Vừa mừng, vừa lo!
Năm 2024, lần đầu tiên, số thu ngân sách nội địa cán mốc kỷ lục 1,7 triệu tỷ đồng. Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn, diễn biến phức tạp, đây là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, cơ cấu thu - chi vẫn còn nhiều bất cập khi chi thường xuyên cao, thu từ các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số còn nhiều khó khăn… Đó là những bài toán khó cần được thực hiện quyết liệt và hiệu quả.
Số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy, đến ngày 18/12/2024, tổng số thu qua cơ quan thuế ước đạt 1,730 triệu tỷ đồng, đạt 116,5% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 1.440.413 tỷ đồng. Ước thực hiện cả năm 2024, tổng thu do cơ quan thuế quản lý vượt khoảng 245.588 tỷ đồng so với dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023.
Số thu ngân sách cũng có nhiều điểm sáng khi 19/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt mức dự toán. Có 16/20 khu vực, khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so cùng kỳ. Có 61/64 Cục Thuế hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024.
Cơ cấu thu mang tính bền vững. Một số khoản thu lớn vượt năm 2023, như: thu từ khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 109%, thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 119%, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) gần 116%.
Đáng chú ý, một trong những nguồn thu tăng trưởng mạnh năm 2024 đến từ thu thuế thương mại điện tử, với con số 116.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Đến nay đã có 120 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Số thuế các nhà cung cấp nước ngoài nộp năm 2024 gần 8.700 tỷ đồng, tăng 26% cùng kỳ năm 2023.
Dù bức tranh thu ngân sách nhiều gam màu sáng nhưng câu chuyện chi thường xuyên cao vẫn được nhắc nhiều đến. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, chi thường xuyên vẫn chiếm 70% chi ngân sách, chỉ còn 30% cho đầu tư phát triển, an ninh - quốc phòng. Vậy làm gì còn tiền chi cho đầu tư phát triển. Trong khi đó, theo ông Thắng, các nước phát triển có tỷ lệ chi thường xuyên chỉ chiếm 48 - 50% chi ngân sách.
Bên cạnh đó, cơ cấu thu ngân sách vẫn nhiều hạn chế khi các khoản thu thiếu bền vững như thu từ đất vẫn cao, thu từ các hoạt động kinh tế mới như kinh tế số vẫn hạn chế. DN, người nộp thuế vẫn còn nhiều khó khăn…
Vì thế, cần có những giải pháp hiệu quả và quyết liệt hơn nữa. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, tinh gọn bộ máy là để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Sau khi tinh gọn, bộ máy sẽ cắt giảm được bao nhiêu đầu mối, con người, giảm chi ngân sách bao nhiêu.
Về thu ngân sách, cần các giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu, có nguồn thu bền vững. Muốn làm được điều đó, cơ quan chức năng cần có chính sách hỗ trợ chuyển đổi và dần dần chính thức hóa khu vực kinh tế phi chính thức, giúp ngành thuế đảm bảo việc thu công bằng, thu đúng, thu đủ, mở rộng diện thu thuế; đồng thời, cần phải bảo đảm nguyên tắc vừa bảo đảm thu, vừa phát huy được sức dân và DN.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần có giải pháp giảm gánh nặng thuế TNCN, hài hòa giữa mở rộng thuế, bảo đảm thu đúng, thu đủ để người lao động có tích lũy. Trên cơ sở tích lũy đó, người lao động đầu tư lại cho tương lai, đầu tư vào tài sản, tạo nguồn thu bền vững từ thuế tài sản, hoặc thuế thu nhập cá nhân. Ngoài ra, cần có thêm các giải pháp để quản lý thu các khu vực kinh tế mới như kinh tế số hiệu quả hơn nữa.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/vua-mung-vua-lo-811702.html