'Vua phong lan' đất Hà thành

Đó là danh hiệu mà những người yêu phong lan trong cả nước và bạn bè trong Hội Lan Hà Nội yêu mến đặt cho Trần Tuấn Anh. Tuấn Anh là một trong số rất ít người ở Việt Nam nắm vững đặc tính của hơn 700 loài hoa lan.

“Vua phong lan” đất Hà thành

(ANTĐ) - Đó là danh hiệu mà những người yêu phong lan trong cả nước và bạn bè trong Hội Lan Hà Nội yêu mến đặt cho Trần Tuấn Anh. Tuấn Anh là một trong số rất ít người ở Việt Nam nắm vững đặc tính của hơn 700 loài hoa lan.

Nỗi đam mê mãnh liệt

Phải khó khăn lắm chúng tôi mới tìm gặp được Trần Tuấn Anh tại khu vườn mang tên Ngọc Lan. Nằm sâu trong khu phố Bùi Xương Trạch, quận Thanh Xuân, khu vườn Ngọc Lan với hàng vạn giò phong lan của hơn 300 loài chen chúc. Lơ lửng thành hàng dãy với muôn màu sắc, hình dáng ấn tượng.

Hơn 20 năm trước, vẻ đẹp hoang sơ thanh khiết của giò lan kiếm mà anh tìm được ở núi rừng Việt Bắc nơi anh đóng quân đã khiến Tuấn Anh mê mẩn. Từ đó tình yêu, niềm đam mê của anh với loài hoa này cứ lớn dần. Có lẽ chưa người chơi lan nào lại đi nhiều như anh.

Nghe tin rừng nào, núi nào có lan là anh tìm đến không ngại vất vả hiểm nguy. Có những chuyến đi rừng của anh kéo dài hai ba tháng, ăn ở sống như một gã sơn tràng. Những khi từ rừng đi ra, anh như một “người rừng” với tóc tai bờm xờm, khuôn mặt hốc hác nhưng ánh mắt thì sáng lên niềm vui khôn tả khi tìm được loài lan quý. Có những lần đem được lan từ rừng về, che nắng, tưới nước đều đặn mà lan vẫn chết dần.

Có cây lan mọc ở rừng ra hoa rất đẹp nhưng mang về Hà Nội mấy năm lại không ra hoa. Từ đó Tuấn Anh phải mầy mò tìm tòi để hiểu rõ đặc tính của từng loài lan xem nó thích hợp với loại đất, gờ nào? Độ ẩm, ánh sáng ra sao?…

Sau hơn 20 năm lặn lội sưu tầm, anh đã có một gia tài lớn đó là hàng vạn giò lan với hơn 300 loài khác nhau. Nhưng theo Trần Tuấn Anh, món quà lớn nhất mà núi rừng ban tặng cho anh đó chính là anh đã khám phá và phát hiện ra 4 loài lan rất đẹp, hoàn toàn mới và quý hiếm cho thế giới.

“Vua phong lan” say mê và tỉ mẩn nâng niu những thành quả tại vườn nhà (ảnh: Phú Khánh)

Đặc biệt, 3 trong số 4 loài này mang tên người có công phát hiện ra và đã được Hiệp hội Hoa lan thế giới công nhận gồm: Vandatuananhii; Dendrobiumtrantuanii; Paphiopedilumtrantuanhii và Dendrobiumvietnamica.

Đam mê, đó là phẩm chất rõ nhất toát ra từ con người anh. Niềm đam mê lan và Tuấn Anh như một thứ tín ngưỡng mà anh chính là một tín đồ trung thành. Cụ Nguyễn Tuân đã từng nói: Nghề chơi cũng lắm công phu.

Công phu với Tuấn Anh là sự kiên trì, phải kiên trì cho cây sống và ra hoa. Có như vậy mới tận hưởng được niềm vui khi thấy những phút giây hoa khoe sắc. Muốn chơi lan điều quan trọng là phải có tình với loài hoa chỉ sống bằng nước và khí trời nhưng vương giả bậc nhất này.

Và những “tham vọng”

Đến vườn Ngọc Lan của Tuấn Anh là người chơi đến từ nhiều vùng đất, thậm chí nhiều châu lục. Câu chuyện của chúng tôi luôn bị ngắt quãng bởi người đến tham quan và mua hoa ra vào tấp nập. Anh cho biết mùa tiêu thụ hoa lan nhiều nhất và cũng là lúc hoa lan nở rộ là vào dịp Tết Nguyên đán. Vào dịp này nhà anh bán ra tới 8.000 - 9.000 giò lan các loại. Mỗi năm từ vườn Ngọc Lan rộng chỉ 500m2, anh đã thu về tới hàng trăm triệu đồng.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, nhu cầu nuôi trồng và thưởng thức hoa lan ngày càng tăng cả về số lượng và chủng loại, phong trào và cách thức chơi lan cũng đa dạng, phong phú. Để phát triển vườn lan của mình, Tuấn Anh đã ký hợp đồng thuê đất tại khu vực thực nghiệm của trường Cao đẳng Nông nghiệp Hà Nội và tại Bắc Ninh quê anh với diện tích hàng nghìn mét vuông để nhập và nhân giống các loài lan khác nhau trên khắp thế giới.

Theo Tuấn Anh, chơi hoa lan vừa là một thú vui nhưng cũng là một nghề kinh doanh rất có hiệu quả, nếu thực sự tâm huyết và biết kết hợp hài hòa giữa 2 yếu tố này. Tuy nhiên, theo “Vua phong lan”, ngành nghề trồng hoa lan ở nước ta còn nhỏ bé so với các nước trong khu vực Đông Nam á như Thái Lan, Malaysia… Ngành công nghiệp hoa lan đã thu về nguồn ngoại tệ không nhỏ từ hoạt động xuất khẩu hoa lan của các nước này.

Những năm qua, Trần Tuấn Anh luôn được mời giảng dạy kỹ thuật trồng lan trên nhiều chương trình truyền hình và đi tập huấn ở các trung tâm khuyến nông của các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Bình,… để phục vụ công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp.

Bên cạnh đó, nước ta được đánh giá là có nền sinh học đa dạng, đó là điều kiện rất thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp hoa lan xuất khẩu. Nhưng “Vua phong lan” cho biết, việc xuất khẩu hoa lan hiện nay theo đường chính ngạch là rất khó khăn do có quá nhiều thủ tục hành chính.

“Vua phong lan” Trần Tuấn Anh còn rất nhiều “tham vọng”. Đó là cố gắng cùng với những thành viên của Hội Hoa lan khẳng định được vị trí của lan Việt Nam trên bản đồ lan thế giới, biên soạn một cuốn sách về các loài hoa lan Việt Nam.

Anh mong một ngày nào đó, nước ta sẽ có một khu bảo tồn đa dạng sinh học hoa lan Việt Nam và góp một phần sức mình vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển nền nông nghiệp bậc cao với nghề trồng hoa lan để xuất khẩu, đem về một nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước.

Thanh Tùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/vua-phong-lan-dat-ha-thanh-post30678.antd