Nâng cao năng lực y tế tuyến dưới: Tạo cơ hội tiếp cận y tế chất lượng cho phụ nữ và trẻ em vùng khó
'Nếu không được các bác sĩ xử trí kịp thời thì bây giờ tôi không được nhìn con lớn lên, con cũng không được biết sữa mẹ là gì', chị Vàng Thị Tẻm (20 tuổi, ở xã Năm Hăn, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) cho biết. Lần đầu mang thai, chưa có nhiều kinh nghiệm lại không có điều kiện thường xuyên đi khám, đến khi thai 39 tuần, có biểu hiện đau bụng, chảy máu chân răng, chị Tẻm mới được người nhà đưa đến bệnh viện.
Tỷ lệ chuyển tuyến giảm
Theo BSCKI. Dương Thị Như, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, người trực tiếp tham gia kíp trực cấp cứu sản phụ, bệnh nhân vào viện, sau khi sinh thường thì xuất hiện tình trạng đờ tử cung, xuất huyết âm đạo ồ ạt. Sau 10 phút cấp cứu, bệnh nhân rơi vào tình trạng sốc, chảy máu âm đạo không cầm. Tiên lượng rất nặng, nguy cơ tử vong cao.
"Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu cấp do rối loạn đông máu chưa rõ nguyên nhân sau đẻ thường. Kíp trực đã tiến hành kích hoạt hệ thống báo động đỏ tại Bệnh viện, phối hợp bác sĩ nhiều chuyên khoa tiến hành cấp cứu cho bệnh nhân.
Cách đây 10 năm, những trường hợp như thế này khả năng cứu sống được rất thấp. Hiện tại, nhờ được các bệnh viện tuyến trên chuyển giao nhiều kỹ thuật mới, cùng với sự hỗ trợ chuyên môn trực tiếp mà nhiều trường hợp đã được cứu sống", bác sĩ Như cho biết.
Không chỉ phụ nữ mà những năm qua, nhiều bệnh nhi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi cũng được cứu sống nhờ sự hướng dẫn chuyên môn kịp thời từ tuyến trên.
Bác sĩ Chuyên khoa 2 Đào Việt Hưng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu, nhấn mạnh, các đề án từ Bộ Y tế đã tạo cơ hội học tập, nhận chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn lượt học viên, qua đó nhiều kỹ thuật cao đã được thực hiện tại tuyến dưới.
"Vấn đề chăm sóc sức khỏe của phụ nữ và trẻ em là một vấn đề quan trọng ở tuyến cơ sở. Trong khi đó, điều kiện địa lý xa xôi, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn, kinh tế của người dân cũng không có. Thông qua các đề án đã có hàng loạt gói kỹ thuật y tế được chuyển giao.
Từ năm 2020, thông qua hệ thống Telehealth, Telemedicine, hằng tuần bệnh viện sẽ có buổi giao ban trực tuyến cùng các bệnh viện tuyến trên để hội chẩn và xử lý các ca bệnh khó. Năm 2022, tỉ lệ chuyển tuyến của đơn vị là 22%, đến năm 2023 giảm xuống còn 18,5%", bác sĩ Hưng chia sẻ.
Người dân được hưởng kỹ thuật cao, chi phí đi lại giảm
Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), hiện tại, nhiều bệnh viện tỉnh, huyện đã được cải tạo, xây mới, phát triển cả về trình độ kỹ thuật lẫn cơ sở vật chất. Đặc biệt, các bệnh viện vệ tinh đã làm chủ nhiều kỹ thuật khó nên tỷ lệ chuyển tuyến giảm mạnh.
"Sau khi hỗ trợ tuyến tỉnh cơ bản ổn định, chúng tôi quyết định tiếp tục hỗ trợ xuống tuyến huyện, đặc biệt các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Quang (Hà Giang), Sốp Cộp, Mộc Châu, Mai Sơn (Sơn La), Nghĩa Lộ (Yên Bái).
Việc này nhằm cứu sống những bệnh nhân mà nếu chuyển tuyến sẽ tử vong trên đường, giúp người dân được hưởng các kỹ thuật cao, giảm chi phí đi lại, đồng thời giảm tải cho tuyến trên", PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh nhấn mạnh.
Tại "Hội nghị tổng kết công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2024" do Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức vừa tổ chức, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, trong những năm qua, "Đề án 1816", "Đề án Bệnh viện vệ tinh", "Đề án Khám chữa bệnh từ xa" đã tiếp nối, bổ trợ cho nhau trong hành trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho y tế ở tuyến cơ sở.
"Đối với nhiều phụ nữ, trẻ em vùng núi, khả năng tiếp cận y tế chất lượng cao ở tuyến trung ương là vô cùng khó khăn.
Tuy nhiên, khi có sự đồng hành chặt chẽ của đội ngũ chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật theo cách "cầm tay chỉ việc", hỗ trợ trang thiết bị y tế từ các bệnh viện đầu ngành, tuyến dưới sẽ dần nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh, từ đó tạo cơ hội cho người dân được chăm sóc sức khỏe ngay từ cơ sở mà không phải mất thời gian, chi phí lặn lội xuống các bệnh viện trung ương để điều trị", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho hay.