Vun đắp 'lửa nghề' cho giáo viên

TS Phạm Ngọc Hiền

TS Phạm Ngọc Hiền

Dù gặp phải không ít khó khăn, áp lực nhưng không vì thế mà đội ngũ giáo viên thiếu đi tinh thần nhiệt huyết, yêu nghề. Từ nông thôn đến thành thị, dù là trường công hay trường tư…, các thầy giáo, cô giáo vẫn luôn không ngừng hoàn thiện bản thân, nâng cao kỹ năng, tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy để thực hiện tốt sự nghiệp “trồng người”.

Chia sẻ với Báo Đồng Nai, TS Phạm Ngọc Hiền, giảng viên Khoa Sư phạm khoa học xã hội, Trường đại học Sài Gòn cho rằng, thời nào và ở đâu cũng có những giáo viên yêu nghề, hết lòng vì học trò…

* Thầy từng có nhiều năm dạy phổ thông, hiện nay lại tham gia đào tạo ngành sư phạm, hẳn thầy hiểu rất rõ về nghề giáo cũng như sự vận động, thay đổi của nghề. Theo thầy, giáo viên ngày nay có yêu nghề như giáo viên ngày trước không, so với 10, 20 năm trước chẳng hạn?

- Đến nay, tôi đã có 26 năm làm nghề dạy học, ở cả trung học, đại học, cao học, miền Trung và miền Nam, nông thôn và thành phố, trường công và trường tư… Từ “hành trình” đã trải qua, tôi khẳng định rằng thời nào và ở đâu cũng có những giáo viên yêu nghề, hết lòng vì học trò. Dấu hiệu của những người yêu nghề là luôn tận tâm với công việc, không quan tâm nhiều tới chuyện lương bổng. Đối tượng mà họ cần lấy lòng là học sinh chứ không phải ai khác.

* Những áp lực mà giáo viên ngày nay đang gặp phải là gì? Theo thầy, có cách nào để giúp họ vượt qua được những áp lực đó để có thể đứng trên bục giảng với một lòng say mê, nhiệt huyết với nghề?

- Ở bậc phổ thông, giáo viên phải làm vô số công việc không liên quan gì đến việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Có thời, người ta đặt ra vô số sổ sách, tiêu chí thi đua, dự giờ, sáng kiến kinh nghiệm… nhưng thực ra chỉ để hành giáo viên.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có chủ trương và biện pháp để cắt giảm bớt áp lực sổ sách cho giáo viên. Tuy vậy, có nơi chỉ làm lấy lệ, vì thế, thực chất giáo viên vẫn chưa thoát được “nỗi khổ” này. Ngoài ra, một áp lực khác mà tôi tin chắc là giáo viên nào cũng “ngán”. Đó chính là áp lực từ các phong trào thi đua trong nhà trường. Những phong trào này nếu gắn với học sinh và thực hiện tốt sẽ góp phần phát triển kỹ năng cho học sinh. Nhưng đáng nói là nhiều nơi lại chỉ triển khai mang tính hình thức, làm đối phó. Như vậy vừa không đạt mục tiêu đề ra, vừa tăng thêm gánh nặng cho giáo viên.

* Theo thầy, dư luận xã hội về các vấn đề giáo dục có tác động như thế nào đến tâm lý của giáo viên? Xã hội nói chung, phụ huynh nói riêng cần có nền tảng/thái độ như thế nào khi tham gia phản biện các vấn đề giáo dục để giáo viên tiếp nhận được những ý kiến hay và tránh được tâm lý “hoang mang”?

- Hiện nay, giáo dục là ngành dễ bị dư luận “soi mói” nhất. Vì ai cũng hiểu chút ít những công việc trong nhà trường và có thể nói kiểu nào cũng được. Việc xã hội quan tâm tới giáo dục là điều tốt nhưng tốt hơn cả là cần xây dựng văn hóa tranh luận. Suốt hơn nửa thế kỷ qua, nhà trường dạy con người chỉ tin tưởng tuyệt đối vào mọi thứ, không được hoài nghi, phản biện. Bởi vậy, ngày nay, nhiều người cũng dễ dàng tin tưởng tuyệt đối vào các thông tin trên mạng xã hội. Lẽ ra, từ bậc trung học, học sinh cần phải được dạy rằng: mọi thứ đều có tính tương đối, cái gì cũng có ưu và nhược điểm, cần phải nhìn nhận mọi vấn đề một cách toàn diện, đa chiều. Nếu được đào tạo như vậy thì họ sẽ có thói quen tiếp thu có chọn lọc thông tin trên mạng và phản biện có thiện chí về các vấn đề giáo dục.

* Những thay đổi nào trong đào tạo sinh viên ngành sư phạm hiện nay so với trước đây? Những thay đổi này nhằm mục tiêu gì, thưa thầy?

- Chương trình đào tạo sinh viên sư phạm hiện nay có nhiều điểm mới mẻ, thích ứng với thời đại. Các trường sư phạm thường xuyên cập nhập các kiến thức mới nhất để sinh viên trang bị và vận dụng vào việc giảng dạy ở trường phổ thông. Chẳng hạn, gần đây nhất là bổ sung chương trình giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực của học sinh. Ở mỗi ngành cũng cập nhật những kiến thức mới mang tính thời sự. Chẳng hạn như ngành Ngữ văn, sinh viên đã được tiếp cận với lý thuyết diễn ngôn, văn học hậu hiện đại và các hiện tượng văn học nổi bật đang diễn ra trên thế giới… Việc đào tạo sư phạm chú ý nhiều đến việc ứng dụng. Trong một khóa học, sinh viên được đi thực tập ít nhất hai lần và còn tham gia nhiều hoạt động khác ở trường trung học thực hành…

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh tham quan khu vực vườn rau và vườn cây thuốc nam của trường (Ảnh minh họa)

Giáo viên Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh tham quan khu vực vườn rau và vườn cây thuốc nam của trường (Ảnh minh họa)

Trong nỗ lực nhằm nâng cao chất lượng của đội ngũ nhà giáo, những năm gần đây, Bộ GD-ĐT đã đưa ra “điểm sàn” dành cho khối ngành sư phạm trong kỳ xét tuyển đại học, cao đẳng. Tôi đồng ý rằng tăng điểm đầu vào là một giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Nhưng tôi cũng nhấn mạnh rằng, để có được một người thầy tốt, vấn đề cơ bản không chỉ nằm ở trình độ mà là ở tinh thần trách nhiệm của người thầy.

* Với sinh viên ngành sư phạm, thầy làm thế nào để truyền cho họ ngọn lửa yêu nghề?

- Mỗi người thầy có một cách truyền lửa khác nhau. Cách của tôi là cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao, giúp sinh viên có tâm lý thoải mái khi học tập. Mỗi ngày đến lớp, sinh viên phải có cảm giác vui vẻ. Bài kiểm tra phải vừa tầm, đúng hướng, đảm bảo cho sinh viên hài lòng với môn học. Tôi làm thơ và cũng vui khi thấy nhiều sinh viên làm thơ. Tôi viết sách, viết báo và cũng vui khi thấy nhiều sinh viên, học viên cao học viết sách, viết báo đưa cho tôi đọc, góp ý. Nhiều sinh viên của tôi đã in sách ngay từ lúc còn đang học. Dĩ nhiên, đó là năng lực riêng của trò. Nhưng sự đam mê của thầy cũng góp phần truyền lửa cho trò.

Xin cảm ơn thầy!

Hải Yến (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/tieu-diem/202011/ky-niem-38-nam-ngay-nha-giao-viet-nam-20-11-1982-20-11-2020-vun-dap-lua-nghe-cho-giao-vien-3031446/