Vua Trần Nhân Tông và sách lược ngoại giao 'cây tre'
Sách lược ngoại giao 'cây tre', thực ra là sách lược ngoại giao 'Nội cương ngoại nhu' (Trong cứng, ngoài mềm) rất khôn khéo của nước ta, vốn đã có từ thời Triệu Vũ Đế, vua nước NAM VIỆT lãnh đạo các tộc Bách Việt, khi phải đối diện với người láng giềng 'to béo' hơn ta.
Các vua nhà Trần nước Đại Việt đã tiếp thu và thực hiện rất thành công sách lược ngoại giao đặc sắc, để giữ vững hòa hiếu và độc lập của đất nước mình. Bài thơ “Tiến sứ Bắc Ma Hợp, Kiều nguyên Lãng” của vua Trần Nhân Tông là một trong rất nhiều những bài thơ tiếp sứ, tiễn sứ của người xưa.
TỐNG BẮC SỨ MA HỢP, KIỀU NGUYÊN LÃNG
Thiều tinh lưỡng điểm chiếu thiên Nam,
Quang dẫn thai triền dạ nhiễu tam.
Thượng quốc ân thâm tình dị cảm,
Tiểu bang tục bạc lễ đa tàm.
Tiết lăng chướng vụ thân vô dạng,
Tiên phất xuân phong mã hữu tham.
Đỉnh ngữ nguyên ôn Trung Thống chiếu,
Miễn giao ưu quốc mỗi như đàm.
Dịch nghĩa:
TIỄN BẮC SỨ MA HỢP, KIỀU NGUYÊN LÃNG
Hai ngôi sao sứ thần chiếu xuống trời Nam,
Ánh sáng dẫn theo cung độ mỗi đêm chiếu quanh ba vòng.
Ơn thượng quốc sâu sắc dễ cảm tình người,
Phong tục nước nhỏ đơn giản, thẹn lễ nghi có phần sơ suất.
Cờ tiết mao vượt qua lam chướng, ngài vẫn bình an.
Ngọn roi quất trong gió xuân, ngựa có ngựa kèm.
Xin hãy ôn lại lời nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống,
Để tránh cho nhau khỏi mối phiền “lo nước” luôn luôn nung nấu trong lòng.
Dịch thơ:
Hai ngôi sao chiếu trời Nam,
Theo cung độ, sáng muôn vàn ánh sao.
Cảm tình thượng quốc ơn sâu,
Nước Nam tục đạm, lễ hầu thẹn ghê.
Bình an cờ tiết quay về,
Gió xuân phơi phới, ngựa quê tiễn ngài.
Nhớ năm Trung Thống đừng sai,
Để xua đi những đêm dài nấu nung!
(VŨ BÌNH LỤC dịch)
Sách "An Nam chí lược" của Lê Tắc có chép việc vua nhà Nguyên sai quan Thượng thư Ma-cáp-ma (Ma Hợp) và quan Thị lang bộ Lễ Kiều Tông Lượng (Kiều Nguyên Lãng) mang chiếu thư sang nước ta, chỉ dụ vua nhà Trần cứ theo lệ 3 năm sang “Thượng quốc” cống một lần, nhà Nguyên sẽ không sai sứ sang nữa. Đó là năm 1301. Bài thơ này vua Trần Nhân Tông viết nhân dịp tiếp sứ thần trong bữa tiệc tiễn đưa sứ thần nhà Nguyên năm ấy.
Bài thơ nhìn chung vẫn chỉ là ngôn ngữ xã giao như chúng ta vẫn thường thấy. Tác giả ca tụng hai vị sứ thần “thượng quốc”, tài đức sáng như sao Khuê, sao Đẩu, chiếu rọi khắp nhân gian. Chưa hết, tác giả lại còn kể lại cái “ơn sâu” của thượng quốc đối với nước Đại Việt nhỏ bé, đồng thời khiêm nhường vì “nước nhỏ lễ mọn”. Mừng hai vị sứ thần đường xa vạn dặm vẫn bình an với cỗ xe ba ngựa kéo oai phong. Thực ra, “xe có ngựa kèm” chính là xe ba ngựa kéo, có hai con ngựa kèm hai bên, chỉ dành cho những quan chức quý tộc cao cấp.
Tinh thần chủ đạo của bài thơ thể hiện ở hai câu cuối. Vua Trần Nhân Tông chân thành nói với hai vị sứ thần nhà Nguyên, rằng:
Xin (các ngài) hãy ôn lại lời nói “chuông vạc” trong tờ chiếu năm Trung Thống,
Để tránh cho nhau khỏi mối phiền “lo nước” luôn luôn nung nấu trong lòng.
Lời “chuông vạc” là gì vậy? Đó chính là lời nói hết sức hệ trọng, có quan hệ đến vận mệnh quốc gia. Xưa đã có câu: “Nhất ngôn cửu đỉnh” (Một lời nói nặng hơn chín vạc). Vua Trần Nhân Tông khôn khéo nhắc nhở hai vị sứ thần thượng quốc, rằng các vị nhớ giùm cho lời nói của ngài Hốt Tất Liệt từng nói, vào năm Trung Thống nhà Nguyên (1260-1263). Thế là sao?
Theo sách "Đại Việt sử ký toàn thư", tháng 6 năm Trung Thống thứ 2 (1261), nhà Nguyên sai sứ sang dụ vua Trần, đại ý, các phong tục và quy chế về mũ áo cho các quan, nước ta được theo lệ cũ của mình mà sử dụng. Nhà Nguyên cũng đã răn bảo các viên tướng ở Vân Nam không được đem binh lấn cướp vùng biên giới và quấy nhiễu nhân dân nước ta nữa.
Nhắc lại việc này, vua Trần Nhân Tông muốn nhắc nhở hai vị sứ thần thượng quốc hãy nên nhớ nội dung tờ chiếu của ngài Hốt Tất Liệt, xem đó là lời nói có giá trị “Nhất ngôn cửu đỉnh” không thể bỏ qua. Người quân tử chính danh, tất phải hiểu biết ý nghĩa của lòng trung tín. Như thế, là để “tránh cho nhau khỏi mối phiền “lo nước” luôn luôn nung đốt trong lòng.
Cũng nên biết rằng, sau khi đánh bại giặc Nguyên Mông, triều Trần đã thực hiện sách lược ngoại giao “nội cương ngoại nhu” rất tài tình. Mong mỏi thế là rất chân tình. Còn như Hốt Tất Liệt có chịu “buông tha” cho nước Đại Việt nhỏ bé mà “ương ngạnh” hay không, phải chờ xem đã!
Khiêm nhường, mềm dẻo, tình lý buộc chặt vào nhau đầy sức thuyết phục, đó chính là giá trị căn cốt của bài thơ này!