Vực dậy 'đầu tàu' TPHCM: chính sách hỗ trợ cần đồng bộ, loại bỏ lợi ích nhóm
Các chuyên gia cho rằng nên tập trung nguồn lực cho việc nâng cao năng lực y tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, bên cạnh việc phân bổ nguồn lực cho các khu vực kinh tế ưu tiên là cách vực dậy 'đầu tàu' TPHCM.
Các chuyên gia cho rằng Nghị quyết 11 của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội là rất quan trọng, nhưng hiệu quả của Nghị quyết phụ thuộc rất lớn vào quá trình thực thi của các bộ, ngành và các cấp chính quyền.
Đầu tư công là một trong những lực vực được ưu tiên phân bổ nguồn lực để đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế. Ảnh: H.P
PSG. TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – cho biết các chính sách hỗ trợ cần được thực hiện đồng bộ, tránh tính cục bộ, lợi ích.
Theo đó, nhận thức của các bộ, ngành và địa phương về dịch bệnh, phương pháp ứng phó với dịch bệnh, các yêu cầu sống còn phải thống nhất. Ngoài ra, cách triển khai, hành động giữa các cơ quan, đơn vị phải thống nhất.
“Nếu cứ duy trì lợi ích ngành, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ ở các địa phương thì sẽ rất khó đạt hiệu quả”, ông Thiên nói tại tọa đàm “Tạo đột phá để phát triển kinh tế cả nước và TPHCM” ngày 17-2.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng cần có sự ráo riết của Chính phủ trong cách tổ chức thực thi các chính sách.
“Nếu không ráo riết, không đốc thúc cụ thể thì mọi sự đồng bộ khó có ý nghĩa”, ông Thiên nói và dẫn chứng việc Thủ tướng thị sát các địa phương và dự án lớn ở phía Nam, rồi nêu những thông điệp cụ thể để thúc đẩy bộ máy ngay từ đầu năm.
Về phân bổ nguồn lực hỗ trợ, PGS. TS Trần Hoàng Ngân – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM – cho rằng các chính sách phục hồi kinh tế – xã hội nên ưu tiên giữ những gì “đang có” là tính mạng, sức khỏe của nhân dân trước khi lấy lại phần tăng tưởng kinh tế đã mất do dịch bệnh.
Với mục tiêu này, ông cho rằng chiến lược y tế sẽ ưu tiên hàng đầu. “Hiện TPHCM đang đầu tư nhiều hơn cho y tế dự phòng, y tế cơ sở và tăng cường thêm 297 bác sĩ trẻ cho tuyến cơ sở y tế cơ sở để tự tin mở cửa an toàn, đồng bộ, hướng tới đón khách du lịch quốc tế”, ông Ngân nói.
Tương tự, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – kiến nghị việc trang bị các “vũ khí” như thuốc, vaccine, thiết bị, cơ sở điều trị người nhiễm Covid-19 là những yếu tố ưu tiên, bên cạnh việc gia tăng ý thức phòng, chống dịch của người dân và doanh nghiệp.
“Nếu để diễn biến bất thường của đại dịch dẫn đến tình trạng đóng cửa nền kinh tế như năm 2021 thì ngay lập tức ta sẽ lỡ nhịp so với đà phục hồi của thế giới”, ông Cường nói tại Diễn đàn kinh tế – tài chính 2022.
Còn TS Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – kiến nghị Chính phủ chú trọng nâng cao năng lực y tế trong bối cảnh nhiều bệnh viện công – tư gặp vấn đề rất lớn về trang thiết bị y tế, bao gồm thuốc men.
Trước đó, một báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề xuất các gói hỗ trợ tài khóa cần dành ưu tiên cho chi tiêu y tế, đảm bảo an sinh xã hội với người dân và người lao động, đặc biệt là lao động tự do với mục tiêu kiềm chế đại dịch, giảm thiểu tác động về y tế và kinh tế.
Cũng theo ADB, gói hỗ trợ tài khóa của hầu hết các quốc gia đều tập trung nguồn lực với 3 ưu tiên, gồm: hỗ trợ hệ thống y tế đối phó với dịch bệnh; mở rộng bao phủ của hệ thống bảo trợ xã hội để giảm tổn thất, hỗ trợ sinh kế cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; hỗ trợ thu nhập cho người lao động trong các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch, bảo vệ và tạo việc làm, tái phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Bên cạnh ưu tiên nguồn lực cho y tế và an sinh xã hội, các chuyên gia kiến nghị cần dành nguồn lực cho các ngành, lĩnh vực, địa phương có tính lan tỏa cao.
Về khu vực ưu tiên, ông Hoàng Văn Cường đề xuất gói hỗ trợ tài khóa phải tập trung thúc đẩy những khu vực cột của nền kinh tế, gồm: xuất khẩu, chế biến chế tạo để giữ đà phục hồi kinh tế của quý 4-2021 và tận dụng cơ hội chiếm lĩnh thị phần tại các thị trường nước ngoài khi kinh tế thế giới dần mở cửa trong năm 2022.
Với khu vực nông nghiệp, chuyên gia này cho rằng các cơ quan quản lý cần tạo tiền đề về quan hệ thương mại, tiêu chuẩn kiểm soát hàng hóa, tổ chức thương mại, tổ chức lưu thông để nông sản Việt Nam có thêm cơ hội gia nhập, chiếm lĩnh thị phần ở những thị trường cao cấp, thay vì chỉ tập trung sản xuất.
Trước đó, Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7,5-8% trong quý 3-2022 và 6,2-6,7% trong quý 4 với những động lực chính, gồm: công nghiệp chế biến – chế tạo, sản xuất – phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước, điều hòa không khí thuộc khu vực công nghiệp; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải – kho bãi, bán buôn – bán lẻ và sửa chữa ô tô, xe máy, xe có động cơ khác thuộc khu vực dịch vụ.
Về địa phương ưu tiên, ông Trần Đình Thiên kiến nghị chọn TPHCM để bảo đảm khả năng lan tỏa và lưu thông nguồn lực.
Với địa phương này, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng dịch vụ chiếm trên 62% GRDP TPHCM nên cần phải tập trung đầu tư công cho cơ sở hạ tầng giao thông.
Hiện thành phố đang quan tâm nhiều đến dự án Vành đai 3, nhưng ông Ngân cho rằng cần khép lại dự án Vành đai 2, bổ sung các tuyến đường nối vào sân bay, bến cảng.
Tương tự, ông Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – ủng hộ việc tập trung nguồn lực cho đầu tư công nhằm kích tổng cầu và xử lý các bất cập về hạ tầng giao thông, đô thị.
“Ở TPHCM, một đồng đầu tư của nhà nước có thể hút 10 đồng, hoặc ít nhất cũng là 8 đồng tư nhân, nên đầu tư công là vốn mồi”, ông Lịch nói.
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ có dòng vốn cũng là một giải pháp được TPHCM tính toán. Cụ thể, thành phố đã từng thực hiện chương trình ngân hàng kết nối với doanh nghiệp, chính quyền nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp vay nợ nuôi nợ để từ đó đòi được nợ.
Cách làm này đã giúp nhiều doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn 2011-2013.
Để các nguồn lực hỗ trợ thực sự phát huy hiệu quả, ông Hoàng Văn Cường cho rằng Chính phủ cần có lộ trình mở cửa một cách mạnh dạn, chủ động, an toàn và nhất quán để phục hồi các hoạt động dịch vụ, du lịch và thị trường trong nước.
“Cần hạn chế thấp nhất tình trạng đóng cửa các dịch vụ phục vụ nhu cầu của người dân vì thị trường trong nước là một thị trường rất quan trọng để giúp phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng”, ông Cường nhấn mạnh.
Với TPHCM, ông Trần Hoàng Ngân đề xuất thành lập những tổ công tác liên ngành để giúp người dân dân, doanh nghiệp tiếp cận những chính sách hỗ trợ tốt nhất.
“Người lao động, người dân thành phố phải tiếp cận được gói hỗ trợ tiền thuê nhà, gói hỗ trợ tiền thuê đất, gói hỗ trợ 2% lãi suất với dự kiến nguồn kinh phí dự kiến 40.000 tỉ đồng và thành phố phải có tổ công tác để tiếp cận cung – cầu vốn để tận dụng được các gói hỗ trợ này”, ông Ngân nói.
Về rủi ro, TS Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế – lưu ý tránh để dòng tiền “lạc hướng” vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, dẫn tới tình trạng bong bóng trong bối cảnh kinh tế phục hồi còn yếu.
Ngoài ra, cần chú tới nợ xấu của doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân và nợ xấu do thôi thực hiện các biện pháp cơ cấu lại.
Vân Phong