'Vua thép' Hòa Phát có trở lại với tham vọng top 3 nhà phát triển bất động sản?

Đà lao dốc của thị trường thép trong năm 2022 từng khiến Chủ tịch Trần Đình Long phải gác lại tham vọng đưa Hòa Phát vào top 3 nhà phát triển bất động sản hàng đầu. Đến nay, khó khăn đã dần qua đi, nhưng liệu tham vọng 'làm trùm' địa ốc có còn là ưu tiên số một của 'vua thép'?

Bức tranh tài chính quý II của các doanh nghiệp thép đang xuất hiện nhiều hơn những “gam màu sáng”, biên lợi nhuận gộp phục hồi từ 6% lên 10%. Tổng lợi nhuận quý vừa qua của 7 công ty đầu ngành gồm Hòa Phát, Hoa Sen, Thép Nam Kim, Thép Pomina, Đại Thiên Lộc và Thành Thái đạt xấp xỉ 1.200 tỷ đồng.

Bất động sản vẫn “tỏa sáng”

Với riêng Hòa Phát (HoSE: HPG), trong quý II, công ty đạt doanh thu 29.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.448 tỷ đồng, giảm lần lượt 21% và 64% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lợi nhuận trong quý II của HPG lại tăng gấp 3,7 lần so với kết quả quý đầu năm 2023.

Dù chưa thể trở lại thời hoàng kim, với mức lãi "khủng" 10.351 tỷ đồng trong quý III/2021, nhưng kết quả trong quý vừa qua cho thấy HPG đang trong chu kỳ hồi phục sau giai đoạn “chạm đáy”. Và, đáng chú ý, bất động sản tiếp tục là một trong những ngành hoạt động hiệu quả nhất của “vua thép”.

HPG chuyển chiến lược từ thần tốc sang thận trọng, từ từ trong lĩnh vực bất động sản.

HPG chuyển chiến lược từ thần tốc sang thận trọng, từ từ trong lĩnh vực bất động sản.

Cụ thể, trong bối cảnh thị trường địa ốc đóng băng, Hòa Phát cũng vừa trải qua một giai đoạn đầy sóng gió (chỉ đạt 34% kế hoạch lợi nhuận đề ra trong năm 2022), tuy nhiên lĩnh vực bất động sản của công ty vẫn “tỏa sáng” với kết quả kinh doanh tích cực, các khu công nghiệp đạt tỷ lệ lấp đầy xấp xỉ 100%.

Sau báo cáo thường niên năm 2022 công bố hồi cuối quý I/2023, tỷ phú Trần Đình Long khẳng định việc thị trường từ sốt nóng rồi đột ngột chuyển lạnh gây ra không ít khó khăn, song mảng địa ốc của tập đoàn vẫn đang đi đúng hướng, trong đó có “mũi chủ công” từ bất động sản công nghiệp.

Hiện, “vua thép” vận hành 3 khu công nghiệp, gồm khu công nghiệp Phố Nối A (Hưng Yên) quy mô hơn 688,94 ha (Hưng Yên), khu công nghiệp Hòa Mạc (Hà Nam) 131 ha, khu công nghiệp Yên Mỹ II (Hưng Yên) 313,5ha. Tổng quỹ đất khu công nghiệp được phê duyệt quy hoạch là 1133,44 ha.

Năm 2023, Hòa Phát sẽ đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật dự án Khu công nghiệp Yên Mỹ II mở rộng, với diện tích quy hoạch 216 ha. Kế hoạch trong 10 năm tới, Tập đoàn sẽ phát triển 10 khu công nghiệp.

Cần nói thêm, lợi thế của Hòa Phát khi lấn sân sang bất động sản là tiền mặt. Tại thời điểm cuối tháng 3/2023, Hòa Phát đang có 35.000 tỷ đồng tiền mặt (bao gồm hơn 27.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn không quá 12 tháng). Trong giai đoạn thị trường địa ốc khó khăn, sức mạnh từ tiền mặt sẽ mang lại lợi thế không nhỏ cho doanh nghiệp trong hoạt động M&A, hợp tác đầu tư.

Những bước đi thận trọng...

Rõ ràng, bất động sản vẫn là một trong 4 lĩnh vực “chủ công” của Hòa Phát, bên cạnh lĩnh vực chính là thép, cùng với nông nghiệp và điện máy gia dụng. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tham vọng lọt vào top 3 doanh nghiệp địa ốc hàng đầu không phải là ưu tiên số một.

Thay vào đó, câu chuyện lớn nhất trong ngắn hạn của “vua thép” là hoàn thành khu liên hợp Dung Quất 2. Hiện, mọi hoạt động đầu tư mới của Hòa Phát đều dừng lại nhằm tập trung toàn bộ nguồn lực cho dự án trọng điểm này.

Theo ông Trần Đình Long, đến thời điểm hiện tại, tổng giá trị đầu tư cho dự án Dung Quất 2 tính riêng về tài sản cố định đã lên đến 75.000 tỷ đồng, tương đương hơn 3 tỷ USD, riêng năm 2023 vào khoảng 1 tỷ USD. Dự kiến quý I/2025, dự án sẽ được đưa vào vận hành, ước tính đóng góp khoảng 80.000-100.000 tỷ đồng doanh thu/năm cho HPG.

6 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm 2022 và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỷ đồng, giảm 85%. Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng. So với kế hoạch, tập đoàn này mới chỉ hoàn thành 23% về lợi nhuận, 37% về doanh thu.

“Đây chỉ là tài sản cố định, khi dự án đi vào hoạt động thì cần 25-30 nghìn tỷ đồng vốn lưu động nữa. Như vậy, tổng quy mô đầu tư cho dự án này vào khoảng trên 100 nghìn tỷ đồng”, Chủ tịch Hòa Phát cho hay.

Do đó, để tập trung toàn lực cho Dung Quất 2, ngoài việc không chia cổ tức năm 2022, Hòa Phát sẽ tạm dừng tất cả các hoạt động đầu tư, trong đó có mảng nhà ở. Một lãnh đạo Hòa Phát cũng thừa nhận, ở thời điểm hiện tại, công ty chưa đủ tiền để tập trung quá nhiều vào mảng này.

Ngoài ra, Hòa Phát cũng đặt kế hoạch doanh thu mảng thiết bị gia dụng đạt 1 tỷ USD vào năm 2023. Cùng với đó, đưa vào hoạt động ổn định nhà máy sản xuất container. Được biết, ngày 4/8, công ty sản xuất container của HPG đã bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet cho đối tác. Đây là lô hàng đầu tiên mà HPG xuất ra thị trường sau hai năm đầu tư dự án nhà máy sản xuất vỏ container tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Có thể thấy, bất động sản không phải là ưu tiên hàng đầu của Hòa Phát, ít nhất là trong năm 2023. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, bất động sản vẫn là mảng chủ lực của Hòa Phát.

Tại ĐHĐCĐ 2023 diễn ra mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long cũng khẳng định: “HPG bước chân vào bất động sản không phải theo phong trào, không phải vào bằng được hay ra bằng được. Chiến lược đầu tư vào bất động sản không thay đổi, nhưng sẽ là những bước đi thận trọng, từ từ”.

Hưng Nguyên

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//toan-canh/apos-vua-thep-apos-hoa-phat-co-tro-lai-voi-tham-vong-top-3-nha-phat-trien-bat-dong-san-1095071.html