Vừa thâu tóm xong Nhà máy NPK Hàn - Việt, Đạm Cà Mau (DCM) nâng mạnh mục tiêu tiêu thụ NPK

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM) hiện đặt mục tiêu tiêu thụ NPK trong tháng 5/2024 lên tới 30.000 tấn, gấp hơn 10 lần so với mức tiêu thụ của tháng 4/2024.

Diễn biến giá ure tại Việt Nam năm 2022 - 2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Diễn biến giá ure tại Việt Nam năm 2022 - 2024. (Nguồn: Đạm Cà Mau)

Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) vừa cho biết, trong tháng 4/2024, sản lượng sản xuất ure giảm nhẹ 2% so với tháng 3/2024, đạt 82.840 tấn. Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ ure đạt 63.210 tấn, giảm 56% so với tháng 3/2024.

Xét theo thị trường tiêu thụ, sản lượng tiêu thụ ure tại thị trường trong nước 44.210 tấn, tăng 46% so với tháng 3/2024; sản lượng xuất khẩu giảm tới 83%, còn 19.000 tấn.

Đối với NPK, sản lượng sản xuất và tiêu thụ trong tháng 4/2024 đều giảm 28% so với tháng trước, lần lượt đạt 12.040 tấn và 2.910 tấn.

Đại diện Đạm Cà Mau cho biết, tình hình giao dịch phân bón tại thị trường nội địa trong tháng 4/2024 khá trầm lắng, giá các chủng loại phân bón đều điều chỉnh giảm liên tục.

Lũy kế 4 tháng đầu năm, sản lượng sản xuất ure đạt 332.700 tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 324.820 tấn, lần lượt hoàn thành 37% và 43% kế hoạch năm. Trong khi đó, sản lượng sản xuất NPK đạt 60.330 tấn, sản lượng tiêu thụ đạt 8.420 tấn, lần lượt hoàn thành 33,5% và 5% kế hoạch cả năm.

Sang tháng 5/2024, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu sản lượng sản xuất ure đạt 80.790 tấn và tiêu thụ đạt 65.000 tấn. Đối với NPK, Đạm Cà Mau dự kiến sản lượng sản xuất đạt 24.750 tấn và tiêu thụ đạt 30.000 tấn.

Đạm Cà Mau cũng vừa mới hoàn tất thương vụ mua lại 100% vốn góp tại Công ty TNHH Phân bón Hàn - Việt (KVF), giúp tăng năng lực sản xuất phân bón NPK lên hơn gấp đôi, đạt tổng 660.000 tấn/năm trong bối cảnh Nhà máy NPK của Đạm Cà Mau đang hoạt động tối đa công suất.

Đồng thời, thương vụ này cho phép Đạm Cà Mau thâm nhập sâu hơn vào loạt thị trường có tiềm năng lớn như Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và miền Trung.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Trong một diễn biến có liên quan, Đạm Cà Mau đã ký kết hợp tác với Wuhuan Engineering Co,.Ltd, nhằm thực hiện ba nội dung chính, bao gồm: nghiên cứu thị trường và phát triển sản phẩm; nghiên cứu nâng công suất Nhà máy Đạm Cà Mau; hợp tác cung cấp dịch vụ bảo dưỡng, vận hành cho các dự án mới của Wuhuan.

Wuhuan là một trong những công ty kỹ thuật hóa dầu lớn nhất Trung Quốc, có năng lực cao về thiết kế kỹ thuật và EPC, cùng nhiều kinh nghiệm dự án, đặc biệt là trong lĩnh vực hóa dầu như phân đạm, phân lân, lưu trữ và vận chuyển LNG cũng như vật liệu mới.

Trước đó, Wuhuan từng hợp tác với Đạm Cà Mau với vai trò là tổng thầu cho dự án Nhà máy Đạm Cà Mau có công suất 800.000 tấn sản phẩm urê/năm, với tổng vốn đầu tư khoảng 700 triệu USD.

Bên cạnh đó, Đạm Cà Mau cũng làm việc với loạt đối tác lớn như Ameropa AG (Thụy Sỹ) - công ty hàng đầu thế giới về kinh doanh phân bón và Sino - Agri Potash - nhà cung cấp phân Kali hàng đầu trên thế giới.

Ngoài ra, ban lãnh đạo Đạm Cà Mau cũng cho biết, công ty sẽ có buổi làm việc với đối tác nhập khẩu kinh doanh phân bón lớn nhất Thái Lan trong thời gian tới. Qua đó, tạo điều kiện để thực hiện chiến lược mở rộng liên kết chuỗi tại thị trường các nước ASEAN.

Duy Quang

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/vua-thau-tom-xong-nha-may-npk-han-viet--dam-ca-mau--dcm--nang-manh-muc-tieu-tieu-thu-npk-121845.htm