Vừa khai thác hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường sống
Tinh thần nhân văn sống hài hòa với thiên nhiên, vừa khai thác vừa bảo vệ môi trường sống trái đất của tư tưởng Phật Giáo được trao truyền trong nhân gian qua nhiều thế hệ. Ngày nay được các doanh nhân nước ta ứng dụng hiệu quả, phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Bảo vệ môi trường sống
Trong giáo lý nhà Phật, “Luật nhân quả” là quy luật tồn tại một cách khách quan không phải do Đức Phật quy định hay tự tạo nên. Đức Phật chỉ đem quy luật ấy nói cho mọi người biết, tức ngay đến phật tử hay Đức Phật cũng chịu sự chi phối của quy luật này.
Luật nhân quả thuyết rằng, người gây nên cái “nhân” ác sẽ chịu “quả” (kết quả) xấu, người tạo “nhân” lành sẽ thành tựu “quả” (kết quả) tốt. Phật giáo có những diễn dịch minh họa cho luật nhân quả như sau:
-Sát sinh sẽ bị quả báo như: nhiều bệnh, tàn tật, chết yểu, nhiều tai họa, cốt nhục chia lìa…Trực tiếp hoặc gián tiếp sát hại, đánh đập, ngược đãi, tổn hại người, động vật, đều thuộc hành vi sát sinh, đều bị những quả báo như trên.
-Trộm cắp sẽ bị quả báo nghèo khổ, tài sản bị người khác chiếm đoạt… Hễ tài vật hoặc đồ dùng của người khác,chưa được sự đồng ý của họ mà ta tự lấy dùng hoặc chiếm đoạt, đều thuộc trộm cắp.
v.v…
Trong quan hệ giữa con người với thiên nhiên có thể lấy ví dụ là từ cái “nhân” bảo vệ môi trường, con người nhận được “quả” là môi trường sống thư thái, trong lành, sức khỏe được cải thiện. Từ “nhân” phá hủy thiên nhiên, con người nhận được “quả” là môi trường ô nhiễm, căng thẳng, sức khỏe sa sút.
Mặc dù nhận thức như vậy, nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội hàng nghìn năm nay đã bộc lộ nhiều bất cập và tạo ra nhiều áp lực lớn lên môi trường, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của đất nước. Một nguyên nhân chủ yếu hiện nay là do các hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người gây ra.
Chính vì vậy, từ xa xưa ở nước ta, các vị cao tăng nước ta đã dựng cây giữ núi rừng, cải tạo sông ngòi, đắp cầu, đắp đường, bảo vệ tài nguyên nguồn sống. Dù thuật ngữ “bảo vệ môi trường” không có từ xa xưa, nhưng những gì họ nói và làm trong suốt cuộc đời của họ có thể nói là luôn gắn liền với việc bảo vệ thiên nhiên, góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sống. Các vị cao tăng răn dạy các Phật tử rằng, Đức Phật đã thuyết con người và chúng sinh muôn loại vật đều bình đẳng, khai thác quá mức núi rừng, chính là phá hoại môi trường sống của muôn loài vật và của chính bản thân con người.
Không chỉ qua hành động, Phật giáo truyền bá những giá trị qua những điều răn dạy khởi phát từ sâu trong cốt lõi giáo lý và giáo luật. Phật Giáo luôn răn dạy con người cần có thái độ trân trọng những giá trị mà thiên nhiên mang lại thay vì khai thác một cách quá mức.
Tối ưu hóa công nghệ
Tinh thần nhân văn sống hài hòa với thiên nhiên, vừa khai thác vừa bảo vệ môi trường sống trái đất của tư tưởng Phật Giáo được trao truyền trong nhân gian qua nhiều thế hệ. Ngày nay được các doanh nhân nước ta ứng dụng hiệu quả, phù hợp với trình độ phát triển của doanh nghiệp. Điển hình trong số này là Hòa Phát.
Với quy mô công suất thép Hòa Phát đạt 8,5 triệu tấn thép thô/năm, lớn nhất khu vực Đông Nam Á, Hòa Phát có hệ sinh thái các sản phẩm thép đa dạng. Chuỗi giá trị các sản phẩm thép chất lượng cao của Hòa Phát gồm có: thép cuộn cán nóng (HRC), ống thép, tôn mạ, vỏ container; Thép chất lượng cao làm thép dự ứng lực, tanh lốp ô tô, dây thép rút, lõi que hàn, thép làm bu lông, ốc vít. Ngoài ra, Hòa Phát còn cung cấp các loại thép tấm phục vụ công nghiệp đóng tàu, thép kết cấu…; phôi thép và thép xây dựng.
Không chỉ là doanh nghiệp thép duy nhất của Việt Nam sản xuất được HRC, Hòa Phát còn là một trong những doanh nghiệp sử dụng các công nghệ hiện đại nhất với công nghệ tuần hoàn tiết kiệm tài nguyên, tự chủ 80% điện sản xuất thép, xỉ hạt lò cao được tái sử dụng làm S95 cung cấp cho ngành xây dựng.
Trong quá trình sản xuất thép, Tập đoàn Hòa Phát phải sử dụng một lượng lớn điện, nước, than... Do đó, việc áp dụng các công nghệ giúp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường luôn là ưu tiên số 1 của tập đoàn này. Trong nhiều năm qua, tập đoàn đã đầu tư nhiều giải pháp công nghệ “xanh” để cho ra đời những sản phẩm thép “sạch”.
Tiêu biểu là công nghệ thu hồi nhiệt, khí thải để phát điện, tái sử dụng được Hòa Phát áp dụng đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Cụ thể, tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương của tập đoàn đã áp dụng công nghệ sản xuất than coke sạch thu hồi nhiệt – một công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng. Theo đó, công nghệ này triệt tiêu toàn bộ khí, khói và các chất hóa học độc hại sinh ra từ quá trình luyện than cốc, chỉ thu hồi lại nhiệt năng để chạy máy phát điện.
Với công nghệ luyện than coke sạch, thu hồi nhiệt, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Hải Dương hiện có công suất phát điện 64MW, sản lượng điện phát năm 2020 đạt 478 triệu KWh, tương ứng tự chủ khoảng 70% lượng điện sản xuất, đồng nghĩa với việc tiết kiệm được trên 800 tỷ đồng.
Công nghệ trên cũng được áp dụng tại Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất. Hiện công suất phát điện ở Hòa Phát Dung Quất là 240MW. Năm 2020, khu liên hợp này sử dụng gần 1,6 tỷ KWh điện năng, trong đó 1,2 tỷ KWh do công ty tự sản xuất được, tỷ lệ điện tự chủ sản xuất đạt gần 80%. Tính một cách tương đối, chi phí tiết kiệm được nhờ giải pháp thu hồi nhiệt, khí thải ở các khu liên hợp thép của Hòa Phát từ năm 2021 trở đi nằm trong khoảng 4.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Hòa Phát luôn cố gắng tối ưu hóa công nghệ để tạo ra những sản phẩm “xanh”, góp phần bảo vệ môi trường. Đầu năm 2018, tập đoàn này đã cải tạo hệ thống tạo xỉ hạt bằng nước lạnh áp lực cao và đầu tư thêm 01 dây chuyền nghiền xỉ hạt lò cao tại Khu liên hợp sản xuất gang thép Hải Dương. Đây là dây chuyền công nghệ nghiền đứng, đồng bộ vào loại hiện đại nhất hiện nay, công suất 115 tấn/h, tương đương 750.000 tấn/năm. Công nghệ này giúp biến chất thải phát sinh trong quá trình luyện gang thành xỉ hạt lò cao nghiền mịn S95 – một sản phẩm vật liệu xây dựng có giá trị kinh tế cao. Việc tối ưu hóa công nghệ sản xuất không những giúp Hòa Phát giải quyết căn bản tận gốc vấn đề chất thải rắn mà còn mang lại nguồn doanh thu ổn định thêm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm nhờ phụ gia này.
Quá trình sản xuất thép cũng phát sinh một lượng lớn bụi. Nhằm bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sức khỏe an toàn cho người lao động, Hòa Phát cũng áp dụng nhiều biện pháp để xử lý lượng bụi này như lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lọc bụi ướt. Cùng với đó, tập đoàn này còn xây dựng hệ thống tường bao, trồng cây xanh để chống phát tán bụi, tiêu âm. Đặc biệt, lượng bụi chứa sắt thu hồi được trong quá trình luyện gang thép, vảy cán thép đều được tái sử dụng ở các công đoạn sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa cải thiện môi trường làm việc.
8 hành động giảm phát thải khí nhà kính
Không dừng lại ở đó, mới đây, Hòa Phát đã công bố định hướng đầu tư phát triển thép xanh của Tập đoàn.
Theo đó, Hòa Phát sẽ ưu tiên đầu tư phát triển các loại thép công nghệ cao, thép đặc biệt phục vụ ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, công nghiệp ô tô, đóng tàu, thép kết cấu,… Đây cũng là các hướng phát triển sản phẩm của dự án Dung Quất 2 và các dự án sau này.
Đồng thời, Hòa Phát luôn quan tâm tối ưu hóa tất cả các khâu sản xuất theo hướng tuần hoàn, khép kín, tiết giảm tiêu hao năng lượng và xây dựng lộ trình phát triển thép xanh, giảm phát thải CO2 theo định hướng chung của Chính phủ, hướng đến mục tiêu trung hòa cac-bon vào năm 2050.
Cụ thể, hiện Hòa Phát đã và đang thực hiện 8 hành động nhằm giảm phát thải khí nhà kính bao gồm: Đào tạo và thực hành cho CBCNV Công ty theo NĐ06/2022/NĐ-CP, kiểm toán năng lượng, CBAM; sử dụng nhiệt dư khí nóng lò cốc sản xuất điện; áp dụng công nghệ dập cốc khô CDQ để sản xuất điện; sử dụng nhiệt dư sản xuất điện trong thiêu kết; tận dụng cán nóng từ đúc sang cán sử dụng lò nung; sử dụng công nghệ tuabin thu hồi năng lượng gió lò cao (BPRT). Hòa Phát cũng thay đổi phương thức vận chuyển nguyên liệu bằng băng tải thay ô tô, trồng cây xanh giúp hấp thụ khí CO2,….
Trong tương lai, Hòa Phát sẽ hợp tác với các đối tác hàng đầu thế giới về luyện kim nhằm nghiên cứu thực hiện lộ trình công nghệ luyện kim trung hòa các-bon. Một số giải pháp đã được tính đến như tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ hoàn nguyên trực tiếp DRI; thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách dùng nhiên liệu khí thiên nhiên để hoàn nguyên quặng sắt, áp dụng công nghệ đúc cán liên tục để giảm tiêu hao năng lượng, tiến tới không phát thải CO2.