Vùng an toàn và sự vi phạm luật pháp quốc tế

Trong cuộc tuần tra chung trên bộ gần đây của Ankara và Washington ở phía đông bắc Syria, 6 xe bọc thép của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt qua biên giới với Syria và tham gia tuần tra cùng các binh sĩ Mỹ.

Cuộc tuần tra chung này được thực hiện theo kế hoạch thiết lập vùng an toàn dọc theo biên giới đông bắc Syria. Coi đây là sự "xâm phạm trắng trợn" chủ quyền, vi phạm sự "toàn vẹn lãnh thổ" của Syria, chính quyền Damacus đã kịch liệt lên án cuộc tuần tra trên.

 Thổ Nhĩ Kỳ chính thức điều quân tuần tra chung với Mỹ ở Syria. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ chính thức điều quân tuần tra chung với Mỹ ở Syria. Ảnh: Reuters

Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ, hai đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đạt được thỏa thuận về việc thiết lập một trung tâm điều phối và quản lý vùng an toàn ở phía đông bắc Syria hồi tháng 8 vừa qua sau nhiều trở ngại. Lâu nay, khu vực phía đông bắc Syria-vùng lãnh thổ giáp ranh Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong tầm kiểm soát của Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG). Washington coi YPG là đồng minh quan trọng của mình trên thực địa trong cuộc chiến chống tổ chức nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria. Trong khi đó, Ankara lại coi YPG là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK)-lực lượng vốn bị cả Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã ngồi vào bàn đàm phán về việc thiết lập vùng an toàn tại đông bắc Syria sau khi Ankara nhiều lần gửi lời cảnh báo đanh thép rằng sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự nhằm vào YPG ở quốc gia Trung Đông này. Không muốn bị mang tiếng “bỏ rơi” đối tác trong cuộc chiến chống IS ở Syria, Washington hy vọng có thể ngăn chặn được cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào YPG thông qua việc đạt thỏa thuận trên với Ankara. Thỏa thuận này cũng được xem là “liều thuốc trấn an” cho Thổ Nhĩ Kỳ. Lâu nay, Thổ Nhĩ Kỳ luôn nói rằng sự hiện diện của YPG tại khu vực này làm dấy lên mối đe dọa an ninh đối với Ankara. Vì vậy, việc thiết lập vùng an toàn tại đông bắc Syria sẽ bảo đảm YPG tránh xa biên giới nước này.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ bắt tay nhau thiết lập vùng an toàn trên lãnh thổ của Syria đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền Damacus. Bộ Ngoại giao Syria nêu rõ, thỏa thuận Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được rõ ràng đã vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Lời hứa hẹn mà Ankara và Washington đưa ra về viễn cảnh một “hành lang hòa bình” cho người Syria hiện đang ở Thổ Nhĩ Kỳ trở về quê hương sẽ được tạo ra thông qua thỏa thuận trên không làm quốc gia Trung Đông thấy an toàn. Chính quyền Damacus cho rằng việc thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ về việc thiết lập trung tâm tác chiến chung để quản lý một dải lãnh thổ của Syria giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa đối với tiến trình tìm kiếm hòa bình ở quốc gia Trung Đông này.

Bỏ ngoài tai sự lên án của Damacus, Thổ Nhĩ Kỳ đang hạ quyết tâm xúc tiến việc thiết lập vùng an toàn tại phía đông bắc Syria càng sớm càng tốt với mong muốn xóa bỏ YPG ở vùng lãnh thổ giáp ranh với biên giới nước này. Thái độ trì hoãn thỏa thuận thiết lập vùng an toàn tại phía đông bắc Syria hiện nay của Washington đang khiến Ankara đứng ngồi không yên. Để nhanh chóng hiện thực hóa thỏa thuận với đồng minh trong NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang tìm mọi cách tháo gỡ những “nút thắt” giữa hai bên về vùng an toàn. Có lẽ đó cũng là một phần lý do khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ muốn gặp người đồng cấp Mỹ bên lề khóa họp thường niên của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào cuối tháng 9 này. Nếu phía Mỹ không trao quyền kiểm soát vùng an toàn ở phía đông bắc Syria cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara cảnh báo sẽ tự xúc tiến chiến dịch thiết lập vùng an toàn này tại quốc gia Trung Đông. Thậm chí, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tiến hành một chiến dịch tấn công xuyên biên giới nhằm xóa sổ YPG.

Xem ra, kế hoạch thiết lập một khu vực mang tên vùng an toàn nhằm mở ra “hành lang hòa bình” cho người Syria hồi hương nhưng lại mang đậm mùi thuốc súng có thể khiến tình hình Syria cũng như khu vực Trung Đông thêm rối ren, phức tạp. An toàn thì chưa thấy đâu, nhưng việc tự ý đưa quân vào một quốc gia có chủ quyền rõ ràng là sự vi phạm luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 13-9 vừa tuyên bố chiến tranh ở Syria đã đến hồi kết, thì Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nên cân nhắc tới việc can thiệp của mình vào Syria nếu thực sự mong muốn ổn định tình hình ở khu vực.

THÙY LINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/binh-luan/vung-an-toan-va-su-vi-pham-luat-phap-quoc-te-591135