'Vui có chừng, dừng đúng lúc' ở những bữa tiệc liên hoan cuối năm
Cuối năm âm lịch là thời điểm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình mong muốn được quây quần bên nhau, vì thế mà những cuộc nhậu, những buổi tiệc tùng được tổ chức nhiều hơn. Nhưng với nhiều người, nó trở thành nỗi 'ám ảnh', phiền toái khi phải tham gia quá nhiều cuộc liên hoan.
Làm việc 5 năm tại bộ phận kinh doanh của một doanh nghiệp tư nhân chuyên sản xuất, buôn bán các mặt hàng nội thất ở TP Hà Tĩnh, anh N.V.T (phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) thường xuyên phải làm việc, tiếp xúc với các đối tác của công ty.
Dịp trước tết Nguyên đán là thời điểm đẩy mạnh các đơn hàng, công việc khá bộn bề, nhưng điều đó không làm anh T. lo lắng bằng việc phải tham gia các buổi tiệc tùng, các cuộc nhậu cùng đồng nghiệp, khách hàng, đối tác.
Anh T. chia sẻ: “Khoảng 2 tuần nay, tôi chẳng mấy khi ăn cơm nhà vì thường xuyên phải đi tiếp khách. Phải uống rượu bia, ăn nhiều thực phẩm giàu chất đạm khiến người rất mệt, sức khỏe giảm đi trông thấy nhưng vì đó đều là những bữa tiệc quan trọng của công ty nên không thể không tham gia”.
Không phải tiếp khách quá nhiều như anh T. nhưng bạn T.T.P (25 tuổi - TX Kỳ Anh) cũng thường xuyên “say sưa” với những bữa tiệc liên hoan tất niên. P. cho hay: “Tôi có nhiều mối quan hệ xã hội, chơi thân với nhiều nhóm bạn bè. Mỗi dịp cuối năm âm lịch, anh em thường tổ chức gặp mặt, liên hoan đông đủ, mình không tham gia cũng khó coi”. Và để không “khó coi” với bạn bè thì những ngày này, hầu như ngày nào anh P. cũng trở về nhà khi đã ngà ngà hơi men.
Trước tết Nguyên đán là thời điểm tất bật, bộn bề công việc, thế nhưng, lại rất nhiều người cùng chung cảnh “cả tháng không ăn cơm nhà” như anh T., anh P.
Các cuộc nhậu, tiệc tùng liên hoan được tổ chức khá dày với nhiều quy mô khác nhau. Gala dinner của công ty, tiệc cuối năm ở cơ quan, tiệc liên hoan gia đình, tiệc tất niên... khiến nhiều người rơi vào “vòng xoáy” của những cuộc vui, của hơi men. Và không ít người trong số đó cảm thấy “ám ảnh” vì điều này. Bởi nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền bạc, thời gian, công việc và nề nếp sinh hoạt của gia đình.
Không chỉ người trong cuộc mà những người ngoài cuộc cũng cảm thấy phiền toái. Nhà nằm trên một con “phố nhậu” ở TP Hà Tĩnh, chị Nguyễn Thu Hoài phải “kêu trời” vì tối nào cũng chứng kiến cảnh ồn ào, tấp nập của những nhà hàng, quán nhậu quanh khu vực mình sống.
Chị Hoài ngán ngẩm: “Xe cộ của khách đậu tràn lan, chắn hết cả lối đi vào nhà dân. Nhà tôi có con nhỏ, mỗi lần khách nhậu hô to “dzô dzô” là con tôi tỉnh giấc khóc thét, cháu lớn học bài cũng bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn từ quán nhậu”.
Những bữa tiệc cuối năm là nơi những người thân yêu, bạn bè, các thành viên trong gia đình gặp gỡ thân tình, cùng nhau nhìn lại những việc đã làm, chưa làm được trong năm qua, động viên nhau nỗ lực, vững vàng hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngày nay, dường như nhiều người vẫn đang lạm dụng khái niệm “tiệc tất niên” để sa đà vào những bữa ăn uống xa hoa, lãng phí, ngập trong bia rượu.
Ngoài những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, thời gian, tiền bạc thì đã có không ít vụ tai nạn giao thông, đánh nhau gây thương tích, thậm chí mà thiệt mạng liên quan đến những cuộc nhậu.
Để phát huy yếu tố tích cực của những cuộc liên hoan, nên chăng, mỗi cơ quan, đơn vị, gia đình cần lựa chọn hình thức tổ chức tiệc gọn nhẹ, phù hợp, tiết giảm những buổi tiệc không cần thiết. Mỗi người dân cũng cần có ý thức “vui có chừng, dừng đúng lúc” để đảm bảo an toàn sức khỏe, thời gian, tính mạng của bản thân và những người xung quanh khi tết Nguyên đán đang đến rất gần.