Lợi nhuận Gelex liên tục đi lùi sau khi thâu tóm Viglacera

Tập đoàn Gelex liên tiếp ghi nhận lợi nhuận giảm sút sau khi thâu tóm Viglacera. Tuy nhiên, lãi thoái vốn các dự án năng lượng được kỳ vọng sẽ giúp lợi nhuận của tập đoàn tăng trưởng trong năm 2024.

CTCP Tập đoàn Gelex (MCK- GEX) là doanh nghiệp được biết đến sau nhiều vụ thâu tóm các thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực dây, cấp điện, thiết bị điện và thêm sang các ngành nghề kinh doanh tiềm năng khác, trong đó có hạ tầng, logistics, bất động sản và đầu tư thông qua mua bán – sáp nhập.

Sau thời gian tái cấu trúc kể từ cuối 2015 khi Bộ Công Thương thoái vốn tại Gelex thông qua việc bán hơn 122 triệu cổ phiếu (tương đương với gần 79% vốn điều lệ), Gelex đã trở thành tập đoàn tư nhân đa ngành theo mô hình holdings. Gelex những năm gần đây lấn sang lĩnh vực năng lượng tái tạo với mục tiêu sở hữu các nhà máy phát điện với tổng công suất 500 MW vào năm 2025.

Gelex hiện có 5 dự án điện gió tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị với tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. Dự án nhà máy điện gió Hướng Phùng 2, Hướng Phùng 3 (gồm 12 turbine với tổng công suất lắp đặt 50MW) và các dự án nhà máy điện gió Gelex 1, 2, 3 đã được công nhận vận hành thương mại.

Nhận định mảng năng lượng tái tạo là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đầu tư của doanh nghiệp, nhưng mới đây, Gelex đã thoái phần lớn vốn góp tại 3 dự án điện mặt trời và điện gió với tổng công suất 196 MW cho Công ty TNHH Sembcorp Solar Việt Nam (thuộc Tập đoàn Sembcorp Industries - Singapore).

Từ nay đến cuối năm 2024, Gelex sẽ tiếp tục thoái 73% cổ phần tại một công ty con trong hệ thống đang sở hữu danh mục dự án thủy điện với tổng công suất 49 MW cho Sembcorp. Các thương vụ này đã được 2 bên bắt tay hợp tác từ tháng 11/2023.

Nhờ việc thoái vốn thành công tại các thương vụ năng lượng, lợi nhuận năm 2024 của Gelex dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu đề ra. Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2024, tập đoàn này đặt mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 32.303 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất được kỳ vọng 1.921 tỷ đồng. Mức tăng trưởng dự kiến lần lượt là 7,7% và 37,5% so với kết quả thực hiện trong năm 2023.

Nợ phải trả tăng mạnh sau các thương vụ thâu tóm, đầu tư

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2023, Tập đoàn Gelex ghi nhận tổng doanh thu thuần 29.998 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.398 tỷ đồng, lần lượt giảm 6,5% và giảm 32,7% so với năm 2022. So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, tập đoàn đã hoàn thành 80% mục tiêu doanh thu và hoàn thành 110% mục tiêu lợi nhuận của năm.

Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của GELEX đạt 55.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 21.225 tỷ đồng. Nợ phải trả tăng 8% lên 33.853 tỷ đồng, gồm nợ ngắn hạn 18.590 tỷ đồng, nợ dài hạn 15.262 tỷ đồng. Trong đó, phần vay nợ và thuê tài chính chiếm chủ yếu.

Trái phiếu đến hạn thanh toán của tập đoàn là 595,4 tỷ đồng. Trong năm 2023, Gelex phát hành 1.150 tỷ đồng trái phiếu thông qua Quỹ đầu tư và đảm bảo tín dụng (CGIF) để cơ cấu lại khoản nợ và đầu tư vào dự án điện mặt trời 50MW tại Ninh Thuận và thanh toán các chi phí phát sinh của đợt phát hành. Ngoài ra, Gelex cũng phát hành thêm các lô trái phiếu khác để tăng quy mô vốn doanh nghiệp.

Với nền tảng lớn mạnh từ các thương vụ mua bán - sáp nhập và đầu tư dự án, từ năm 2021, Gelex đã ghi nhận tổng nợ phải trả tăng mạnh 114,9% lên 40.691 tỷ đồng, trong đó có gần 22.121 tỷ đồng là vay và nợ thuê tài chính, trong đó nợ dài hạn hơn 17.717 tỷ đồng, vay nợ ngân hàng hơn 9.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 50% dư nợ dài hạn.

2021 cũng là năm Tập đoàn Gelex hoàn tất thâu tóm Tổng công ty Viglacera – CTCP sau nhiều lần mua vào cổ phiếu của công ty này trong 2019. Cụ thể, tháng 4/2021, Gelex đã mua vào 18,5 triệu cổ phiếu Viglacera, nâng tỷ lệ sở hữu từ 46,1% lên 50,2%. Từ đầu quý II/2021, Gelex đã hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera.

Nhờ vậy, năm 2021 cũng đánh dấu Gelex có thời kỳ doanh thu tăng mạnh đạt 28.579 tỷ, tăng 59% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 1.666 tỷ, tăng 70,2%. Tổng tài sản của Gelex năm 2021 cũng biến động mạnh tăng 2,25 lần so với năm 2020, đạt 61.182 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau thời kỳ huy hoàng, từ năm 2021 đến nay, đồ thị lợi nhuận của Gelex đang có chiều hướng đi xuống. Năm 2022, tập đoàn ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm nhẹ 8% xuống còn 1.531 tỷ đồng. Tốc độ giảm thấy rõ rệt nhất ở năm 2023, giảm mạnh 77% xuống còn 863,9 tỷ đồng.

Lý giải về sự giảm sút mạnh này, phía Gelex cho biết khối sản xuất phải đối mặt với sự suy giảm của nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đặc biệt với nhóm vật liệu xây dựng và thiết bị điện có chi phí đầu vào tăng cao. Ngược lại, nhóm năng lượng và nước sạch duy trì doanh thu tăng đều đặn giai đoạn 2021 – 2023, tuy nhiên đã có sự giảm nhẹ trong quý I/2024.

 Các trụ điện gió tại Dự án Nhà máy điện gió Gelex 1,2,3 tại Quảng Trị.

Các trụ điện gió tại Dự án Nhà máy điện gió Gelex 1,2,3 tại Quảng Trị.

Kế hoạch thoái vốn mảng năng lượng là đòn bẩy lợi nhuận 2024

Tại quý đầu năm 2024, điểm sáng trong kinh doanh của Gelex được nhìn thấy ở mảng bất động sản công nghiệp tăng 34,6% so với cùng kỳ đạt 615 tỷ đồng do giá cho thuê tăng từ 7-20% trong năm 2023. Ngoài ra, Gelex cũng ghi nhận lợi nhuận tài chính tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ nhờ hoạt động đầu tư chứng khoán.

Ngược lại, mảng thiết bị điện; vật liệu xây dựng; cung cấp năng lượng và nước đều giảm do chi phí đầu vào, chi phí khấu hao cao.

Trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế của Gelex được kỳ vọng tăng trưởng tích cực nhờ thoái vốn thành công ở các dự án năng lượng đã đi vào vận hành. Tập đoàn đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 1.920 tỷ đồng, tăng 37,5% so với cùng kỳ.

Kế hoạch này bao gồm cả kết quả thoái vốn tại các dự án đang được hệ thống công ty thành viên Gelex vận hành gồm: Điện gió Gelex Quảng trị, Điện gió Hướng Phùng, Thủy điện Sông Bung 4A (Phú Thạnh Mỹ) và Điện mặt trời Ninh Thuận.

Giá trị các thương vụ không được công bố, nhưng Chứng khoán SSI ước tính Gelex sẽ thu về 1.100 tỷ đồng, giúp tập đoàn ghi nhận lợi nhuận trước thuế tăng đột biến trong năm 2024.

Tuy nhiên, nếu không tính khoản lợi nhuận tài chính từ việc thoái vốn mảng năng lượng, lợi nhuận trước thuế của Gelex dự kiến sẽ tiếp tục có xu hướng đi xuống, âm khoảng 4% so với cùng kỳ năm trước, tức đạt khoảng 1.340 tỷ đồng.

 6 tổ chức trong nước có tỷ lệ sở hữu cổ phiếu lớn nhất của Gelex.

6 tổ chức trong nước có tỷ lệ sở hữu cổ phiếu lớn nhất của Gelex.

Theo ước tính lợi nhuận từng lĩnh vực của Chứng khoán SSI, mảng bất động sản khu công nghiệp, tập đoàn dự kiến sẽ cho thuê khoảng 170 ha, tương đương với năm trước. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tập đoàn đã cho thuê 50 ha và ghi nhận lợi nhuận trước thuế khoảng 645 tỷ đồng trong 5 tháng đầu năm 2024.

Tập đoàn cũng dự kiến sẽ đầu tư khu công nghiệp Dốc Đá Trắng rộng 288 ha tại tỉnh Khánh Hòa. Qua đó, SSI dự tính lợi nhuận gộp của mảng này có thể tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm trước đạt 4.520 tỷ đồng vào năm 2024.

Đối với mảng vật liệu xây dựng, Chứng khoán SSI cho rằng tổng lợi nhuận gộp năm 2024 của Gelex dự kiến sẽ giảm 14% so với cùng kỳ đạt 939 tỷ đồng do kết quả kinh doanh kém khả quan trong nửa đầu năm 2024 và công ty tiến hành bảo dưỡng định kỳ nhà máy VIFG.

Đối với mảng thiết bị điện, doanh thu có thể sẽ tăng 10% nhờ xây dựng đường dây truyền tải mạch 3 - 500kV cho EVN. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp có thể giảm 11% xuống 1.670 tỷ đồng do biên lợi nhuận từ EVN thấp hơn và giá đồng tăng 5% so với cùng kỳ trong 5 tháng đầu năm 2024.

Trong ngắn hạn, SSI cho rằng cần thời gian để mảng vật liệu xây dựng và thiết bị điện quay trở lại mức tăng trưởng lợi nhuận dương nhưng việc thoái vốn khỏi các dự án năng lượng tái tạo có thể sẽ hỗ trợ cho giá cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch 27/6, GEX đang ở mức 22.350 đồng/cp.

Phương Thảo

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/loi-nhuan-gelex-lien-tuc-di-lui-sau-khi-thau-tom-viglacera-post175998.html