Vực dậy doanh nghiệp sau đại dịch

Những chính sách hỗ trợ cho kế hoạch phát triển dài hạn của doanh nghiệp, hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được kỳ vọng sẽ giúp cộng đồng sản xuất, kinh doanh phục hồi và bật dậy nhanh hơn, mạnh hơn sau đại dịch.

Khách du lịch tham quan Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. (Ảnh: DUY ĐĂNG)

Khách du lịch tham quan Mộc Châu, tỉnh Sơn La trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần. (Ảnh: DUY ĐĂNG)

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện trong hai năm 2022 và 2023. Hiện nay, một số chính sách bắt đầu được các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện với phương châm sớm nhất, hiệu quả nhất.

Cuộc “thanh lọc” lịch sử

Ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel tự nhận doanh nghiệp của mình nằm trong số 2% số công ty lữ hành quốc tế không phải đóng cửa một ngày nào trong suốt hai năm diễn ra đại dịch Covid-19. Thời gian này, doanh nghiệp duy trì hoạt động nhờ chuyển hướng sang sản xuất, kinh doanh bia thủ công Euro Beer và mặt nạ phòng, chống dịch Covid-19, chuyển đổi số, tiết giảm nhân sự đến mức thấp nhất. Thiếu vốn lưu động, AZA Travel từng gõ cửa ngân hàng để vay vốn nhưng bị từ chối vì doanh nghiệp du lịch, lữ hành được liệt vào danh sách rủi ro cao, có tài sản thế chấp cũng không được duyệt hồ sơ. Vì vậy, trước cơ hội đang mở ra cho ngành du lịch thông qua Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, CEO của AZA Travel kỳ vọng được tiếp cận vốn tín dụng để kích hoạt lại ngành nghề kinh doanh chính. “Nhu cầu vốn cho ngành du lịch phục hồi là rất lớn. Nhiều khách sạn, khu vui chơi giải trí, nhà xe, tàu thuyền xuống cấp rất nghiêm trọng sau hai năm đóng cửa, giờ là lúc rất cần nguồn lực để phục hồi. Về phía các công ty lữ hành, nếu được vay vốn lưu động để đặt phòng khách sạn, mua vé máy bay, thuê xe,... cũng có tác dụng tạo dòng tiền cho các doanh nghiệp trong chuỗi, góp phần khôi phục hoạt động của cả ngành du lịch, dịch vụ”, ông Nguyễn Tiến Đạt nói. Cũng trong ngành du lịch, chủ tịch một tập đoàn lớn cho biết, nhờ mối quan hệ lâu năm với ngân hàng cho nên doanh nghiệp không bị xếp vào nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn). Tuy nhiên, lúc nào ông cũng có cảm giác bất an vì dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp kéo dài, doanh nghiệp có thể bị chuyển nhóm nợ bất cứ lúc nào, và như vậy sẽ không có cửa vay tín dụng mới khi thị trường khởi sắc. Nếu chính sách hỗ trợ của Chính phủ xác định du lịch là đối tượng được ưu tiên hỗ trợ tín dụng và triển khai vào cuộc sống sẽ là “liều thuốc” quý cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển.

Không chỉ có ngành du lịch, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã bị bào mòn sau hai năm diễn ra đại dịch Covid-19. Kết quả sơ bộ cuộc tổng điều tra kinh tế năm 2021 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp trong năm đầu tiên diễn ra đại dịch (năm 2020) chỉ đạt 2,3%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2016-2020. Trong giai đoạn này, tốc độ tăng doanh nghiệp bình quân đạt 7,9%/năm, riêng năm 2016 đạt mức tăng cao nhất là 14,1%. Năm 2021, tình hình cũng không khả quan hơn. Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, năm 2021 có tình trạng số lượng doanh nghiệp thành lập mới thấp hơn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, phá sản. Cụ thể, cả nước có 116.839 doanh nghiệp khai sinh nhưng có tới 119.828 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, giải thể. Điểm tích cực là trong khó khăn, nhà đầu tư luôn tìm thấy những cơ hội kinh doanh mới, thể hiện ở số doanh nghiệp quay lại hoạt động ở mức cao. Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Công ty Tư vấn về quản lý kinh tế (Economica Việt Nam) nhìn nhận, đại dịch Covid-19 là cuộc “thanh lọc” lịch sử đối với khu vực doanh nghiệp. Các doanh nghiệp muốn tồn tại phải thay đổi để thích ứng xu hướng mới của thị trường, ứng dụng công nghệ mới và đặc biệt là yêu cầu nâng cao năng suất lao động - điểm nghẽn lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Đây là khía cạnh tích cực của dịch Covid-19, bởi nó đẩy nhanh hơn quá trình cấu trúc lại, nâng cao năng suất lao động, chuyển hướng sang những mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đã có hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa trong đại dịch nhưng các nhà đầu tư đang có nhiều cơ hội mới để tái tạo lại doanh nghiệp của mình. “Doanh nghiệp Việt Nam mạnh mẽ hơn tôi nghĩ. Tháng đầu tiên của năm 2022, có gần 13 nghìn doanh nghiệp mới thành lập, gần 20 nghìn doanh nghiệp khác quay lại thị trường. Tinh thần kinh doanh vẫn hừng hực ngay cả khi cả nền kinh tế vừa trải qua những ngày tháng có thể đen tối nhất. Tôi không cảm nhận được sự hừng hực đó khi sang Sri Lanka, Myanmar và một số nước chung quanh. Ở Việt Nam, doanh nghiệp đóng cửa không đồng nghĩa với sự lụn bại và thất nghiệp kéo dài vì cơ hội để làm lại rất lớn. Đây là đặc điểm của các nền kinh tế đang phát triển, có sự năng động cao”, Tiến sĩ Lê Duy Bình phân tích.

Cần giải pháp hỗ trợ dài hạn

Chia sẻ với báo chí về kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và triển vọng năm 2022, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trăn trở hiện nay của ông là làm thế nào để vực dậy khu vực doanh nghiệp đang chịu nhiều tổn thương, trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với biến thể mới Omicron, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Vì vậy, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, lan tỏa đến doanh nghiệp thuộc những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất như du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, hàng không, giáo dục-đào tạo, cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội,... Các nhóm giải pháp được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 hướng đến hỗ trợ tăng tính thanh khoản cho doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục chính sách giãn, hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp; giảm thuế, phí và các khoản phải nộp; cắt giảm chi phí. Đồng thời, thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho các doanh nghiệp trong những ngành nghề bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19 và những nhóm ngành trọng tâm ưu tiên phát triển để tạo đà phục hồi cho kinh tế. Giải pháp trọng tâm khác là hỗ trợ cấu trúc lại doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh bền vững,...

Trong năm nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cùng nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhấn mạnh, cần hết sức chú trọng tạo điều kiện phục hồi, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Theo đó, cần đẩy nhanh thực hiện hiệu quả các gói hỗ trợ; tăng tính gắn kết giữa các khu vực doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ; áp dụng chuẩn mực quản trị theo thông lệ đối với mọi loại hình doanh nghiệp; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp siêu nhỏ thành công và hiệu quả. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để xây dựng một số doanh nghiệp lớn dẫn dắt trong kiến tạo, kết nối các chuỗi giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số. Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhấn mạnh: “Quốc hội, Chính phủ có giải pháp đẩy nhanh xây dựng thể chế, hành lang pháp lý cho quản lý, phát triển kinh tế số, xã hội và chính quyền số. Theo tính toán của chúng tôi, chuyển đổi số thành công có thể giúp GDP tăng trưởng thêm từ 0,53 đến 1,85 điểm %/năm từ nay đến năm 2030, tùy thuộc vào mức độ chuyển đổi số”. Trong khi đó, Tiến sĩ Lê Duy Bình cho rằng, các chính sách hỗ trợ trong hai năm vừa qua là kịp thời nhưng mang tính ngắn hạn, “đánh cờ nước một” cho nên chủ yếu có tác dụng giải quyết những khó khăn trước mắt. Quan trọng là những chính sách, luật pháp phải đặt nền tảng trung hạn và dài hạn cho sự phát triển của doanh nghiệp trong 5 năm hoặc 10 năm.

Gần đây, các cơ quan quản lý đã tích cực tháo gỡ nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách trong hoạt động kinh doanh, đầu tư,... song những sửa đổi này chỉ mới tháo gỡ một, hai điểm vướng mắc, giải quyết phần ngọn mà chưa đụng đến được phần quan trọng, cốt lõi là sửa đổi mang tính nguyên tắc chung, tạo triết lý cơ bản để hoạt động kinh tế vận hành bền vững, bài bản. Trong thực tế, thể chế chính sách vẫn là nút thắt lớn, mà đây lại là nền tảng để Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình, trở thành nước thu nhập cao. Vì thế, tinh thần kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam cùng với sự phục hồi của thị trường trong nước và nước ngoài chỉ được khơi dậy mãnh liệt bằng các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, mang đến một luồng sinh khí mới cho kinh tế năm 2022.

Các hãng hàng không ghi nhận lượng khách tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: PHAN TRANG)

Các hãng hàng không ghi nhận lượng khách tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. (Ảnh: PHAN TRANG)

TÔ HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nhan-dinh/vuc-day-doanh-nghiep-sau-dai-dich-686092/