Vui buồn nghề trồng hoa tết
Nghề trồng hoa tết đã giúp cho nhiều gia đình trong tỉnh Kiên Giang có thêm nguồn thu nhập. Nghề này cón được ví là nghề làm đẹp cho đời, nên mỗi vụ hoa đều mang đến cho người trồng nhiều cảm xúc.
Theo thông lệ, cứ khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là thời điểm bắt đầu cho một vụ hoa tết. Tùy từng chủng loại, mỗi vụ hoa kéo dài từ 58-63 ngày, thời gian kết thúc vụ cũng là lúc đón năm mới.
Niềm vui của người trồng hoa tết không chỉ đến từ khoản lợi nhuận sau thời gian miệt mài trên đồng ruộng, mà còn đến từ vẻ đẹp của các loại hoa như tô điểm thêm sức sống mới cho không gian nông thôn miền sông nước.
Chị Trần Thị Phượng, hộ trồng hoa tết ở ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, nói: “Những lúc ngắm cây bắt đầu nhú lên khỏi mặt đất, rồi lớn dần từng ngày, đơm hoa, tỏa hương thơm ngát trước sân nhà làm mình có cảm giác nôn nao và mang nhiều hy vọng. Lúc vợ chồng, con cái cùng chăm bón, tưới cây, cắt tỉa, chăm sóc hoa cũng là thời gian đầm ấm, hạnh phúc nhất”.
Dưới cái nắng rát da, bà Nguyễn Thị Tơ, ngụ ấp Ruộng Sạ 2, xã Phong Đông, huyện Vĩnh Thuận cùng 2 người phụ nữ khác miệt mài chỉnh sửa chậu hoa để chờ thương lái đến thu mua. Gương mặt đỏ gay vì nắng, bà Tơ bảo: “Làm nghề này nám mặt hết trơn nhưng vui. Vui nhất là khi thương lái đến tận vườn thu mua với giá tốt, có lời nhiều để về nhà ăn tết sớm”.
Với 17 năm kinh nghiệm trồng hoa tết, bà Tơ thuộc nằm lòng các bước trong quy trình chăm sóc để hoa nở đúng dịp tết và đạt chất lượng. Tết này, bà Tơ trồng 10.000 chậu hoa các loại gồm vạn thọ, hướng dương, dạ yên thảo, ớt tím, ớt trái tim, cúc lá nhám, cát tường, tăng gấp đôi số lượng so tết năm ngoái. Năm nào cũng ngày 24 tháng Chạp, bà Tơ bắt đầu sỉ hoa cho khách, không quên chừa lại một ít để ra chợ ngồi bán lẻ kiếm thêm đồng lời. Vụ hoa tết năm nay, bà Tơ hy vọng lãi 200 triệu đồng, tăng 100 triệu đồng so vụ hoa năm ngoái.
Bà Đào Thị Mỹ Duyên là một trong những nhà vườn có kinh nghiệm trồng hoa lâu năm ở ấp An Khương, xã Minh Hòa, huyện Châu Thành (Kiên Giang). Bình quân mỗi vụ hoa tết, bà Duyên thu lợi nhuận hơn 100 triệu đồng từ nghề trồng hoa vạn thọ bán tết.
Bà Duyên nói: “Nghề này không dễ cũng không khó, chủ yếu mình phải siêng chăm bón, theo dõi thì cây khỏe, bông đẹp, bán được nhiều tiền. Cùng một diện tích, trồng hoa có thể cho thu nhập gấp 4-5 lần trồng lúa”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ dàng đạt được thành công trong nghề trồng hoa. Thời tiết thất thường, sâu bệnh hay thiếu kinh nghiệm có thể khiến hoa xuất hiện dịch bệnh, không đạt yêu cầu như mong đợi. Đã có không ít người đã phải bùi ngùi nhìn những vườn hoa mình chăm sóc thời gian dài bổng trở nên héo úa, không thể ra hoa đúng dịp tết.
Khảo sát tại một số huyện trong tỉnh Kiên Giang cho thấy, năm nay nông dân trồng nhiều loại hoa cúc khác nhau, phổ biến nhất là giống cúc mâm xôi vàng, cúc họa mi, cúc mâm xôi tím... Hoa cúc không khó trồng, nhưng kỹ thuật trồng để hoa nở đúng dịp tết không dễ, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và cách chăm sóc của mỗi người.
Ông Đào Cảnh Bích, người chuyên trồng hoa cúc mâm xôi bán tết với số lượng lớn, ngụ ấp Ngã Con, xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng, cho biết: “Năm nào thời tiết thuận lợi, cây giống chất lượng, kỹ thuật trồng đảm bảo thì hoa phát triển tốt, kiếm được vài chục triệu đồng ăn tết vì cúc mâm xôi bán có giá gấp 9-10 lần vạn thọ. Cũng có năm cúc mâm xôi bị chậm phát triển do thời tiết thất thường, giá thể không xử lý tốt vậy là lỗ nặng, không còn tâm trạng ăn tết”.
Cúc mâm xôi là một trong những loại hoa dài ngày nhất dịp tết được nông dân gieo trồng. Bắt đầu từ khoảng tháng 5-6 là nông dân đã xuống giống loại hoa này. Do thời gian chăm sóc dài nên chi phí nguyên vật liệu và công sức người dân bỏ ra khá lớn.
Xuống giống được khoảng 1 tuần, người trồng cúc bấm tỉa ngọn và cành, nhánh không cần thiết. Khi cây cho nụ, việc bấm nụ cần làm thường xuyên, tỉa bớt những nụ xung quanh nụ chính. Khoảng 3-4 ngày bơm thuốc 1 lần. Cây trồng hơn 4 tháng mới thu hoạch, khá cực công. Người trồng phải thường xuyên chăm sóc, làm cỏ, điều tiết nước, độ ẩm, bón phân định kỳ, ánh sáng hợp lý thì mới mong có được vụ hoa đẹp, đúng thời điểm, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Kỳ công là vậy nhưng chỉ cần một sơ suất nhỏ trong quy trình canh tác cũng sẽ làm cúc mâm xôi không nở kịp tết là coi như thất bại. Nhưng dù lời hay lỗ tôi vẫn bám trụ với nghề, không chỉ vì mưu sinh mà còn vì yêu nghề”, ông Bích nói.
Sau thời gian được chăm sóc, nâng niu, hoa cũng khoe sắc kịp những ngày đầu năm mới. Đó cũng là lúc tất cả mọi mệt nhọc, gian truân của người trồng gần như tan biến. Từ những câu chuyện về những vui, buồn trong nghề trồng hoa của nông dân, chúng tôi mới hiểu rằng, phía sau những chậu hoa khoe sắc rực rỡ là biết bao nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Niềm vui của người trồng hoa sẽ trọn vẹn hơn nếu vụ hoa tết trúng mùa, được giá, tết của người trồng hoa thêm sung túc, đủ đầy.
Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/nong-nghiep/vui-buon-nghe-trong-hoa-tet-24257.html