhiệt độ xuống thấp.
Hình thái thời tiết trên đang cứu nguy cho hàng ngàn héc-ta cây trồng vụ hè thu - mùa đang có nguy cơ thất thu do khô hạn tại các tỉnh Bắc Trung Bộ. Đặc biệt, giúp cho các ngành chức năng và chính quyền địa phương bớt lo lắng về tình trạng cháy rừng tràn lan như trong mấy ngày qua.
Để chủ động đối phó với diễn biến của áp thấp nhiệt đới nguy cơ mạnh lên thành bão, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia TKCN đã ban hành Công điện số 05/CĐ-TW, đề nghị Ban Chỉ huy PCTT và TKKN các tỉnh, TP, Bộ, ngành chỉ đạo triển khai thường xuyên cập nhật thông tin, diễn biến của bão; theo dõi, kiểm đếm tầu thuyền đang hoạt động trên biển; Quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu, thuyền, giữ thông tin liên lạc với chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Đối với khu vực đất liền, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; thông tin, cảnh báo kịp thời đến chính quyền và người dân để chủ động phòng, tránh, đặc biệt là đối với lũ quét, sạt lở đất các tỉnh miền núi; dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm, nước sạch, thuốc men thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với mưa, lũ lớn...