Vui nhưng phải đúng quy định

Với nhiều người, Nghị định 137/2020/NĐ-CP cho phép người dân được đốt pháo hoa được xem là tin vui. Tuy nhiên, cần phải hiểu rõ những trường hợp như thế nào mới được đốt pháo hoa, loại pháo nào được đốt và không được đốt để tránh các trường hợp đáng tiếc do vô tình vi phạm.

Một quy định mới bao giờ cũng gây ra sự băn khoăn với những cách hiểu khác nhau. Quy định đã mở ra một hướng mới trong việc sử dụng pháo hoa, nhưng không phải là được phép thoải mái. Chúng ta nên hiểu đúng quy định để thực hiện cho đúng là việc hết sức cần thiết.

Trước hết, để Nghị định đi vào cuộc sống, người dân cần phải ý thức đầy đủ rằng, Nhà nước đã phân loại pháo bao gồm pháo nổ và pháo hoa. Trong đó pháo hoa nổ tầm thấp và pháo hoa nổ tầm cao là các loại pháo nổ được Nhà nước tổ chức đốt trong các lễ hội, Tết. Còn “pháo hoa” được Nghị định giải thích là sản phẩm tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian và đặc biệt là không gây ra tiếng nổ.

Với loại pháo hoa nổ, Nghị định 137/2020/NĐ-CP cấm hoàn toàn, nghĩa là người dân không được tàng trữ, mua bán, sử dụng. Pháo hoa nổ chỉ được sử dụng theo giấy phép và phải đăng ký trước. Việc bắn pháo hoa nổ do quân đội phụ trách các cơ quan, tổ chức khác ngoài quân đội không được bắn pháo hoa nổ, trừ các trường hợp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Trong các trường hợp được phép đốt pháo hoa, Nghị định mới cũng nêu rõ người "có năng lực hành vi dân sự đầy đủ" thì được sử dụng pháo hoa. Theo luật sư, Bộ luật Dân sự năm 2015 xác định người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người từ đủ 18 tuổi trở lên; không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc không có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Ngoài ra, việc cho phép đốt pháo hoa cũng cần kèm theo các điều kiện như đốt ở đâu, lúc nào, không gian nào, bao nhiêu phút và người đốt phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Trong quá trình thực hiện, cơ quan chức năng cần phải xây dựng những quy định kèm theo và điều chỉnh để quy định này hợp lý hơn.

Để mua được pháo hoa theo đúng quy định, người dân phải mua tại các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, được cơ quan công an cấp phép về sản xuất và kinh doanh pháo hoa. Ngoài những nguồn cung cấp này, tổ chức, cá nhân không được phép mua pháo hoa từ bất kỳ nguồn nào khác, và không cá nhân, tổ chức nào được phép tự chế tạo sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Vậy, cơ sở nào được phép kinh doanh cũng cần công khai rõ để người dân được biết, nắm bắt và thực hiện đảm bảo đúng quy định.

Về cơ bản, Nghị định 137 mở rộng hơn các đối tượng, trường hợp được sử dụng pháo hoa, tuy nhiên không vì thế mà nới lỏng khâu quản lý, vì pháo hoa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về trật tự và nguy cơ cháy nổ./.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/vui-nhung-phai-dung-quy-dinh-116215.html