VUCA chưa qua, BANI đã tới, doanh nghiệp tồn tại thế nào trong bối cảnh đầy bất định?

Trong thế giới BANI (mong manh, lo lắng, phi tuyến tính, khó hiểu), môi trường kinh doanh thay đổi liên tục, khó dự đoán khiến doanh nghiệp đối mặt với nhiều thách thức.

Bất ổn trong thế giới BANI

Tại tọa đàm “Giải pháp tồn tại và phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thế giới BANI” vừa được JCI Hà Nội tổ chức, các chuyên gia cho biết thế giới đã bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đánh dấu mốc đặc biệt khác với tiến trình phát triển tuần tự của các cuộc cách mạng trước, sẽ tạo nên sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực.

Dù vậy, bên cạnh những cơ hội để bứt phá thì từng quốc gia, doanh nghiệp cũng đang phải đối mặt với hàng loạt hiểm họa, thách thức mới.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐTV Hồng Cơ Group

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐTV Hồng Cơ Group

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐTV Hồng Cơ Group, nguyên Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho hay, từ những năm 1990, khái niệm VUCA ra đời. Đây là định nghĩa về một thế giới đầy biến động, bất định, phức tạp, mơ hồ. Khi thời đại VUCA còn chưa đi đến hồi kết, chúng ta lại có một định nghĩa khác mang tên “BANI”.

Thế giới BANI có thể hiểu là Brittle - Anxious - Non-linear - Incomprehensible (lần lượt là mong manh, lo lắng, phi tuyến tính, khó hiểu). Thế giới BANI sẽ luôn tạo ra sự bất ổn định, thường thay đổi, dễ gãy đổ, không được biết trước cho cả quốc gia, doanh nghiệp và từng con người trong xã hội.

Định nghĩa về thế giới BANI

Định nghĩa về thế giới BANI

Theo ông Thắng, có hàng loạt thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, xung đột vũ trang, tôn giáo, chênh lệch mức sống ngày càng cao, nguy cơ mất cân đối năng lượng, lương thực…

Đáng chú ý, ông Thắng cho rằng nguy cơ lạm dụng công nghệ cao vì mục đích chiến tranh, phá hoại, lừa đảo, lợi ích nhóm, cá nhân ngày càng lớn. Việc ứng dụng công nghệ cao không bị giới hạn về quy ước, quy định sẽ dẫn tới thảm họa của xã hội về phá vỡ văn hóa truyền thống gia đình, gia tộc, văn hóa dân tộc…

Trong bối cảnh trên, Việt Nam là nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Thể chế, khung pháp lý, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế, doanh nghiệp... chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng vai trò kiến tạo cho phát triển kinh tế trong CMCN 4.0 và chuyển đổi số; hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, chưa có nền tảng công nghiệp công nghệ cao…

Nhiều bất định trong thế giới BANI - Ảnh minh họa

Nhiều bất định trong thế giới BANI - Ảnh minh họa

Ngoài ra, việc đầu tư cho nghiên cứu, đổi mới công nghệ, sáng tạo; đào tạo nhân lực chưa được thật sự quan tâm, có tỷ lệ đầu tư thấp so với các nước trong khu vực và thế giới; nguồn nhân lực công nghệ cao thiếu; giáo dục, đào tạo chưa theo kịp chuẩn thế giới, chưa đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước về chuyển đổi số; thói quen bảo thủ, lạc hậu, ngại thay đổi công nghệ, cách làm; tỷ lệ doanh nghiệp, người dân hiểu biết, sử dụng công nghệ cao còn thấp…

Doanh nghiệp tồn tại thế nào trong thế giới BANI?

Ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng thế giới BANI làm môi trường kinh doanh thay đổi liên tục và khó dự đoán khiến doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), phải đối mặt với nhiều thách thức.

Trong khi đó, phần lớn SME là mới khởi nghiệp, chưa trải qua 1 chu kỳ kinh tế 5 năm, quy mô nhỏ và siêu nhỏ cũng như thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, thiếu nguồn lực chất lượng cao, thiếu vốn...

Theo chuyên gia, trong thế giới BANI, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức như doanh thu trì trệ, không có sự bứt phá; thông tin về thị trường đầy biến động, bất ổn, không đầy đủ và bức tranh toàn cảnh về nền kinh tế hiện tại mơ hồ, thiếu rõ ràng; doanh nghiệp mất định hướng, không xác định được mục tiêu kinh doanh và chiến lược phát triển cụ thể, có tính khả thi cao; chiến lược kinh doanh và đầu tư không kịp thay đổi để thích ứng với sự biến động của thị trường hiện tại…

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đảm - Ảnh: Lam Thanh

Các chuyên gia thảo luận tại tọa đảm - Ảnh: Lam Thanh

Do đó, để "tháo gỡ nút thắt" này, đòi hỏi các lãnh đạo, chủ doanh nghiệp cần có giải pháp linh hoạt kịp thời để chuyển mình, thay đổi, thích nghi và vươn lên đón đầu xu hướng mới.

Dù vậy, theo ông Thắng, các doanh nghiệp SME cũng có những cơ hội và thuận lợi riêng. Vì mới khởi nghiệp với quy mô nhỏ nên các doanh nghiệp có thể áp dụng ngay mô hình quản lý, sản xuất kinh doanh mới ứng dụng tiến bộ vượt bậc của CMCN 4.0, công nghệ số.

“Lãnh đạo SME là nhân sự trẻ, thông minh, ham học hỏi công nghệ, sáng tạo và có khát vọng làm giàu. Doanh nghiệp cũng có thể linh hoạt thay đổi nhanh về chiến lược, giải pháp thích ứng kịp thời với thay đổi của thị trường”, ông Thắng nêu.

Giải pháp để doanh nghiệp tồn tại trong thế giới BANI

Giải pháp để doanh nghiệp tồn tại trong thế giới BANI

Theo ông Thắng, để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển trong thế giới BANI cần chú trọng sáng tạo, kết nối và chia sẻ. Ông Thắng cho rằng phải khởi đầu từ tư duy đổi mới sáng tạo về nhận thức, tầm nhìn, chiến lược, kế hoạch và hành động cụ thể nhằm mang lại hiệu quả cao, thiết thực vì tiến bộ của xã hội và hạnh phúc của con người.

Tiếp theo, phải nắm bắt công nghệ, ứng dụng công nghệ cao ở các lĩnh vực từ công nghệ thông tin, sinh học, lượng tử…, ví dụ như IoT, AI, Blockchain, BigData, robot, 5G, nano, công nghệ vi mạch, bán dẫn… để nghiên cứu, chế tạo, sản xuất các nguyên vật liệu mới, giống mới, phương pháp mới, thiết bị, sản phẩm mới, ứng dụng mới.

“Sự sáng tạo phải thượng tôn pháp luật, đúng với các các công ước, quy ước phù hợp với tiến trình kiến tạo kiến tạo nền kinh tế xanh, phát triển bền vững”, ông Thắng nêu.

Về kết nối, ông Thắng khuyến nghị chú trọng kiến tạo hệ sinh thái mở, hệ kinh tế tuần hoàn, kết nối chuỗi cung ứng; kết nối các cơ sở dữ liệu mở; ứng dụng công nghệ thông tin (Intenet, 5G, IoT, Metaverse, AI…) để thu thập, kết nối, xử lý thông tin, dữ liệu thông minh hỗ trợ, tư vấn cho việc hoạch định chiến lược, lập kế hoạch, giải pháp phục vụ quản lý thông minh…

Cũng theo ông Thắng, để có thể tồn tại và phát triển trong thế giới BANI, nhân tố quan trọng là mỗi người cần phải thay đổi chia sẻ (kiến thức, kinh nghiệm, cơ hội, dữ liệu, nguồn lực, lợi nhuận, quyền lợi); phấn đấu cống hiến cho sự kiến tạo, phát triển bền vững cho doanh nghiệp mình nói riêng và một nền kinh tế phát triển bền vững cho mỗi quốc gia nói riêng và toàn cầu.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/vuca-chua-qua-bani-da-toi-doanh-nghiep-ton-tai-the-nao-trong-boi-canh-day-bat-dinh-217183.html