Vun giấc mơ Sachi

Đến thăm mô hình trồng cây Sachi (Sacha Inchi) của ông Lê Tuấn Thành, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi được ngắm những vườn Sachi với những hàng cây xanh thẳng tắp. Lão nông hiền lành, chân chất ấy là một trong những người tiên phong đưa cây Sachi về đất Tú Thịnh, cho ra đời nhiều sản phẩm từ hạt Sachi, mở ra con đường thoát nghèo cho người dân nơi đây.

Gian nan với loài cây “khó tính”

Những ngày tháng 10, tôi nghe người dân Tú Thịnh rỉ tai chuyện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Toàn Thắng cùng người dân các xã Thượng Ấm, Minh Thanh, Đông Thọ, Cấp Tiến trồng giống cây lạ Sachi, đem lại giá trị kinh tế cao. Để tìm hiểu về cây Sachi và hành trình đưa loại cây đặc biệt này về trồng, tôi tìm thôn Tân Thắng, xã Tú Thịnh (Sơn Dương), gặp ông Lê Tuấn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toàn Thắng.

Kể về cái “duyên” đến với cây Sachi, ông Thành cho biết, sinh ra và lớn lên ở vùng quê còn nhiều khó khăn, ông luôn trăn trở, với diện tích đất nông nghiệp ít ỏi, làm gì để bà con phát triển kinh tế, tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác. Trước đây cũng có một số mô hình triển khai ở xã như ớt, ngô người dân được hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật. Tuy nhiên, tất cả các mô hình chỉ dừng lại ở bước thí điểm, không thể nhân rộng vì đầu ra sản phẩm không có. Rồi cảnh trúng mùa được giá cứ lặp đi lặp lại làm bà con thêm phần vất vả.

Tình cờ một lần được một người cháu giới thiệu về giống cây Sachi và Công ty CP Inca ở Hòa Bình, ông Thành quyết định đi thăm mô hình thực tế ở huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Qua nghiên cứu, ông thấy mô hình này có thể triển khai phù hợp ở địa phương. Ông Thành nhanh chóng mua giống trồng gần 2 ha cây Sachi. Ban đầu, chưa biết được sự “đỏng đảnh” của loài cây này, ông Thành đã liên tiếp thất bại khi bỏ ra hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây cột, làm giàn, mua giống. Cây Sachi trồng ở đất ruộng không phù hợp chất đất, một phần bị ngập úng chết gần hết.

Ông Lê Tuấn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toàn Thắng (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng Sachi cho bà con.

Ông Lê Tuấn Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toàn Thắng (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật trồng Sachi cho bà con.

Tiền mất, thất vọng bởi có giai đoạn ông phải vay mượn anh em, bạn bè, người thân mà chưa kịp hoàn trả. Nhưng không nản lòng, ông quyết chinh phục bằng được loài cây “khó tính” này. Ông tiếp tục khăn gói về Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng, trường Đại học Nông nghiệp 1 (Hà Nội) để tìm mua giống, tìm hiểu các đặc tính phù hợp của cây Sachi với thổ nhưỡng của địa phương. Những kinh nghiệm đầu tiên ông Thành học được từ chuyến đi thực tế ở Hà Nội, ông tiếp tục đầu tư trồng Sachi ở diện tích đất đồi thấp. Với sự kiên trì không ngừng nghỉ của ông Thành, ngày hái “quả ngọt” đã đến. Sau gần 1 năm trồng, Công ty CP Inca cử cán bộ xuống tận nơi thu mua sản phẩm cho gia đình. Qua hạch toán ban đầu, bình quân 1 ha cho thu hoạch 1 tấn quả khô năm thứ nhất, từ năm thứ 2 sẽ đạt từ 3 - 4 tấn quả. Với giá bán 50.000 - 55.000 đồng/kg, mỗi ha cho thu nhập trên 150 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí ông Thành lãi 80 - 90 triệu đồng/ha.

Sau khi xây dựng vùng nguyên liệu, cuối năm 2019, HTX Nông nghiệp Toàn Thắng do lão nông sinh năm 1969 làm giám đốc ra đời. Được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hỗ trợ 50 triệu đồng, ông Thành và các thành viên HTX đã đầu tư máy móc, dây chuyền sản xuất, chế biến sản phẩm ngay tại Tú Thịnh. Hiện HTX đã có các sản phẩm dầu Omega 3, 6, 9, hạt Sachi rang. Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, ông Thành đã đăng ký truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm. Việc có mã truy xuất nguồn gốc đã tạo thuận lợi trong việc quảng bá sản phẩm tới người tiêu dùng. Hiện sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, có nhiều đơn đặt hàng từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sài Gòn... Sản phẩm cũng đã có mặt tại các hội chợ triển lãm trong và ngoài tỉnh.

Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc loài cây “khó tính” này, ông Thành cho biết, loài cây này nếu mới trồng thì không thể thành công ngay được, bởi không phải chất đất nào cây cũng phát triển được. Điều kiện sinh sống cây đòi hỏi khô thoáng không bị ngập úng. Để thành công với loài cây này cần có kiến thức, kỹ thuật cao, sự tâm huyết, kiên trì, tự tay chăm chút từng chiếc lá, ngọn mầm, quả. Với mức đầu tư khoảng 80 triệu đồng/ha, sau 2 năm, người dân có thể thu hồi vốn và có lãi sau năm thứ ba với mức thu ổn định 150 triệu đồng/ha/năm.

Nhân rộng “giấc mơ sachi”

Dẫn chúng tôi tham quan vườn Sachi, ông Thành cho biết, Sachi là giống cây xuất xứ từ rừng mưa nhiệt đới Amazon (Nam Mỹ). Năm 2012, giống cây được Công ty CP Sacha Inchi Việt Nam nhập về từ Peru trồng khảo nghiệm lần đầu tiên tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tiến hành thuần hóa giống tại Việt Nam. Sau 6 năm trồng khảo nghiệm, phát triển sản xuất liên tục, tháng 1-2019, Sachi chính thức được công nhận đặc cách giống dược liệu mới. Không chỉ là cây công nghiệp lâu năm lấy dầu, thực phẩm, Sachi còn được mệnh danh là “vua” của các loại hạt, với hàm lượng cao các chất dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe con người, nhất là tim mạch, trí não, huyết áp...

Quả và sản phẩm Sachi của Hợp tác xã Nông nghiệp Toàn Thắng.

Quả và sản phẩm Sachi của Hợp tác xã Nông nghiệp Toàn Thắng.

Tuy vậy, để nhân rộng mô hình này không phải là dễ. Khó nhất trong quá trình bắt tay vào thực hiện ý tưởng có lẽ là khâu gây dựng niềm tin, lòng tin của mọi người. Đối với loại cây mới như Sachi, việc chấp nhận đầu tư lớn là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với tính ưu việt và giá trị kinh tế của Sachi, tiềm năng còn bỏ ngỏ của thị trường, ông đã hoạch định ra những bước đi chắc chắn, có tính khả thi, nên gia đình, người dân trong thôn tin tưởng, chung sức chung vốn thực hiện - ông Thành bộc bạch.

Nhìn vườn Sachi xanh mướt cả một vùng, quả sai trĩu, ít ai nghĩ những cây này chỉ mới được trồng cách đây không lâu. Sachi bắt đầu được thu hoạch sau 8 tháng trồng, chăm sóc và có thể thu hoạch liên tục trong vòng 20 năm/cây. Để phục vụ chiến lược sản xuất lâu dài, HTX “bắt tay” với Công ty CP Inca bao tiêu sản phẩm, liên kết với trường Đại học Nông nghiệp 1 cung cấp giống, hỗ trợ khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện HTX đang liên kết với hơn 30 hộ dân ở 5 xã huyện Sơn Dương trồng hơn 6 ha cây Sachi. Một phần quả Sachi sẽ được Công ty CP Inca bao tiêu, một phần sẽ do HTX chế biến thành các sản phẩm.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây Sachi, không ít người dân đã mạnh dạn học hỏi kinh nghiệm từ ông Thành, thử nghiệm trồng loại cây này. Ông Đoàn Văn Việt, thôn Tân Thành, xã Minh Thanh chia sẻ: đầu năm 2022, gia đình trồng 0,5 ha cây Sachi và ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với HTX Nông nghiệp Toàn Thắng. Sau 8 tháng trồng, cây đã ra hoa, đậu quả rất sai. Hơn tháng nữa, 1.000 cây Sachi của gia đình sẽ cho thu hoạch ước đạt gần 1 tấn quả. Cây Sachi thích hợp đối với đất đồi cằn cỗi, chịu hạn tốt, vừa dễ trồng, giá trị sản phẩm cao nên gia đình rất phấn khởi.

Đánh giá về hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Công Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết, mô hình trồng và chế biến sản phẩm Sachi của HTX Nông nghiệp Toàn Thắng đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng chuyên canh hàng hóa, giúp bà con phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Mô hình liên kết sản xuất cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho nông dân trong huyện. Mặc dù hiệu quả kinh tế của các loại cây này cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác nhưng địa phương vẫn từng bước mở rộng diện tích, khuyến khích bà con chuyển đổi trên những diện tích đất sản xuất kém hiệu quả, đất hoang, tránh tình trạng phát triển nóng.

Phóng sự: Lý Thu

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/vun-giac-mo-sachi-165539.html